Đến 15 giờ ngày 7/6, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã tạm dừng tìm kiếm 3 phu vàng bị mắc kẹt trong hang Nước (bản Kịt, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) do mưa rừng quá lớn khiến nước có khả năng tràn vào hang Nước (nơi có 3 phu vàng bị mắc kẹt trong hang). Ngoài ra, lối vào hang quá bé, không đảm bảo an toàn cho công tác tìm kiếm cứu nạn. Sau gần 4 tiếng đồng hồ đi bộ, leo rừng cùng đoàn cứu hộ, cứu nạn, đến 10 giờ ngày 7/6, khoảng 100 cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng và cảnh sát phòng cháy chữa cháy, công an huyện, chính quyền địa phương đã tiếp cận được hiện trường vụ ngạt khí độc khiến 3 phu vàng bị mắc kẹt trong hang Nước.
Ngay sau khi tiếp cận hiện trường, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã khẩn trương triển khai phương án tiếp cận hang Nước để đưa 3 người bị nạn lên khỏi mặt hang.
Ông Hoàng Minh Luyện, Tham mưu Trưởng Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Thanh Hóa cho biết: Lực lượng cứu hộ, cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã dùng dây đi xuống hang Nước để kiểm tra bên trong hang. Sau nhiều lần thăm dò, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã xác định được vị trí 3 nạn nhân gồm: Anh Phạm Văn Dụng, sinh năm 1962 (trú ở thôn Dắm xã Lâm Xa, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa), anh Khà Văn Huyền (trú ở xã Pù Bin, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) và anh Bùi Văn Mẫn (trú tại xã Sảo 7, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) đang bị mắc kẹt dưới hang có độ sâu khoảng 85 mét.
Bên trong hang rất hẹp, lại có khí độc, nên công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn xuống tới hang Nước khoảng 10 mét đã phải trèo lên do nồng độ khí độc rất cao. Hơn nữa các trang thiết bị như bình ô xi, mặt nạ phòng độc khá cồng kềnh, không thể lọt xuống độ sâu quá 10 mét.
Đến khoảng 14 giờ 30 phút chiều 7/6, một cơn mưa rừng rất lớn bất ngờ đổ xuống khiến công tác cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Trước diễn biến thời tiết bất lợi, đến 15 giờ, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã phải tạm dừng công tác tìm kiếm 3 nạn nhân trên. Hiện, các cán bộ chiến sỹ đã phải cắm trại trong rừng, gần khu vực xảy ra sự cố để chờ phương án tiếp theo.
Nguyên nhân ban đầu khiến 3 phu vàng bị kẹt dưới hang sâu được cơ quan chức năng nhận định có thể là do máy đào vàng bị hở, dẫn đến khí CO2 không thoát ra được khỏi hang khiến 3 phu vàng bị ngạt khí CO2.
Ngày 5/6, anh Khà Văn Ngôn (sinh năm 1991) và anh Khà Văn Huyền (thường trú ở xã Pù Bin, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) xuống hang Nước để sửa máy đào vàng nhưng bị ngạt khí độc.
Anh Ngôn cố bò lên đến cửa hang hô hoán mọi người xuống cứu anh Huyền. Khi đó anh Phạm Văn Dụng (sinh năm 1962 thường trú ở thôn dắm xã Lâm Xa, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) đã xuống hang cứu anh Ngôn.
Do nồng độ khí độc khá lớn nên anh Dụng bị ngất, không thể ra khỏi hang. Đến ngày 6/6, anh Bùi Văn Mẫn thường trú tại xã Sảo 7, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình xuống hang cứu 2 người trên. Tuy nhiên anh Mẫn cũng bị ngạt khí độc không thể ra khỏi hang.
Bản Kịt, xã Lũng Cao cách thành phố Thanh Hóa gần 150 km. Từ bản này phải đi bộ vào khu vực hang Nước gần 4 giờ đồng hồ. Bản Kịt cũng là một trong những bản xa xôi đi lại khó khăn nhất trên địa bàn.
Do khu vực này không có hệ thống điện lưới cũng như sóng điện thoại di động, nên các lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tiếp cận hiện trường và tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Tại khu vực bản Kịt trước kia từng là bãi vàng, lúc cao điểm có hàng trăm người từ các địa phương khác kéo đến đây đào đãi vàng. Hiện chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã cấm người dân vào đào đãi vàng trái phép nhưng nhiều người dân vẫn bất chấp nguy hiểm vào khu vực trên để đào đãi vàng.