|
GS. Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên CTGDPT |
Thưa GS. Nguyễn Minh Thuyết, nói về CT GDPT mới thì một trong những vấn đề mà dư luận đang quan tâm là công tác kiểm tra và thi cử sẽ diễn ra như thế nào. GS có thể cho biết điều này?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Việc đổi mới phương thức đánh giá kết quả giáo dục được coi là một trong những điều kiện để thực hiện CT GDPT mới. Nguyên tắc đổi mới là phương thức đánh giá phải hỗ trợ việc hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, hỗ trợ việc thực hiện chương trình.
CT GDPT tổng thể quy định ba hình thức đánh giá: Thứ nhất là đánh giá thường xuyên, do giáo viên môn học phụ trách, kết hợp đánh giá của giáo viên, của phụ huynh học sinh, của chính học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp.
Thứ hai là đánh giá định kỳ, do nhà trường tổ chức với mục tiêu quản lý, nâng cao chất lượng và phân loại học sinh.
Thứ ba là đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương, do tổ chức khảo thí cấp quốc gia hay cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, bảo đảm chất lượng đánh giá kết quả giáo dục ở cơ sở giáo dục, phục vụ công tác phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục.
Có lẽ điều mà mọi người quan tâm nhất là câu chuyện thi tốt nghiệp THPT. CT GDPT mới là chương trình phát triển năng lực của học sinh, rất coi trọng thực hành. Nếu chúng ta vẫn tổ chức kỳ thi với quy mô lớn thì rất khó đánh giá được năng lực thực hành của học sinh.
Vì vậy, giáo viên và học sinh sẽ tranh thủ thời gian trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng giải bài tập; chẳng ai còn quan tâm đến những hoạt động có tính chất thực hành như thực nghiệm, làm đề tài nghiên cứu.
Cần đổi mới phương thức đánh giá nói chung, phương thức thi tốt nghiệp và tuyển sinh nói riêng để chuyển nếp nghĩ “Thi gì học nấy, thi cách gì học cách nấy” sang “Học gì thi nấy, học kiểu gì thi kiểu nấy”.
Tuy nhiên, hiện nay Luật Giáo dục vẫn quy định phải thi tốt nghiệp, Nghị quyết 88 của Quốc hội có yêu cầu phải đổi mới thi tốt nghiệp nhưng chưa nói rõ là sẽ bỏ thi; cho nên CT GDPT mới chưa thể quy định được. Việc có duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không sẽ được Quốc hội quyết định khi xem xét Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục vào năm sau.
PV: Thưa GS, Ban soạn thảo chương trình cho biết đã tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân và các chuyên gia với tinh thần cầu thị, nhưng nhiều chuyên gia cho biết, ý kiến đóng góp của họ không hề được quan tâm. Điều đó được thể hiện trong chương trình đã được Bộ GD&ĐT thông qua. GS có thể cho biết việc tiếp nhận ý kiến diễn ra như thế nào?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Ban soạn thảo chương trình đã tiếp thu ý kiến của nhân dân và các chuyên gia với tinh thần cầu thị và nghiêm túc. Chương trình đã xin ý kiến nhân dân 2 lần. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT còn gửi thư cho các vị nguyên lãnh đạo Bộ GD&ĐT qua các thời kỳ, các thành viên của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực xin ý kiến.
Bộ trưởng cũng gửi công văn đến Sở GD&ĐT 63 tỉnh thành để lấy ý kiến. Ban soạn thảo CT đã tổ chức 3 hội thảo tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM để trực tiếp nghe ý kiến của cán bộ, giáo viên từng vùng và cử người đi đến nhiều cơ sở giáo dục để khảo sát, lấy ý kiến của giáo viên. Thậm chí, bình luận dưới các bài viết trên báo chí cũng được chúng tôi tổng hợp và giải trình đầy đủ gửi Ban chỉ đạo cũng như Hội đồng thẩm định.
Tuy nhiên, ý kiến thì có nhiều luồng khác nhau. Chúng tôi cần lựa chọn, phân tích mới có thể tiếp thu, chứ không thể tiếp thu theo kiểu “đẽo cày giữa đường”.
PV: Nhiều chuyên gia cho rằng, với chương trình được thông qua, số lượng tiết học giảm đi nhưng số giờ cho hoạt động trải nghiệm tăng lên. Vậy, việc lấy tiết học của môn này bù sang hoạt động trải nghiệm của môn khác liệu có giải quyết triệt để câu chuyện giảm áp lực học tập?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Trong giáo dục, các môn học và hoạt động giáo dục đều phục vụ mục đích phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Hoạt động trải nghiệm là một nét mới của chương trình GDPT, đáp ứng yêu cầu tăng cường hoạt động thực hành, gắn kết nội dung học tập với thực tiễn. Vì thế, hoạt động trải nghiệm hết sức quan trọng.
Trong CT mới có 2 loại hoạt động trải nghiệm: Một, là hoạt động trải nghiệm trong từng môn học; hai, là hoạt động trải nghiệm có tính tích hợp.
Ví dụ, khi học về chiến thắng Điện Biên Phủ, học sinh có thể đi tham quan bảo tàng, viết báo cáo hoặc làm thơ, vẽ tranh, trưng bày ảnh,… về những điều tai nghe mắt thấy. Đó là hoạt động trải nghiệm trong môn Lịch sử, do giáo viên môn học này hướng dẫn.
Còn khi học sinh tổ chức các hoạt động đòi hỏi phải huy động kiến thức, kỹ năng từ nhiều môn học như làm vườn hoa, trồng rau sạch, làm đồ chơi bán lấy tiền giúp học sinh vùng bị thiên tai hay tổ chức các hoạt động thiện nguyện khác, các buổi sinh hoạt hướng nghiệp,… thì đó là những hoạt động trải nghiệm có tính tích hợp.
Mỗi năm học có 105 tiết (tức là 3 tiết/tuần) dành cho các hoạt động này. Trong 105 tiết đó, có 70 tiết (2 tiết/tuần) để thực hiện các hoạt động tập thể như chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt Sao, Đội, Đoàn. Chương trình hiện hành cũng bố trí 2 tiết/tuần cho các hoạt động này.
Chỉ có điều, trong chương trình mới, các hoạt động này do chính học sinh tổ chức dưới sự hướng dẫn của thầy cô hay anh chị phụ trách. Như vậy, chỉ còn 1 tiết/tuần để thực hiện các hoạt động khác, trong đó có hoạt động hướng nghiệp là hoạt động mà chương trình hiện hành cũng bố trí giờ.
Nhà trường không nhất thiết phải bố trí mỗi tuần 1 tiết mà có thể sắp xếp 1 buổi trong tháng để thực hiện các hoạt động cần nhiều thời gian như tham quan, lao động, thiện nguyện,…
Tất cả các hoạt động nói trên đều là những hoạt động cần thiết để tăng cường hiểu biết thực tế, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm và phát triển năng lực cho học sinh.
Xin cảm ơn GS về cuộc trò chuyện!