Người gây ra nỗi uất nghẹn vì bị ép vào bệnh viện tâm thần, cướp con lại là chồng chị - anh Trần Ngọc (công tác tại Tiểu đoàn Bảo vệ mục tiêu - Bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, thuộc Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Đông Nam TP.HCM).
Ép vợ vào bệnh viện tâm thần!
Kết hôn và sinh con trong năm 2011, nhưng cuộc hôn nhân của chị Đan chỉ hạnh phúc được một thời gian ngắn ngủi. Sóng gió nổi lên từ lúc chị sinh con, nằm “cữ”. Dù chị có công việc ổn định và đang nghỉ sinh theo chế độ, nhưng mẹ chồng từ Đăk Lăk xuống thăm lại cho là chỉ mình con trai bà đi làm sẽ lo không xuể gánh chi tiêu gia đình nên đề nghị chị… đi bán vé số. Không thể làm theo lời mẹ chồng, chị Đan nấn ná đến lúc vừa trở lại công việc thì cha chồng phát bệnh. Nghe lời chồng, chị xin nghỉ việc, về Q.8 thuê nhà trọ mở quán nước mưu sinh để tiện chăm sóc cha chồng thường xuyên vào TP.HCM chữa bệnh.
|
Hình minh họa |
Do đặc thù công tác, anh Ngọc ít khi về nhà, mọi lo toan cho con một tay chị Đan quán xuyến. Chị trình bày, tháng 6/2013, cô bé phụ quán nước với chị kể, nhiều lần bị anh Ngọc sàm sỡ nên muốn xin nghỉ việc. Chị hỏi lại anh, vợ chồng gây nhau một trận, rồi anh đề nghị chở chị ra quán nước nói chuyện tiếp, không ngờ anh chở vợ một mạch đến… Bệnh viện Tâm thần TP.HCM.
“Tôi hỏi vào đây làm gì, anh Ngọc bảo có chút việc. Trong lúc tôi ngồi chờ, anh nói nhỏ gì đó với bác sĩ. Lát sau, vị bác sĩ lại hỏi tên tuổi tôi, hỏi có ngủ được không. Nghi chuyện chẳng lành, tôi tranh thủ gọi điện cho gia đình và bỏ chạy nhưng bị mấy người lạ chặn lại, khiêng tôi đưa vào một căn phòng có rất nhiều bệnh nhân. Tôi gào thét, trách móc: “Sao nỡ đối xử với em như vậy?” nhưng anh Ngọc ngó lơ. May mắn, cô ruột tôi đến kịp, làm dữ mới giải cứu tôi về được” - chị Đan kể.
Từ hôm đó, mỗi lần nhớ lại chuyện này là chị Đan lại thấy cay đắng, uất ức. Chán nản, chị nghỉ bán, ôm con về Q.Phú Nhuận sống chung với cha mẹ. Anh Ngọc cũng vì thế mà càng ít đến thăm con, lần nào anh đến vợ chồng cũng to tiếng. Tháng 9/2014, chị Đan tìm được một chân làm bếp cho nhà hàng. Muốn phát triển nghề nghiệp, chị thu xếp học tiếng Anh và tham gia lớp kỹ thuật chế biến món ăn.
Chị cho biết, công việc này có thu nhập ổn định, giúp nuôi con mà không cần tính đến sự hỗ trợ của chồng. Thời gian này, một lần hẹn vợ ra quán nước, Ngọc đặt vấn đề ly hôn, hứa sẽ đưa chị một khoản tiền để ổn định cuộc sống. Thương con trai còn nhỏ, chị không đồng ý. Chiều ngày 11/3/2016, nghe báo chồng đã đến trường đón con, chị Đan rất lo lắng vì lâu nay hiếm khi anh ta chủ động đưa đón con như vậy. Chị gọi điện cho chồng, Ngọc nói cụt lủn: “Con ra Hà Nội sống rồi”. Cuống cuồng đi tìm con, ngày 15/3 chị bất ngờ nhận được thông báo mời dự hòa giải tại TAND Q.Phú Nhuận do có đơn xin ly hôn của Ngọc.
