Sáng 4/3, phát biểu chỉ đạo trong buổi triển khai kế hoạch ra quân lập lại trật tự giao thông, trật tự đô thị của ban chỉ đạo 197 thành phố, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội - lưu ý các quận, huyện khi làm phải đảm bảo 2 yêu cầu: “Ra quân không ồn ào” và “làm kiên trì”.
Ông Chung nhắc nhở các quận huyện cần tuyên truyền nhắc nhở đến từng gia đình, trong đó Chủ tịch UBND xã, phường sẽ chịu trách nhiệm thành lập các tổ chuyên trách do trưởng công an phường làm nòng cốt, đến nhà dân vận động.
“Tôi đề nghị chủ tịch các phường viết thư ngỏ nêu rõ sẽ thực hiện chủ trương của thành phố, quận về yêu cầu các gia đình, hộ kinh doanh mặt đường, mặt ngõ không lấn chiếm vỉa hè bán hàng, trông giữ trái phép và đề nghị họ chấp hành”, ông Chung gợi ý.
Ông nhấn mạnh nêu rõ việc cho các gia đình và hộ kinh doanh bao nhiêu ngày để họ tự tháo dỡ.
|
Vi phạm về vỉa hè trên các tuyến phố Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn, Thái Hà (quận Đống Đa) bị lực lượng chức năng đi kiểm tra,xử lý hôm 3/3. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Để giành lại vỉa hè cho người đi bộ, Chủ tịch UBND TP đề nghị giám đốc công an giao trách nhiệm cho trưởng công an phường, trong đó cần huy động cảnh sát trật tự, cảnh sát khu vực vào cuộc.
“Có 1.700 cảnh sát khu vực, mỗi đồng chí phụ trách 250 hộ, có phải hộ nào cũng ở mặt đường đâu. Chỉ 10 -15 ngày các đồng chí đã đi hết các hộ mặt đường rồi”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định.
Theo ông Chung, sau khi đã xong các biện pháp nhắc nhở, kiểm tra sẽ đến cơ chế xử phạt để tránh người dân thắc mắc.
Nói về đối tượng thực hiện, Chủ tịch thành phố cho rằng nếu các lực lượng quản lý tốt 14 loại hàng quán đang lấn chiếm vỉa hè nhiều ở Hà Nội thì thành phố sẽ sạch đẹp.
Điểm 14 loại hàng quán này, ông Chung cho rằng số một là các cửa hàng cơm, lẩu, hàng hải sản “cứ chiều đến được bật đèn xanh cho người bán”.
Tiếp đó là hàng bán hoa, quả, hàng điện máy, sửa chữa xe đạp, xe máy, bán đồ da - thời trang, bán đồ thể thao, khung ảnh, trông giữ xe trái phép, bán hàng rong, rau quả, thực phẩm…
Ông Chung yêu cầu chính quyền các địa phương, các lực lượng tăng cường tuyên truyền vận động người dân không vứt rác ra đường; xử lý số người đeo bám khách du lịch, xe buýt, xe ba bánh, xe thương binh giả, xe quá khổ... chạy trên đường.
“Nếu làm tốt 14 việc này, tôi tin thành phố sẽ phong quang hết”, ông Chung nhấn mạnh và cho rằng các quận, huyện, các lực lượng cần phải nhất quán cách làm.
“Nếu để ùn tắc giao thông, thành phố nhếch nhác, bẩn thỉu, vệ sinh môi trường như này, chúng ta sẽ mất đi văn hóa của một thành phố văn minh và không bao giờ xây dựng được”, ông Chung nhìn nhận và cho rằng “đó mới là cái mất lớn”.
Ông Chung nhẩm tính nếu một ngày, hàng triệu người đi làm mà tắc đường 30 phút, làm phép tính nhân theo kiểu nhân công các nước thì tốn bao nhiêu tiền.
"Không phải vì mấy hộ kinh doanh lấn chiếm, người bán hàng rong các tỉnh, hay ngoại thành vào mà để thủ đô nhếch nhác, bẩn thế này", Chủ tịch UBND Hà Nội nhấn mạnh.
Chỉ rõ trách nhiệm của các địa phương và từng ngành, người đứng đầu UBND Hà Nội cho rằng Chủ tịch UBND các quận, phường; trưởng công an các quận, phường phải chịu trách nhiệm chính liên quan 14 việc trên.
Nêu rõ năm 2017 là năm kỷ cương hành chính, ông Chung lưu ý nếu người đứng đầu các địa phương không tổ chức triển khai nghiêm túc, không hiệu quả, làm không kiên trì, để tái diễn mà đoàn kiểm tra công vụ của thành phố phát hiện lần thứ 3 sẽ bị xem xét trách nhiệm.
“Tôi xin nói thẳng thắn, lần này thành phố sẽ phải xem xét, nhấc một vài đồng chí đi. Đồng chí Bộ trưởng Công an có chỉ thị rồi", ông Chung cương quyết.
"Các đồng chí nhớ trưởng Công an phường tham gia cấp ủy, về ngành dọc chúng tôi hoàn toàn có thể cách chức về mặt Đảng, phải chuyển, chứ không phải chờ ý kiến anh Khương (Giám đốc Công an TP Hà Nội Đoàn Duy Khương - PV)”, ông Chung nói.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường phải vào cuộc dẹp vỉa hè và ai 3 lần vi phạm phải thu giấy phép đăng ký kinh doanh. Bất kể hàng đó làm gì phải đóng cửa, bao giờ khắc phục xong mới cho làm trở lại.