Sáng 26/8 TAND tỉnh Khánh Hòa đã mở phiên tòa đưa bị cáo Trần Hải Sơn (thuộc cấp của Dương Chí Dũng, SN 1960, trú 160/26 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P. 11, Q. Bình Thạnh, TP HCM, hiện ở 758 đường 30, khu C, An Phú, An Khánh, Q.2, TP HCM), nguyên Tổng
giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines (đối tượng vừa bị TANDTC Hà Nội xử phạt tổng cộng 22 năm tù về tội tham ô tài sản và cố ý làm trái); Trần Văn Quang (SN 1976, trú 549/32 đường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu) nguyên Phó trưởng phòng Kế hoạch thị trường Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines; Trần Bá Hùng (SN 1979, trú 193 Phương Sài, Nha Trang), nguyên Phó trưởng bộ phận chế tạo vỏ Nhà máy sửa chữa tàu biển Hyundai Vinashin; Phạm Bá Giáp (SN 1972, trú số 16 Sau Ga, Nha Trang, hiện ở tổ 4 Ngọc Hội, Ngọc Hiệp, Nha Trang), nguyên Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Ân, Nha Trang ra xét xử về tội tham ô
tài sản trong vụ sửa chữa ụ nổi 83M xảy ra tại Khánh Hòa.
|
Các b
ị cáo Sơn, Quang, Hùng, Giáp tại tòa.
|
Tuy nhiên, sau phần kiểm tra lý lịch Viện kiểm sát đã đề nghị tòa hoãn xử vì vắng mặt 7 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và 9 nhân chứng, đặc biệt là Dương Chí Dũng. Phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 10/9.
Theo nội dung vụ án, Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), được Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam giao nhiệm vụ, ủy quyền ký, thanh toán các hợp đồng sửa chữa ụ nổi 83M thuộc Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, Trần Hải Sơn đã thông đồng với Trần Văn Quang, Trần Bá Hùng, Phạm Bá Giáp ký hợp đồng số sửa chữa một số công việc phần sắt hàn và kẽm chống ăn mòn, giá trị hợp đồng hơn 7,2 tỷ đồng; hợp đồng số sửa chữa một số công việc phần van, ống, máy và phần chống ăn mòn vỏ ụ nổi 83M, giá trị hợp đồng gần 1,5 tỷ đồng. Thông qua việc ký kết, thực hiện hai hợp đồng này, Sơn, Quang, Hùng đã bàn bạc, thỏa thuận gửi giá và nâng khống khối lượng vật tư thi công, rồi nhờ Giáp cho mượn tư cách pháp nhân Công ty TNHH Nguyên Ân ký và thanh quyết toán hai hợp đồng để tham ô hơn 3,6 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, ban đầu Sơn khai nhận hành vi phạm tội của mình phù hợp với diễn biến vụ án và lời khai của các bị can khác, sau đó lại khai báo quanh co, chối tội. Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ, xác định việc chối tội của Sơn là không có căn cứ. Đối với khoản tiền 150 triệu đồng Sơn đưa cho Dương Chí Dũng (nguyên Cục Trưởng Cục Hàng Hải, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải vừa bị TANDTC Hà Nội tuyên mức án tử hình) vào các dịp lễ tết, Dũng cũng đã thừa nhận khoản tiền này. Còn Quang đã bàn bạc thống nhất với Hùng trong việc gửi giá, nâng khống khối lượng vật tư thi công và lập khống về nội dung thực hiện hợp đồng để tham ô 3.630.244.485 đồng, cá nhân Quang chiếm đoạt 857.000.000 đồng; Hùng chiếm đoạt 395.025.067 đồng; Riêng Giáp có hành vi cho mượn tư cách pháp nhân ký hợp đồng, ký thanh quyết toán và thanh lý hợp đồng để giúp Sơn và Quang tham ô cũng được “lại quả” 178.219.418 đồng.
Theo cơ quan điều tra, hành vi nêu trên của Sơn, Quang, Hùng và Giáp đã phạm vào tội “tham ô tài sản” quy định tại khoản 4 điều 278 BLHS có khung hình phạt từ 20 năm tù tới chung thân hoặc tử hình. Trong đó, Sơn giữ vai trò chính, Quang là người tổ chức thực hiện, Hùng và Giáp giữ vai trò giúp sức. Đối với Nguyễn Văn Chính, Ngô Văn Thức là cán bộ Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, do quá tin tưởng Quang nên ký nháy vào biên bản nghiệm thu khối lượng thi công hợp đồng kinh tế số 01-07/2008/HĐKT; hợp đồng số 02/2008/HĐKT, các hợp đồng này đã được thanh quyết toán gây thiệt hại tài sản Nhà nước, hành vi của Chính, Thức có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, Chính, Thức không tham gia bàn bạc, không hưởng lợi, không biết mục đích của Sơn và Quang trong việc gian dối, nâng khống khối lượng thi công nhằm rút tiền của công ty ra chiếm đoạt nên ngày 30/1/2013 Cơ quan Cảnh sát điều tra (C48) Bộ Công an đã có văn bản gửi cơ quan chủ quản đề nghị xử lý hành chính đối với các đối tượng này.
Tài liệu điều tra còn xác định ông Nguyễn Tiến Long, Giám đốc Công ty Thanh Long, ông Lê Văn Triệu, Giám đốc Công ty Vân Anh, là những người đã bán hóa đơn giá trị gia tăng cho Hùng và Giáp để thu lợi bất chính. Hành vi của ông Long và ông Triệu có dấu hiệu tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn. Ngày 30/1/2013, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có công văn chuyển hồ sơ tài liệu liên quan đến hành vi vi phạm của ông Long đến cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để điều tra xử lý theo thẩm quyền. Đối với ông Triệu, còn có hành vi vi phạm pháp luât tại TP HCM theo đề nghị của cơ quan CSĐT Công an quận Bình Tân ngày 18/6/2012, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có công văn chuyển hồ sơ tài liệu liên quan đến hành vi của ông Triệu đến cơ quan CSĐT Công an quận Bình Tân, TP HCM để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.