Vì sao các chiến sĩ Mi171 không thể nhảy dù thoát thân?

Google News

Mi171 gặp sự cố đúng vào thời điểm đang lấy độ cao. Do chưa đạt độ cao cần thiết, học viên đã đeo dù cũng không thể nhảy ra ngoài.

Đó là lý giải của Chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện cứu hộ đường không, thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân.
Theo Đại tá Trần Quang Hòa, Chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện cứu hộ đường không, thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân cho biết, đơn vị có 1 cán bộ hy sinh. Đó là trung úy Nguyễn Đào Hồng Tâm, tổ trưởng giáo viên bộ môn nhảy dù cứu nạn cứu hộ đường không trực tiếp huấn luyện các học viên nhảy dù.
 
Cũng theo đại tá Hòa, máy bay gặp sự cố đúng vào thời điểm đang lấy độ cao. Do chưa đạt độ cao cần thiết, học viên đã đeo dù cũng không thể nhảy ra ngoài. Căn cứ vào quỹ đạo cất cánh thông thường, máy bay gặp nạn đang ở vòng quỹ đạo 1, máy bay sẽ vòng qua bên trái đè trúng ngay khu chợ Hòa Lạc vốn rất đông người vào buổi sáng.
Trong tình huống này, tổ lái đã cố gắng điều khiển máy bay vòng qua bên phải để rơi vào khu đất trống, nơi không có người dân. “Nếu không có hành động dũng cảm của tổ lái, máy bay vướng vào dây điện cao thế hoặc đè lên chợ dân sinh đang có 300 - 400 người thì không biết hậu quả sẽ đến mức nào. Trước khi hy sinh, tổ lái đã có hành động rất dũng cảm”, đại tá Hòa khẳng định.
Trực thăng Mi 171 số hiệu 01 thực hiện nhiệm vụ trong diễn tập chống khủng bố trên sông Hồng đoạn qua Long Biên (Hà Nội) vào ngày 11/10/2010. Ảnh: Tuấn Phùng/TTO 
Trong số các nạn nhân của tai nạn đáng tiếc này, có 3 cán bộ, nhân viên ưu tú của Trung đoàn 916. Đó là Thượng tá Hoàng Lại Long, Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn, phi công cấp 1 (Thượng tá Long là cơ trưởng của tổ bay); Đại úy Lê Thanh Việt, nhân viên bay; Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Thanh, nhân viên cơ giới đường không.
Trung đoàn 916 là một trong những đơn vị có bề dày truyền thống và nhiều thành tích xuất sắc của Không quân Việt Nam, bởi đây là Trung đoàn Không quân trực thăng đầu tiên của quân đội ta, với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Đảng, Nhà nước trao tặng.
Thành lập ngày 19/12/1975, Trung đoàn 916 có nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện bay, bay chuyên cơ, bay diễn tập, vận tải quân sự, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn và nhiều nhiệm vụ đặc biệt khác.
Những năm gần đây, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất, với đội ngũ những phi công lão luyện, thiện chiến vào loại bậc nhất đã có hàng nghìn giờ bay tích lũy, Trung đoàn đã vinh dự được giao nhiệm vụ thực hiện những chuyến bay quan trọng tại lễ kỷ niệm Quốc khánh; chương trình diễu binh, diễu hành trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội; tham gia diễn tập thực binh ứng phó thảm họa khẩn cấp khu vực ASEAN (ARDEX 13-2013); bay phục vụ Lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2002-2012, ngoài nhiệm vụ cơ động phục vụ diễn tập tìm kiếm cứu nạn, diễn tập hiệp đồng binh chủng trong chiến đấu, diễn tập chống khủng bố và bạo loạn, đơn vị nhiều lần trực tiếp tham gia bay phòng chống lụt bão, thả hàng cứu trợ, bay chuyên cơ, qua đó thực hiện 362 lần/chuyến bay nhiệm vụ với hơn 265 giờ bay; bay thả trên 91,2 tấn hàng cứu trợ; chở 2.225 lượt khách của các đoàn cán bộ thuộc Chính phủ, Bộ Quốc phòng đi kiểm tra, thị sát.
Trong số nhiều loại máy bay được giao cho Trung đoàn quản lý, sử dụng nhằm phục vụ các nhiệm vụ thì các tổ bay Mi-171 luôn đóng góp những thành tích, chiến công đáng kể, trong đó có chiếc Mi-171 số hiệu 01.
Mi-171 cũng chính là chiếc trực thăng cùng tổ bay đã bay vào Vũng Chùa nhằm kịp thời xử lý các tình huống, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bảo vệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đồng bào.
Theo VCT News

Bình luận(0)