Đúng 11h30 trưa nay, HĐXX TAND TP Hà Nội đã tuyên án đối với 6 quan chức nhận “lót tay” 11 tỉ đồng trong đại án tiêu cực tại Ban Quản lý các Dự án đường sắt (RPMU, thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam). Trong đó bị cáo "đầu xỏ" trong vụ án - Phạm Hải Bằng (49 tuổi, nguyên phó giám đốc RPMU) nhận mức án cao nhất 12 năm tù, đồng thời buộc phải nộp lại hơn 4 tỷ đồng.
Trước đó, phiên xét xử 6 quan chức đường sắt nhận hối lộ khá căng thẳng với phần tranh luận khi công tố viên bảo lưu quan điểm truy tố, trong khi các luật sư yêu cầu trả hồ sơ điều tra lại.
|
Bị cáo Phạm Hải Bằng bị tuyên phạt 12 năm tù. |
Các bị cáo khác trong vụ án là Phạm Quang Duy (40 tuổi, cựu phó giám đốc RPMU) bị tòa tuyên phạt 8 năm 6 tháng tù.
Nguyễn Nam Thái (38 tuổi, cựu trưởng phòng thực hiện Dự án 3 thuộc RPMU) bị tòa tuyên phạt 11 năm tù.
Trần Quốc Đông (51 tuổi, nguyên phó tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên giám đốc RPMU) nhận án 7 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Nguyễn Văn Hiếu (53 tuổi, nguyên giám đốc RPMU) 7 năm 6 tháng tù.
Trần Văn Lục (57 tuổi, nguyên giám đốc RPMU) nhận mức án thấp nhất là 5 năm 6 tháng tù giam.
Tất cả các bị cáo phải bồi hoàn số tiền đã nhận "lót tay" theo quy định của pháp luật.
Tài liệu truy tố thể hiện, ngày 31/10/2008, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 (giai đoạn 1). Theo đó, chủ đầu tư dự án được giao cho Ban quản lý các dự án đường sắt Việt Nam (viết tắt là RPMU).
Kèm theo quyết định này, ông Phạm Hải Bằng (SN 1969, Phó giám đốc RPMU) được giao chức trách Chủ nhiệm dự án. Với nhiệm vụ mới, ông Bằng có thẩm quyền là đầu mối quản lý toàn bộ lĩnh vực liên quan đến quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án. Ngoài ra, vị Chủ nhiệm dự án còn có chức trách tổ chức thực hiện và trực tiếp thực hiện các công việc của dự án.
Để thuận lợi cho việc triển khai dự án, tháng 9/2009, Tổng công ty đường sắt Việt Nam ký hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật dự án tuyến số 1 với liên danh do Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (viết tắt JTC) đứng đầu. Hợp đồng này được định giá hơn 2,9 tỷ Yên Nhật Bản, cùng với hơn 320 tỷ đồng.
Vẫn theo tài liệu truy tố, từ tháng 9/2009 đến tháng 2/2014, Phạm Hải Bằng đã trực tiếp thoả thuận với đại diện nhà thầu JTC, với mong muốn JTC hỗ trợ cho RPMU các khoản tiền liên quan đến quá trình triển khai dự án.
Ngay sau khi được “gợi ý”, phía JTC đã nhận lời và chuyển cho Bằng cùng các đồng phạm liên quan 11 tỷ đồng. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định, số tiền trên đã được “chuyển hoá” vào các hạng mục tiếp khách, hiếu hỉ, đi lại, làm ngoài giờ..
Đánh giá mức độ phạm tội của các vị chức sắc ngành đường sắt, Viện KSND Tối cao khẳng định, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thoả thuận ngoài hợp đồng giữa Phạm Hải Bằng cùng thuộc cấp với các nhà thầu đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam, đến mối quan hệ hợp tác truyền thống, lâu đời giữa Việt Nam và Nhật Bản trong việc vay vốn và sử dụng vốn vay ODA. Theo nhà chức trách, hiện phía Nhật Bản đã xử lý những sai phạm của JTC, từ đó làm ảnh hưởng, ngưng trệ quá trình triển khai dự án.