Ngoài sự nhiễm phèn, xâm nhập mặn cũng là một vấn đề cần được lưu ý ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), Hậu Giang có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, ăn thông ra biển mặn dễ dàng xâm nhập sâu vào nội địa. Trong mùa mưa nhờ có lượng nước ngọt phong phú, nên mặn bị đẩy lùi ra gần biển, nhưng vào mùa khô khi lưu lượng nước ngọt trên sông giảm, mặn lấn sâu vào nội đồng gây ra những ảnh hưởng đáng kể.
Trong khuôn khổ diễn đàn MDEC – Hậu Giang 2016, Ban tổ chức dành hẳn một hội thảo trao đổi sâu hơn về vấn đề này.
Để giúp người dân hiểu rõ và chia sẻ tâm tư cũng như nguyện vọng của địa phương, phóng viên đã có cuộc gặp gỡ với Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh.
- Liên quan đến vấn đề nhà máy giấy Lee&Man mà gần đây một số phương tiện thông tin đại chúng có đưa, xin ông cho biết Hậu Giang sẽ xử lý việc vi phạm này như thế nào?
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh: Chúng tôi hết sức trân trọng, cảm ơn dư luận và báo đài đưa tin vì dựa trên cơ sở đó, chúng tôi có nhiệm vụ rà soát toàn bộ, đánh giá tác động môi trường của nhà máy trước khi đi vào hoạt động.
|
Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh – Phó trưởng ban Chỉ đạo MDEC – Hậu Giang 2016 (Diễn Đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long – Hậu Giang năm 2016) trả lời báo chí về vấn đề môi trường.
|
Chúng tôi khẳng định là dù mong muốn thu hút đầu tư nhưng phải đảm bảo về mặt môi trường bền vững, đó là quan điểm chung của Đảng và nhà nước và tỉnh chúng tôi cũng phải thực hiện như thế.
Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long - Hậu Giang 2016 (MDEC 2016) được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang với chủ đề: “Đồng bằng sông Cửu Long - Chủ động hội nhập và phát triển bền vững” gồm 7 sự kiện chính và các hoạt động kết hợp, thời gian từ ngày 11 đến 15/7/2016.
Nội dung diễn đàn năm nay nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác đầu tư với các địa phương trong nước và quốc tế, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, đời sống của nhân dân, tăng cường giao lưu, hợp tác giữa các tỉnh, thành Tây Nam Bộ.
Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực thực hiện công tác an sinh xã hội, đầu tư xây dựng một số công trình phúc lợi xã hội cho vùng, nhất là tỉnh Hậu Giang (địa phương đăng cai tổ chức MDEC).
Hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chỉ đạo thanh tra xung quanh
vấn đề nhà máy giấy Lee&Man, bắt đầu từ ngày 1/7. Dự kiến kiểm tra tại nhà máy, kiểm tra thực địa và kiểm tra hồ sơ theo thời gian quy định.
Trên cơ sở kết luận của kết quả kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi sẽ có những khuyến cáo ,kiểm soát để đảm bảo là khi nhà máy đi vào hoạt động thì nước thải ra môi trường phải đạt yêu cầu theo quy định Pháp luật.
Về quy trình khi dự án đưa vào triển khai ở Hậu Giang, trước đó Lãnh đạo tỉnh và các bộ ngành trung ương từ đầu 2004 đến 2008 triển khai thì đã tiến hành các bước nghiên cứu và mời các chuyên gia, các nhà khoa học cho ý kiến. Nhưng để đảm bảo chắc chắn hơn thì dự án này vẫn chưa hoàn thành và đi vào hoạt động, mà theo dư luận thôngtin cho rằng xả thải ra ngoài môi trường hơn 20 ngàn mét khối nước thải là chưa chính xác.
Chúng tôi khẳng định sẽ làm việc cụ thể sau khi có kết luận của các cơ quan chuyên môn của Bộ, buộc nhà máy giấy Lee&Man Hậu Giang xây dựng hồ chứa lắng lọc trước khi xả thải nước ra môi trường và hồ này phải nuôi cá sống được.
Điều này chúng tôi sẽ làm việc với nhà máy giấy Lee&Man Hậu Giang và giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường Hậu Giang thường xuyên quan trắc, kiểm tra.
Chúng tôi sẽ phát huy đầy đủ trách nhiệm trước nhân dân, thu ngân sách cho địa phương nhưng phải đảm bảo tốt vấn đề môi trường, đời sống – sức khỏe, sản xuất và nâng cao cuộc sống cho nhân dân. Nếu cá chết tức là nước thải chưa đạt!
Về quan điểm của địa phương, ngay từ đầu, Hậu Giang rất cần những dự án đầu tư vì Hậu Giang là một tỉnh nghèo, một vùng căn cứ kháng chiến trước đây cho nên việc thu hút đầu tư là rất cần thiết để phát triển địa phương và nâng cao đời sống nhân dân. Nhưng không phải vì lý do nghèo này mà bất chấp tất cả quy định về môi trường, chúng tôi tuyệt đối chú ý các vấn đề ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống, sức khỏe nhân dân.
|
Một trong những công đoạn của hệ thống xả thải tại Nhà máy giấy Lee & Man - Ảnh: Tuổi trẻ.
|
- Gần đây, có xảy ra vụ xả thải gây ô nhiễm môi trường biển của nhà máy Formosa. Trong tương lai, ngoài giám sát, chúng ta còn những công cụ nào để đảm bảo an toàn?
