Vì sao cứ gió mạnh là cây xanh Hà Nội lại bật gốc?
Cơn giông lốc kinh hoàng đi qua Hà Nội vào chiều tối ngày 13/6 đã để lại những thiệt hại vô cùng nặng nề: 1300 cây xanh bị bật gốc, gãy, đổ, đè chết 2 người, làm bị thương nhiều người...
Trong khi hàng nghìn người thức trắng đêm để dọn dẹp đổng đổ nát, khắc phục hậu quả vụ cây xanh bị giông lốc quật đổ thì trên mạng xã hội đã có những tranh cãi nảy lửa những vấn đề liên quan.
Nhiều ý kiến nhận định, giông lốc đã khẳng định chủ trương thay thế hàng loạt cây xanh của Hà Nội trước đây là đúng và mạnh mẽ phản đối những người từng lên tiếng phản đối việc chặt cây này.
Những ý kiến khác lại băn khoăn đặt ra câu hỏi: Tại sao lúc quá trình khắc phục sự cố, với những cây có thân to lớn bị gãy đổ, nhà chức trách lại cắt bỏ? Tại sao không thể trồng lại những cây này như người ta đã từng làm để bảo vệ cây di sản? Nhiều cây mới được thay thế bị bật gốc để lộ nguyên phần lưới bọc dưới gốc cây. Điều này cho thấy sự cẩu thả của người làm nhiệm vụ thay thế cây xanh...
Những ý kiến tranh luận trên kéo dài khiến cộng đồng mạng nổi những cơn giông lốc" trong khi cơn lốc xoáy thiên nhiên thực sự thì đã trôi qua.
|
Cây xanh Hà Nội dễ bật gốc khi gió mạnh. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, Ông Lê Huy Cường, Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam cho rằng, cây xanh đô thị Hà Nội dễ đổ hay không phụ thuộc vào 2 yếu tố: Thiên nhiên và các loại cây trồng.
Về yếu tố thiên nhiên, mưa giông vào chiều tối ngày 13/6 có kèm theo lốc xoáy. Với sức gió mạnh, nhanh bất ngờ, nhiều nhà còn đổ thì cây khó mà tránh khỏi cảnh bị quật ngã. Nếu để ý sẽ thấy nhiều cây đổ tại Hà Nội theo nhiều hướng khác nhau, nguyên nhân do lốc xoáy, gió vặn thân cây. Với sức mạnh của cơn lốc này những cây giòn, dễ gãy, rễ nông thì khó mà có thể trụ vững.
Yếu tố thứ hai là loại cây trồng. Tiêu chuẩn tiên quyết của một số cây trồng trên đường phố Hà Nội là phải chống chịu được gió bão. Nhiều tuyến phố Hà Nội, có cây đổ dù mới trồng cũng có cây lâu năm cũng đổ.
Nguyên nhân không phải do lỗi của cây xanh mà lỗi của chính con người. Con người đã chọn một số cây trồng không đúng, hơn nữa việc thường xuyên đào cống rãnh, xây tường , làm vỉa hè đã cắt bớt rễ cây…nên chỉ cần gió bão những cây này có thể gãy đổ.
Tuy nhiên, nếu để ý có thể thấy, nhiều tuyến phố Hà Nội cây xanh không hề hấn gì như ở đường Láng Hoà Lạc do rễ cây và điều kiện sống của cây ít bị con người xâm phạm.
“Qua cơn giông lốc vừa qua, Hà Nội cần phải rút kinh nghiệm trong việc chọn lựa cây xanh đô thị để thay thế những cây sâu mọt, đồng thời phải chú ý việc chăm sóc cây xanh, làm sao để cây xanh phát triển đồng đều mà không bị cắt đi một phần dễ”, ông Lê Huy Cường nêu nhận định.
Quan điểm của ông Cường cũng giống như nhiều người dân đang sinh sống tại thủ đô Hà Nội. Trước đây họ phản đối việc thay thế cây xanh là do những nhà chức trách làm vội vàng, khi triển khai, Sở Xây dựng chưa tranh thủ rộng rãi ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, cộng đồng cư dân nơi chịu tác động.
Ngay cả tiêu đề một số mục nêu chung chung, chưa làm rõ tiêu chí để đánh giá, phân định như: số lượng cây dự kiến phải chặt hạ, thay thế do có nguy cơ đổ, cây khô chết, cây sâu mục, cây che khuất tầm nhìn ảnh hưởng đến an toàn giao thông và an toàn tính mạng, tài sản của người dân...
Do đó, khi tổng hợp thành số liệu 4.500 cây là chưa cụ thể từng nội dung việc cải tạo, thay thế làm cho dư luận lo ngại về số lượng cây sẽ bị “chặt hạ” quá nhiều. Nhiều người hiểu đây chỉ là việc “chặt hạ”, “loại bỏ” cây xanh hàng loạt, từ đó bức xúc. Còn việc dông lốc cây đổ, là do nhiều nguyên nhân nhưng tiên quyết nhất không phải lỗi của cây xanh mà phải nhìn nhận thẳng thắn là do sự chủ quan của con người.