Dẫn nguồn từ báo An ninh Thủ đô, với quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung nhằm làm rõ thêm lời khai của Tráng A Tàng (tức Tàng Keangnam, 33 tuổi, ở tiểu khu 70, thị trấn Nông trường Mộc Châu, Mộc Châu, Sơn La) cùng bị cáo liên quan và xác định lại một số tình tiết trong vụ án, mới đây, CQĐT - Bộ Công an đã ra kết luận về những nội dung này.
|
Tàng Keangnam trong phiên xét xử đầu tháng 8 (Ảnh: báo An ninh thủ đô). |
Theo đó, tại Kết luận điều tra bổ sung của CQĐT - Bộ Công an nêu rõ, quá trình điều tra, cơ quan công an đã cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư Bùi Việt Anh, Đoàn Văn Trung (Văn phòng Luật sư quốc tế Bình An) và luật sư Đào Anh Dũng (Văn phòng Luật sư Hoàng Sơn), đều thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội trong việc bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Sồng A Nếnh. Trong các lần hỏi cung bị can Nếnh luôn có sự tham gia của các luật sư này.
Tương tự, Tráng A Tàng cũng được luật sư Phạm Trường Long (Văn phòng Luật sư Hưng Thạch - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bào chữa theo giấy chứng nhận người bào chữa do CQĐT cấp, theo đúng trình tự, thủ tục tố tụng hình sự. Tại giai đoạn điều tra, luật sư Phạm Trường Long cũng nhiều lần tham dự hỏi cung đối với Tàng Keangnam và can phạm này thừa nhận lời khai của đối tượng từ đầu đến cuối đều đúng sự thật. “Quá trình làm việc, Tráng A Tàng không bị bức cung, mớm cung, dùng nhục hình để buộc khai sai sự thật” - kết luận điều tra bổ sung khẳng định.
Về yêu cầu xác minh, làm rõ 2 can phạm liên quan là Giàng A Đua (bố vợ Tàng) và Giàng A Chứ (anh vợ Tàng), CQĐT đã làm việc với cơ quan công an địa phương. Kết quả cho thấy, cả 2 đối tượng này đã nhiều lần bị Công an tỉnh Sơn La, Công an tỉnh Quảng Ninh và Bộ Công an phát lệnh truy nã nhưng vẫn chưa bắt được. Đối với vấn đề tài sản được yêu cầu điều tra bổ sung, CQĐT xác định căn nhà tại LK11B - ô 12, Khu đô thị Mỗ Lao, quận Hà Đông mang tên Giàng Thị Sua (vợ Tàng) và Tráng A Tàng có giá hơn 3,5 tỷ đồng. Còn nhà và đất tại Tiểu khu 70, thị trấn Nông trường Mộc Châu, Sơn La tuy mang tên Tráng A Chư (bố đẻ Tàng), song thực chất là của Tàng mua, sau đó nhờ bố đẻ đứng tên hộ.
Số tài sản thu giữ của trùm ma túy Tàng Keangnam thời điểm bị bắt quả tang gồm có: 1 kính, 1 khuy cài hình đầu con hoẵng bọc kim loại màu vàng, 7 nhẫn kim loại màu trắng, 1 dây chuyền màu vàng và 2 nanh động vật bọc kim loại màu vàng. Tất cả đều đã được trao trả cho người thân của Tráng A Tàng theo quy định pháp luật và còn có sự chứng kiến của luật sư bào chữa. Liên quan đến số tiền USD theo Tàng Keangnam khai tại phiên tòa, CQĐT khẳng định không thu giữ của trùm ma túy này. Điều này được thể hiện rõ tại biên bản bắt giữ người phạm tội quả tang, ngày 26/7/2013. Ngoài ra, CQĐT cũng đã chứng minh Vũ Văn Lâm không phải là con của liệt sỹ như lời khai của bị cáo này tại phiên tòa..
Theo báo Tiền Phong, trong phiên xét xử ngày 6/8, hội đồng xét xử đã tiến hành thẩm vấn các bị cáo liên quan đến vụ án. Trước tòa, bị cáo Tàng một mực khai nhận thực hiện hành vi mua bán chất ma túy một mình, không liên quan đến vợ, bố và anh em trong nhà.
Tàng khai nhận chiếc xe bán tải được thiết kế dưới đáy thùng xe có khoang có thể chứa được 200 bánh heroin và khẳng định chỉ một mình điều khiển các chuyến hàng giao cho Lương Thị Thảo (Bắc Giang).
Đối chất với lời khai của "ông trùm" Tàng tại tòa, khách hàng đồng thời cũng là bị cáo của vụ án là Lương Thị Thảo cho rằng có 2 người đi cùng. Khi được nhận diện, Thảo nhận ra Tráng A Nếnh (em nuôi của Tàng).
Thảo cũng xác nhận 12 lần thực hiện giao dịch ma túy với Tàng. Số lượng giao dịch liên tục tăng dần về số lượng, từ hàng chục bánh lên hàng trăm bánh heroin.
Bị cáo Giàng A Nếnh khai rằng có đi theo xe của Tàng trong 2 chuyến giao dịch với Thảo, nhưng chỉ làm theo chỉ đạo mà không biết đó là vận chuyển heroin.
Còn cựu công an viên Giàng A Chờ phủ nhận mình làm hoa tiêu thông báo các chốt công an cho Tàng. Các bị cáo khác như Tráng A Chư, Giàng Thị Sua... đều phản cung, không nhận tội.
Các bị cáo khác liên tục phản cung và cho rằng không hề biết việc Tàng mua bán trái phép chất ma túy.