Thành công không đi trên thảm đỏ
Sáng cuối năm, cơn mưa cuối mùa bất chợt ào xuống khiến đất trời Sài Gòn như dịu hơn. Bên ly cà phê, câu chuyện về kỷ niệm một thời quá khứ gian truân làm nên thành công như hôm nay và trong tương lai ùa về với nhà khoa học trẻ: “Cách đây gần 10 năm, thầy Phan Kim Ngọc, Trưởng phòng thí nghiệm tế bào gốc của trường liên tục “đuổi” không cho mình làm việc tại phòng, thầy đuổi riết mình cứ lì ra. Không phải vì thầy ghét bỏ trò, mà vì thầy thương mình. Khi đó ai cũng cho rằng, tương lai của mình quá mờ mịt tại Phòng Thí nghiệm TBG chỉ vỏn vẹn 16m2. Nhiều cơ hội đi du học, mình cứ để trôi qua”.
|
TS Phạm Văn Phúc - nhà khoa học trẻ đam mê nghiên cứu TBG. |
TS Phạm Văn Phúc hồi tưởng: “Nhiều lời ong tiếng ve cho rằng tôi yếu kém, phải bám phòng thí nghiệm. Đặc biệt là quan niệm, cứ phải ra nước ngoài du học hoặc làm tiến sĩ thì mới là giỏi… phần nào khiến tôi đứng trước nhiều áp lực. Nhưng tôi nghĩ, môi trường học tập, rèn luyện là quan trọng, song quan trọng hơn chính là bản thân người đó. Tôi đặt niềm tin vào nơi này. Từ đây, tôi cùng thầy Ngọc bắt đầu con đường chông gai trong một lĩnh vực khó, mới, nhất là với tôi khi đó - một sinh viên mới ra trường”.
Những năm tháng khó khăn nhất, với anh là kỷ niệm nhớ mãi. TS Phạm Văn Phúc kể: Tốt nghiệp đại học, kinh tế gia đình quá khó khăn, được làm tại trường nhưng chưa được hưởng lương, 2 năm ròng anh được thầy Ngọc lo nuôi ăn, lo cho tiền mua nguyên liệu hóa chất để nghiên cứu… “Có lúc cùng cực, thầy phải bán nốt chiếc xe honda 50 của mình lấy tiền cho tôi mua hóa chất làm thí nghiệm. Không ít lần nhà thầy bị điện lực cúp điện vì nợ tiền lâu quá”, TS Phạm Văn Phúc tâm sự.
Có công mài sắt…
Thành công dần đến với thầy trò anh, khi dự án thành lập Phòng Thí nghiệm trọng điểm nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc quy mô hơn được chấp thuận. Phòng thí nghiệm được đầu tư, mở ra cho anh nhiều thuận lợi, chuyên tâm vào nghiên cứu ứng dụng công nghệ TBG trong điều trị các bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư vú, gan và trong tái tạo một số mô thoái hóa như xương, sụn, chế tạo mỹ phẩm, điều trị thần kinh…
Thành công nối tiếp, TS Phạm Văn Phúc và nhóm nghiên cứu Phòng Thí nghiệm TBG đã chuyển giao được một số công nghệ điều trị bệnh bằng TBG, đặc biệt là điều trị bệnh thoái hóa khớp bằng tế bào gốc mỡ tự thân (hút mỡ bụng của người bệnh đem chiết xuất thu TBG) và bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính (COPD), đều đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép thử nghiệm lâm sàng.
|
Ảnh minh họa. |
TS Phạm Văn Phúc nhớ lại: “Phương pháp dùng TBG điều trị bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính (COPD) do chính thầy Ngọc là bệnh nhân đặc biệt điều trị đầu tiên. Khi đó, tình trạng bệnh của thầy rất nguy kịch, gia đình đã tính chuyện lo hậu sự. Dầu vậy, quyết định đưa kết quả nghiên cứu trên vào điều trị bệnh cho thầy lại không nhận được sự ủng hộ của các bệnh viện lớn trong thành phố. Một bệnh viện tư tại TPHCM đã đồng ý điều trị cho thầy Ngọc bằng phương pháp TBG, nhưng đưa ra nhiều cam kết. Tôi là người trĩu nặng áp lực tâm lý. Nhưng tôi có niềm tin “làm đúng là không sao”, cùng với sự quyết tâm của thầy yêu cầu được điều trị bằng phương pháp TBG, vậy là việc chữa trị theo phương pháp mới được tiến hành, dù khi đó việc điều trị phải làm... chui, vì chưa được Bộ Y tế cho phép thử nghiệm lâm sàng”. Sau hai lần ghép TBG, thầy Ngọc đã khoẻ hơn, trở lại công tác, giảng dạy.
