Vài giờ trước khi ra sân bay đi Hàn Quốc, trưa 7/7, tại trụ sở công ty cổ phần Đức Khải (quận 5, TP HCM), ông Phạm Ngọc Lâm, chủ tịch HĐQT công ty đã dành ít thời gian tiếp báo chí mà ông đã thất hẹn từ tuần trước do “quá nhiều việc phải giải quyết”.
|
Ông Phạm Ngọc Lâm thẳng thắn lắng nghe, chia sẻ và sẵn sàng trả lời các câu hỏi liên quan đến dự án của công ty ông đang được dư luận cả nước quan tâm đặc biệt. |
Tại buổi gặp, ông Lâm đã thẳng thắn chia sẻ và sẵn sàng trả lời bất cứ câu hỏi nào của các nhà báo liên quan đến dự án đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm: Đầu tư 1500 tỷ đồng mua tàu công suất lớn, máy bay trực thăng, ụ nổi…với hàng ngàn thủy thủ, thuyền viên, kỹ sư…tiến ra vùng biển Hoàng Sa đánh bắt thủy, hải sản.
“Tôi khẳng định đây là việc đầu tư làm kinh tế, chứ không phải quản bá thương hiệu. Tuy nhiên dự án lẽ ra đến năm 2015 mới khởi động nhưng trước vụ việc TQ hạ đặt giàn khoan trái phép, quấy phá tàu cá của bà con ngư dân trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam nên chúng tôi đã có động lực và quyết định làm ngay, càng sớm càng tốt”, ông Lâm chia sẻ.
|
Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Đức Khải đang thông tin cụ thể, chi tiết kế hoạch mua 100 con tàu, 2 trực thăng, 2 ụ nổi và trang thiết bị hiện đại với số vốn 1500 tỷ đồng để ra biển Đông đánh bắt thủy, hải sản. |
Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Đức Khải cho biết, nhiều ngày qua ông nhận được rất nhiều thông tin góp ý, ủng hộ và không ít ý kiến nghi ngờ, phản ứng…trước tính khả thi của dự án mà công ty ông vừa công bố.
Ông Lâm tỏ lòng cám ơn, luôn đón nhận mọi ý kiến đóng góp và khẳng định: “Đến thời điểm này, hầu như toàn bộ kế hoạch cho việc thực hiện dự án để đầu năm 2015, 100 chiếc tàu mang thương hiệu “Đức Khải” sẽ đồng loạt hướng ra vùng biển Hoàng Sa để đánh bắt cá cơ bản đã hoàn tất. Chúng tôi vẫn tiếp tục đón nhận ý kiến đóng góp của các cơ quan quản lý, nhà chuyên môn, các tầng lớp nhân dân… để giúp công ty hoàn thiện hơn trong công việc mới mẻ, đầy ý nghĩa này nhằm góp phần phát triển kinh tế biển, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động và khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.
|
Hình ảnh 1 trong số 100 con tàu CTCP Đức Khải sẽ mua tại các nước có công nghệ đóng tàu hàng đầu thế giới... |
|
...và hình ảnh phác thảo con tàu đánh cá sau khi về Việt Nam được sơn mới logo Đức Khải với quốc kỳ Việt Nam. |
Ông Lâm cũng thông tin thêm, 100 chiếc tàu công ty Đức Khải mua từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản (những quốc gia hàng đầu về sản xuất tàu đánh cá) là những chiếc đang hoạt động đánh bắt trên biển. Công ty Đức Khải thông qua đối tác tại các nước để tìm mua những chiếc tàu đạt tiêu chuẩn, vận hành tốt. Sau đó đưa về Việt Nam chỉ làm thủ tục, sơn lại màu, logo công ty và trang bị thêm thiết bị…Đến khi đã đủ 100 chiếc, đoàn tàu sẽ ra khơi.
“Là một người có kinh nghiệm trong kinh doanh, tôi đã tính toán chi tiết và lạc quan khẳng định: Chỉ mất từ 6 đến 8 năm, công ty chúng tôi sẽ thu hồi lại vốn đầu tư của dự án này”, ông Lâm cho biết.
|
"Đại gia Sài Gòn" khẳng định tiến độ thực hiện dự án "100 tàu ra biển" đang trong giai đoạn hoàn tất. Ngay tối nay, ông Lâm cùng cộng sự sẽ lên đường sang Hàn Quốc ký hợp đồng chính thức đưa những con tàu đầu tiên về Việt Nam. |
Kiến Thức sẽ tiếp tục theo dõi, cập nhật thông tin, hình ảnh các con tàu được Đức Khải lần lượt đưa về TPHCM trong những ngày tới.