|
Chị Đan đang trình bày vụ việc |
Chị Đan nức nở: “Từ ngày con bị chồng “bắt” đi đến nay, tôi chưa một lần được nói chuyện với con. Tôi cũng không biết con tôi hiện đang ở với ai, ra sao. Chúng tôi không hề có người thân ngoài Hà Nội. Gia đình tôi đã thử đến cơ quan anh và gõ cửa nhiều người quen nhưng không tìm thấy cháu”. Chị Đan cho biết thêm, trong quá trình chung sống, anh Ngọc thường xuyên gây chuyện đánh đập chị, sử dụng cả còng số 8 trói tay chị nhiều lần. Vì muốn giữ uy tín, danh dự cho chồng nên chị đã nín nhịn.
Sự ích kỷ của người chồng
Buổi hòa giải không thành. Chị Đan xin được trích lục hồ sơ của tòa án để xem những trình bày của Ngọc trong vấn đề ly hôn và giành quyền nuôi con. Chị lại uất nghẹn khi đọc bản tự khai của chồng: “Tôi kết hôn vì lý do vợ tôi có con trước hôn nhân, chứ thực chất tôi không có tình yêu với vợ… Vừa qua, tôi tình cờ phát hiện vợ tôi ngoại tình… Vợ tôi có tiền sử bệnh thần kinh phân liệt…”.
Để chứng minh, Ngọc còn kèm theo lá đơn anh ta gửi đến Bệnh viện Tâm thần TP.HCM xin xác nhận vợ bệnh, bệnh viện đã xác nhận: “Chị Đan có đến khám vào ngày 16/6/2013 tại Khoa Ngoại trú, được bác sĩ chỉ định nhập viện điều trị nội trú nhưng cô ruột không đồng ý, có làm cam kết cho bệnh nhân xuất viện trong ngày. Bệnh viện có cấp toa thuốc cho bệnh nhân…”. Điều lạ là mặt trước của đơn xin xác nhận này có kê một đơn thuốc dành cho chị Đan với rất nhiều thông tin sai lệch, như: tuổi bệnh nhân: 27 (khi đó chị Đan mới 23 tuổi), ngày kê đơn thuốc là 16/7/2013 (một tháng sau ngày chị Đan bị chồng ép đưa vào bệnh viện)…
Chị Đan đau đớn: “Yêu nhau hơn ba năm, tôi giúp đỡ anh ấy học hành thành đạt; để rồi anh ấy bảo không có tình yêu với tôi và chỉ vì giành con, anh ấy sẵn sàng quy kết tôi có bệnh tâm thần. Nếu tôi bệnh, ai chịu nhận dạy tiếng Anh cho tôi, ai dám cho tôi làm nhà hàng của họ?”. Giải thích chuyện ngoại tình, chị càng chua chát: “Chính tôi mới là người bị phản bội. Nhiều lần đi chơi với bố về, con trai khoe được bố và cô đưa đi công viên. Bố bắt con gọi cô bằng mẹ và dặn con không được nói cho mẹ biết đã đi chơi với cô”...
Những nghi vấn chồng ngoại tình, những gây gổ vô cớ mỗi lần chồng ghé thăm con; những khổ sở vì chồng bạo hành, những tủi buồn thương nhớ con… thành giọt nước tràn ly khiến chị Đan không còn muốn giữ “tiếng” cho chồng nữa. Chị đến đơn vị Ngọc xin can thiệp, giúp đưa con về nhưng trong buổi làm việc không có mặt Ngọc, chị Đan được “giải quyết”: “Đây là việc cá nhân gia đình của cô Đan và anh Ngọc, đơn vị không có thẩm quyền giải quyết” (trích biên bản làm việc khi phóng viên yêu cầu được Tiểu đoàn cung cấp).