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh: Vừa rồi, Chính phủ đã có công bố về việc cá chết hàng loạt ở biển Miền Trung, theo đó khẳng định nhà máy Formosa là nguyên nhân gây ra lượng chất thải đó. Đây là bài học hết sức đáng quý cho tất cả các nhà máy có thể gây ảnh hưởng đến môi trường nói chung và nhà máy Lee&Man Hậu Giang nói riêng.
Trên cơ sở đó chúng tôi cũng sâu sắc nhận thức về việc tăng cường kiểm tra giám sát. Còn kiểm tra giám sát như thế nào thì cơ quan chuyên môn như Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát môi trường sẽ có biện pháp để tăng cường kiểm tra, rà sát các đường hệ thống xử lý nước và tuyến nước thải.
- Trong vấn đề kêu gọi đầu tư, Hậu Giang sẽ có những chính sách gì phong phú hơn để vừa đảm bảo vấn đề môi trường, vừa thu hút nguồn vốn từ nước ngoài?
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh: Việc tăng cường không gian chính sách nhằm hỗ trợ quá trình điều chỉnh cơ cấu của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tận dụng tốt nhất các cơ hội cũng như đối diện với những thách thức để ngăn chặn những sai phạm về môi trường, là vấn đề then chốt mà chúng tôi ưu tiên chú trọng.
Cụ thể, Hậu Giang sẽ chia sẻ bớt gánh nặng với nhà đầu tư có dự án hoạt động trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như: Long Mỹ, Vị Thủy, Châu Thành, Phụng Hiệp, Châu Thành A và thị xã Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ bằng những ưu đãi thiết thực: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong vòng 09 năm tiếp theo kể từ khi phát sinh thu nhập chịu thuế;
Cho hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong vòng 15 năm đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới; miễn thuế đối với thiết bị, máy móc nhập khẩu để tạo tài sản cố định;
Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 11 năm kể từ ngày đưa dự án vào hoạt động. Trường hợp dự án đầu tư vào địa bàn này thuộc lĩnh vực ngành nghề ưu đãi đầu tư thì sẽ được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 15 năm kể từ ngày đưa dự án vào hoạt động, tăng thêm 04 năm so với các dự án bình thường;
Trường hợp dự án đầu tư vào địa bàn này thuộc lĩnh vực ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư thì sẽ được miễn toàn bộ tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời hạn thuê;
Trường hợp dự án đầu tư vào nông nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư thì ngoài các ưu đãi trên sẽ được hưởng thêm nhiều ưu đãi sau: Được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời gian thuê; Được miễn tiền sử dụng đất đối với dự án đầu tư được Nhà nước giao đất;
Được miễn nộp tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án theo quy định nếu dự án nằm trong quy hoạch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;...
Ngoài ra, tỉnh cũng có cơ chế ban hành chính sách đặc biệt đối với các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục, xã hội hóa, các vấn đề về giá, đất đai, cũng như sau thu thuế.
- Tình trạng đất nhiễm mặn và hạn hán đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp Vùng. Hậu Giang có những giải pháp nào để kiểm soát mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, thưa ông?
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh: Hiện nay, biến đổi khí hậu đã và đang tác động rất lớn đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Những tháng đầu năm 2016, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra cực kỳ gay gắt.
Ở Hậu Giang, chúng tôi đã có nhiều giải pháp để ứng phó, kể cả giải pháp công trình và phi công trình. Đối với giải pháp công trình, chúng tôi nhanh chóng hoàn thiện hệ thống đê bao, công bọng (hệ thống đê bao Nam Xà No, đê bao Long Mỹ - Vị Thanh,…), tiếp tục đề nghị Trung ương cho triển khai xây dựng một số công trình biển đổi khí hậu trên địa bàn, trước mắt là Hồ trữ nước ngọt 100ha tại huyện Vị Thủy;
Đối với giải pháp phi công trình, chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trữ ngọt (đào ao trữ ngọt, mua thêm lu, bồn chứa nước ngọt để sử dụng,..), kịp thời cảnh báo, thông tin nhanh chóng về thiên tai, hạn, mặn để người dân cùng với chính quyền ứng phó. Đồng thời, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cho nhân dân, tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 5510/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về Dự án nhà máy giấy Lee&Man của Công ty TNHH Lee&Man tại Cụm công nghiệp Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, cùng UBND tỉnh Hậu Giang khẩn trương kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường một cách nghiêm túc đúng quy định của pháp luật đối với Dự án nhà máy giấy Lee&Man, bảo đảm ngăn chặn, chủ động phòng tránh có hiệu quả việc ô nhiễm môi trường có thể xảy ra do hoạt động của nhà máy giấy, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Nhà máy Giấy Lee&Man (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hong Kong - Trung Quốc) được xây dựng tại Cụm công nghiệp Phú Hữu A, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Với tổng mức đầu tư khoảng 1,2 tỉ USD, nhà máy này được xem là có quy mô lớn nhất Việt Nam và nằm trong tốp 5 nhà máy giấy lớn nhất thế giới.
Dư luận đặc biệt quan ngại về dự án này khi đi vào hoạt động dự kiến mỗi năm sẽ thải khoảng 28.500 tấn xút (NaOH) ra sông Hậu, tác động xấu đến môi trường. Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn tới Quốc hội và Chính phủ kiến nghị rà soát công nghệ xử lý nước thải và công tác giám sát môi trường của nhà máy này.
|