Nghiên cứu cho ra đời công nghệ TBG đầu tiên, được Bộ Y tế cho phép thử nghiệm lâm sàng và cấp phép ứng dụng, là kết quả cho những năm tháng anh chôn chân trong phòng thí nghiệm như đi tu, ngoài giờ dạy học lại cặm cụi nghiên cứu, có khi khuya mới trở về nhà. Từ thử nghiệm lâm sàng hai công trình nghiên cứu thành công, anh dần trưởng thành, tự tin hơn vào khả năng của mình. Đến nay anh đã có hơn 70 bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế. Nhiều bài báo của anh và cộng sự được đánh giá cao gồm: Công nghệ nuôi cấy TBG từ máu cuống rốn ứng dụng trong điều trị (đăng trên Tạp chí Journal of Translational Medicine năm 2014, đạt kỷ lục 8.788 số lần truy cập). Công nghệ này nuôi cấy được TBG có thể ứng dụng lâm sàng, dùng chính huyết thanh của máu cuống rốn bệnh nhân đó để nuôi TBG, thay vì phải dùng huyết thanh bò như trước, giúp nhiều người bệnh không bị sốc phản vệ, an toàn 100% trong cấy ghép... Tái phát, di căn sau hóa trị liều cao là vấn đề thường gặp. Tuy nhiên, tỷ lệ di căn do ghép TBG thấp hơn so với phương pháp điều trị thông thường.
Từ công trình của TS Phạm Văn Phúc, năm 2012, phòng thí nghiệm và các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã thử nghiệm lâm sàng ghép TBG điều trị thoái hóa khớp trên 37 bệnh nhân tại TPHCM. Kết quả, không có các biến chứng liên quan đến thủ thuật như nhiễm trùng, các biến chứng về thải ghép hay sinh ung, tăng biên độ vận động của khớp sau điều trị. Theo TS Phạm Văn Phúc, một số nước y học phát triển, đại trà ứng dụng TBG điều trị bệnh, nhưng giá mỗi lần điều trị hơn 200 triệu đồng. Trong khi ở Việt Nam, giá trung bình mỗi ca điều trị khoảng 50 triệu đồng. Giá rẻ hơn bởi nhóm nghiên cứu đã làm chủ công nghệ chiết tách TBG từ mô mỡ. Hiện công nghệ này đã được phát triển thành các bộ kit, thương mại hóa, mang lại cơ hội nhiều hơn cho các bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối.
Phía trước là bầu trời…
Công trình mới hiện nay của anh được nhiều sự quan tâm nhất đó là công nghệ nuôi cấy TBG trung mô, được phép ghép trên người. Đồng thời, TS Phạm Văn Phúc là người đầu tiên tìm ra gene CD44 - gene quan trọng gây nên tình trạng kháng thuốc, di căn trong ung thư vú. TS Phạm Văn Phúc “bật mí”, anh đang hoàn thành một công trình nghiên cứu giúp cho sức khoẻ của nhiều người, hy vọng sẽ là một công trình đóng góp vào tên tuổi của mình trên nền khoa học quốc tế. Ngoài ra, có hai sản phẩm sẽ xin phép Bộ Y tế vào năm 2016.
Nền khoa học Việt Nam đang dần khởi sắc, quy định chính sách của nhà nước đã thoáng hơn, nâng cao giá trị vai trò của các nhà khoa học trong sự nghiệp phát triển, đặc biệt là giới trẻ sẽ được đánh giá cao hơn trong lĩnh vực nghiên cứu KHCN. Với những quy định cải cách của Thủ tướng Chính phủ ban hành, hy vọng 2016 sẽ là thời mốc quan trọng trong lĩnh vực phát triển KHCN Việt Nam.
Chia tay nhà khoa học trẻ, tôi vẫn nhớ câu anh nói: “Một nhà nghiên cứu công nghệ sinh học nếu thành công một loại thuốc, có thể cứu hàng triệu, thậm chí hàng tỷ người. Khi đã làm thật tốt nhiệm vụ phục vụ cộng đồng thì không cần đòi hỏi quyền lợi, khắc sẽ được đền đáp xứng đáng. Tôi chưa bao giờ hối tiếc con đường mình lựa chọn”.
TS Phạm Văn Phúc (SN 1982, quê Bình Định), tác giả của hai đầu sách chuyên khảo về hướng điều trị ung thư vú bằng TBG, đồng tác giả 20 đầu sách tham khảo xuất bản quốc tế (NXB Springer, IGI Global, LAP publishing...). Anh và các đồng sự ở Phòng Thí nghiệm TBG đã có 7 sản phẩm chuyển giao, thương mại hóa gồm: Mỹ phẩm từ TBG và cho TBG, chế tạo thành công hai bộ kit trang thiết bị y tế phục vụ công nghệ TBG, đã được Bộ Y tế cho phép lưu hành (tách chiết huyết tương giàu tiểu cầu hoạt hóa New PRP Pro Kit và tách chiết TBG từ mô mỡ ADSC Extraction Kit - đã được xuất khẩu Indonesia)...