Trong buổi làm việc chiều 12/4, với sự có mặt của phóng viên, anh Ngọc và ông Hoàng Xuân Phương - tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Bảo vệ mục tiêu-Bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, ông Phương nêu quan điểm: “Tòa chưa có quyết định giao con cho ai thì không thể nói anh Ngọc bắt con được. Giả sử tòa giao con cho chị Đan mà anh Ngọc đưa đi thì mới là bắt con; còn bây giờ hai bên đều đang chờ tòa xử thì con ở với bố hay mẹ vẫn là hợp pháp”
Phóng viên đặt vấn đề, một đứa trẻ đã quen sống với mẹ, bất ngờ chịu cảnh “chia lìa” trong một thời gian khá dài không có bất cứ sự liên lạc nào với mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý đứa trẻ: “Chưa biết ai được quyền nuôi con, nhưng thời điểm này, với cương vị của mình, không biết ông có thể động viên, khuyên bảo để anh Ngọc trả con về cho mẹ, giúp cháu tiếp tục đi học và tránh những tổn thương tâm lý?”.
“Thật ra chúng tôi đã nhắc nhở anh Ngọc phải có trách nhiệm giải quyết ổn thỏa chuyện gia đình. Anh Ngọc cũng hứa sẽ thu xếp” - ông Phương nói. Đề cập đến chuyện anh Ngọc sử dụng công cụ hỗ trợ bạo hành vợ, ông Phương khẳng định: “Tôi chưa nghe phản ánh việc này. Nếu có chứng cứ, cô Đan cứ mạnh dạn gửi đơn, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý đúng quy trình, trách nhiệm”.
Mặc dù phóng viên đang làm việc với lãnh đạo, nhưng đến lượt mình nói chuyện, anh Ngọc vẫn yêu cầu được xem… thẻ nhà báo, giấy giới thiệu. Xem xong, anh ta tuyên bố: “Tôi sẽ không trả lời bất cứ câu hỏi nào của chị!”. “Vậy là anh cương quyết giữ con cho đến ngày ra tòa?” - phóng viên hỏi. Ngọc đáp: “Chỉ tòa mới có thẩm quyền hỏi tôi”.
Kéo con nhỏ vào mâu thuẫn của người lớn, gây ra những tổn thương cho vợ con mình; chúng tôi không hiểu anh Ngọc có ý thức là mình đang nhân danh tình thương bằng sự lạnh lùng, ích kỷ khi hành xử cạn tình, vô tâm như vậy?
Báo Phụ Nữ sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.
Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Tuy vụ việc đang được tòa thụ lý, nhưng hành vi đưa con đi “bặt tăm” của anh Ngọc rõ ràng đã ảnh hưởng đến quyền lợi và tâm lý của con. Theo điều 99 và điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, nếu chị Đan nhận thấy việc anh Ngọc không trực tiếp chăm sóc con mà nhờ người khác chăm sóc khiến không đảm bảo sức khỏe và tâm lý của con; chị có thể yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc anh Ngọc giao con lại cho chị trong thời gian chờ giải quyết ly hôn.
Việc giao con cho ai nuôi bên cạnh quyền lợi của con, còn phụ thuộc điều kiện, sức khỏe của người trực tiếp nuôi dưỡng. Để xác định một người có mắc bệnh tâm thần hay không cần phải có quyết định giám định cụ thể của cơ quan giám định pháp y tâm thần - căn cứ theo Luật Giám định tư pháp và Thông tư 18/2015/TT-BYT của Bộ Y tế.
Những tài liệu anh Ngọc cung cấp chưa phải là cơ sở pháp lý để xác định chị Đan có bệnh tâm thần hay không. Nếu chị Đan chứng minh được có chỗ ở, có thu nhập ổn định và điều kiện chăm sóc con tốt, nhiều khả năng tòa sẽ xem xét trao quyền nuôi con cho chị. Riêng hành vi sử dụng công cụ hỗ trợ vào mục đích cá nhân - bạo hành vợ của anh Ngọc; nếu chị Đan có chứng cứ thì tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả mà có thể xử lý hình sự hoặc hành chính và xử lý kỷ luật theo quy định của ngành.
Luật sư Đồng Mạnh Hùng (Công ty Luật Phạm Nghiêm)