“Hung thần’ né cao tốc, cày nát đường tỉnh lộ
Theo phản ánh của người dân sinh sống, làm ăn hai bên tỉnh lộ 391 (từ Quốc lộ 10 qua các huyện Tứ Kỳ, TP Hải Dương ra Quốc lộ 5), kể từ khi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chính thức khai thác vào tháng 12/2005 và tăng phí Quốc lộ 5, mỗi ngày có hàng ngàn lượt xe container xuất phát từ Hải Phòng 'né' trạm thu phí qua đây.
Tình trạng này khiến cho tuyến đường được cho là có chất lượng tốt nhất tỉnh Hải Dương đang có dấu hiệu lún sụt và xuống cấp nghiêm trọng.
|
Những 'hung thần' lao vun vút trên tỉnh lộ 391, vệt bánh xe hằn in trên mặt đường do "phóng nhanh phanh gấp". - Ảnh MK |
Không chỉ có vậy, đây là tuyến đường có lượng người và phương tiện tham gia giao thông khá lớn, dân cư sinh sống hai bên đường đông đúc, giờ cộng thêm những đoàn xe tải hàng ngày cứ nườm nượp nối đuôi nhau gầm rú, khiến cuộc sống người dân đảo lộn, gây mất trật tự an toàn giao thông.
Một số người dân ở khu vực ngã ba thị trấn Tứ Kỳ (Hải Dương) cho biết, hàng ngày, cứ tầm rạng sáng và 14h chiều, rồi khoảng ngoài 20h tối, từng đoàn xe tải hạng nặng cứ nối đuôi nhau ‘tuần hành’, thỉnh thoảng có phương tiện đi ngược chiều hay gặp đoạn ngã ba, ngã tư giao cắt với tỉnh lộ 391 là những tiếng còi ‘khủng’ lại vang lên ‘tra tấn’ người dân.
“Biết là vậy, nhưng những đoàn xe này chở đúng tải, không vi phạm giao thông, pháp luật lại không cấm nên họ cứ thế chạy thôi” - một người dân than thở.
Một chủ quán ăn ven tỉnh lộ 391 (đoạn qua xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ) kể, hàng ngày cánh lái xe dừng đỗ, vào quán ăn nói chuyện, họ cho biết, mỗi chuyến xe không đi qua quốc lộ 5 hay đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, họ được lời 400.000 đ.
Do vậy, dù có lòng vòng, chậm hơn chút nhưng họ vẫn chọn tỉnh lộ 391 để đi, nhằm tiết kiệm được một khoản. Nếu tính cả tháng, mỗi đầu xe cũng tiết kiệm được vài triệu đồng.
Trước thực trạng trên, mới đây UBND tỉnh Hải Dương đã có báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ giải quyết ‘vấn nạn’ này.
Theo đó, do mức thu phí đối với các loại phương tiện trên Quốc lộ 5, đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ở mức cao nên hầu hết các phương tiện vận tải, nhất là xe container từ Hải Phòng - Hà Nội đã đi vòng theo hành trình: Quốc lộ 10 - đường tỉnh 391 - các tuyến nội thành TP Hải Dương - Quốc lộ 5 và ngược lại để tránh nộp phí, dẫn đến lưu lượng xe trên đường tỉnh lộ 391 tăng đột biến gấp 10 lần so với lưu lượng xe trung bình năm 2015, gấp hơn 3 lần so với thiết kế.
Theo số liệu đếm xe trên đường 391 hiện nay, trung bình là 9.731 xe quy đổi/ngày đêm; riêng xe container trung bình là 1.458 xe/ngày đêm, chiếm khoảng 47% lượng xe container đi các tuyến hướng Hà Nội - Hải Phòng.
Cũng theo báo cáo này cho biết, lưu lượng xe tăng đột biến đã làm cho tình hình an toàn giao thông trên đường 391 và đường nội thị thành phố Hải Dương diễn biến phức tạp.
Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2016, đã xảy ra 5 vụ TNGT, làm 5 người chết và 1 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2015 tăng 3 vụ TNGT, tăng 4 người chết, 1 người bị thương.
Đồng thời, làm hư hỏng kết cấu nền, mặt đường do vượt quá lưu lượng thiết kế, nguy cơ đường 391 bị hư hỏng nặng trong thời gian ngắn sắp tới. Đặc biệt ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và an ninh trật tự của nhân dân hai bên đường (nhân dân huyện Tứ Kỳ nhiều lần làm đơn tập thể kiến nghị các cơ quan chức năng về vấn đề này), ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp trong khu vực.
Việc các phương tiện đi vòng tránh các trạm thu phí cũng đồng thời không phát huy được hiệu quả khai thác dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
“Việc các phương tiện đi vòng tránh các trạm thu phí là thiệt thòi cho đơn vị khai thác (quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng). Nếu thu phí thấp hơn nhưng thu được nhiều xe thì sẽ hồi vốn nhanh hơn. Chứ như bây giờ nhìn cao tốc vắng xe tải, tôi cũng thấy tiếc” - ông Lê Đình Long bày tỏ quan điểm.
Tỉnh ‘cầu cứu’ Thủ tướng Chính phủ
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tăng cường công tác an toàn giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn; hạn chế xe đi vào những giờ cao điểm.
Đồng thời, UBND tỉnh có Văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ GTVT, Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) xem xét điều chỉnh giảm mức phí trên Quốc lộ 5, đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nhằm thu hút lưu lượng xe và nâng cao hiệu quả khai thác Quốc lộ 5 và đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, giảm thiểu phương tiện xe lớn đi vào hệ thống đường địa phương làm mất an toàn giao thông, hư hỏng kết cấu công trình giao thông và gây bức xúc trong nhân dân.
Đến nay, Bộ Tài chính đã có văn bản hồi đáp. Theo đó, đối với Quốc lộ 5 “Trường hợp điều chỉnh giảm mức thu phí sẽ phải điều chỉnh phương án tài chính dự án, đề nghị Bộ GTVT và Tổng Công ty Vidifi nghiên cứu kiến nghị của địa phương, đề xuất điều chỉnh mức thu phí tại Thông tư 153/2015/TT-BTC”;
Đối với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng “Tổng Công ty Vidifi tự quyết định mức thu theo Quyết định số 1621/QĐ-TTg ngày 29/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ”.
UBND tỉnh Hải Dương cũng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan, Tổng Công ty Vidifi có phương án giảm cước phí hai tuyến đường nêu trên để thu hút lượng xe đi vào Quốc lộ 5, đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, hạn chế phương tiện đi đường địa phương.
Việc tăng phí để bảo đảm thu hồi vốn theo thời gian đề nghị của Tổng Công ty Vidifi tiếp tục nghiên cứu để có lộ trình hợp lý đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và doanh nghiệp vận tải.
Trong khi chờ Thủ tướng chính phủ có giải pháp, tỉnh Hải Dương đã ra quyết định cấm một số tuyến đường.
Theo đó, cấm xe tải từ 4 trục trở lên đi vào các tuyến Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Văn Đồng, Ngô Quyền, Điện Biên Phủ, Lê Thanh Nghị, Trần Hưng Đạo, Thanh Niên, Tứ Minh.
Đồng thời, hạn chế không cho xe ôtô tải 4 trục trở lên lưu thông trên đường tỉnh 391 buổi sáng từ 6h-8h, buổi chiều từ 16h-20h.
Tuy nhiên, theo ông Lê Đình Long – Giám đốc Sở GTVT Hải Dương, đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài vẫn cần giải pháp triệt để, đồng bộ của Chính phủ.
Mời quý độc giả xem video Tai nạn xe máy (nguồn Youtube):