Kể từ khi nổi lên như một đại gia sở hữu khối tài sản khủng, hàng loạt lùm xùm quanh những công ty thuộc sở hữu của ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen nổ ra khiến dư luận xôn xao.
Công ty ông Lê Phước Vũ chặn nguồn nước, rào đất của dân
Sau khi người dân tại thôn 3, xã Đạ M’ri, Đạ Huoai, Lâm Đồng đã phản ánh việc Công ty Hoa Sen do ông Lê Phước Vũ làm chủ tịch về xã thực hiện dự án sinh thái nhưng tự ý đóng con đường lên rẫy và tự ý cắt nước sinh hoạt của người dân.
Ngày 16/12/2014, tại phòng họp Đảng ủy thị trấn Đạ M'ri đã có cuộc họp về vụ việc, yêu cầu Công ty Hoa Sen tháo dỡ hàng rào thép, lô cốt đã dựng trên phần đất nằm trên hành lang bảo vệ suối của nông dân Lê Văn Thương.
Ông Hồ Việt Phúc, Phó giám đốc Công ty Dịch vụ du lịch Hoa Sen đã hứa: "Chúng tôi chấp hành theo ý kiến chỉ đạo của ông chủ tịch UBND thị trấn Đạ M'ri. Tuy nhiên việc tháo dỡ hàng rào cho phép chúng tôi tháo dỡ dần dần để chuyển lên khu đất trên của vườn ổi".
|
Bậc tam cấp khiến nông dân không thể chạy xe mang phân bón lên rẫy trên đèo và chở hoa quả xuống, mang đi bán. |
Tuy nhiên, đã hơn nửa năm trôi qua, Công ty Hoa Sen vẫn nuốt lời hứa, chưa tháo dỡ hàng rào thép, lô cốt trên phần đất của nông dân Lê Văn Thương, dù đích thân ông Phó giám đốc công ty này đã ký vào biên bản cuộc họp! Công ty Hoa Sen vẫn thách thức dư luận, mặc cho báo chí đã phản ảnh và không quan tâm việc nông dân Lê Văn Thương đang gửi đơn kêu cứu khắp nơi!
Tập đoàn Tôn Hoa Sen bị tố bán phá giá
Khi HSG đang hào hứng với việc đẩy mạnh xuất khẩu, đầu tư ra nước ngoài thì ngay lập tức, Tập đoàn Tôn Hoa Sen lớn nhất Việt Nam đã bị các đồng nghiệp Malaysia tố cáo bán phá giá vào thị trường nước họ.
|
Tập đoàn Tôn Hoa Sen bị tố bán phá giá |
Trong một bài phỏng vấn được tờ báo trên mạng The Malaysian Reserve công bố vào 1/4/2013, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen ông Lê Phước Vũ đã bác bỏ các cáo buộc kể trên, đồng thời xác định rằng "thủ phạm lớn nhất" phá giá sắt thép trong vùng Đông Nam Á chính là các nhà sản xuất Trung Quốc.
Mặc dù ra sức bác bỏ và tuyên bố sẽ thắng cuộc trong vụ kiện này nhưng đòn tố bán phá giá của các đối thủ ở Đông Nam Á sẽ là một đòn nặng, gây trở ngại cho tham vọng mở rộng ra khu vực của doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, HSG và ông Vũ còn khiến nhiều người lo ngại về cách thức làm thương hiệu phát triển với tốc độ chóng mặt. Và tất nhiên đi kèm đó là những hệ quả ngoài mong muốn.
Mời Nick Vujicic về Việt Nam để đánh bóng tên tuổi?
Tháng 5/2013, Tôn Hoa Sen bỏ ra 32 tỷ đồng tổ chức sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam trở thành đề tài được quan tâm. Không ít ý kiến cho rằng, vụ đầu tư này lãng phí, sính ngoại. Và chuyện Tôn Hoa Sen cho đội xe hộ tống Nick gây ồn ào các tuyến phố cũng bị cho là phô trương.
|
Thời gian Nick Vujicic đến Việt Nam là giá cổ phiếu của HSG "lên như diều gặp gió" |
Lý giải cho hành động của mình, Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen Lê Phước Vũ bày tỏ: “Tại sao chúng tôi lại tiếp đón Nick nồng hậu như vậy là vì chúng tôi đồng cảm, yêu thương với Nick. Đất nước chúng ta cũng có quá nhiều người khuyết tật do hậu quả của chiến tranh và chất độc da cam.”
Tuy nhiên, điều thú vị là trong khoảng thời gian Nick Vujicic đến Việt Nam là giá cổ phiếu của HSG "lên như diều gặp gió". Kết thúc phiên giao dịch buổi sáng 24/5, giá cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG-HOSE) tăng mạnh lên 49.000 đồng/cổ phiếu, đưa vốn hóa thị trường của công ty lên 4.938 tỷ đồng.
Với tỷ lệ nắm giữ gần 43 triệu cổ phiếu HSG, tương đương gần 43% cổ phần, tài sản tính theo vốn hóa thị trường của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HSG, tăng thêm hơn 170 tỷ đồng, sau 4 ngày. Điều này đã khiến cho nhiều đồn đoán cho rằng vị chủ tịch Tôn Hoa Sen đã sử dụng cách làm này để "đánh bóng tên tuổi" cho mình.
Lùm xùm giữa HSG và cựu CEO Hoa Sen về việc khai man bằng cấp
Trước đó, vụ lùm xùm giữa HSG và cựu CEO của mình đã gây ra khá nhiều sự nghi ngại. Phát biểu tại đại hội cổ đông 2013, ông Vũ cho biết lý do mà ông Phạm Văn Trung nghỉ việc tại HSG là vì thiếu minh bạch trong điều hành. Những cuộc khẩu chiến trên các phương tiện truyền thông đã đem lại những hình ảnh không mấy tốt đẹp về doanh nghiệp và lãnh đạo.
|
Lùm xùm vụ cựu CEO Hoa Sen về việc khai man bằng cấp |
Được biết ông Phạm Văn Trung, từng giữ chức vụ CEO Hoa Sen trong 18 ngày thì từ chức. Hiện, ông Trung đã chuyển sang làm CEO cho Công ty cổ phần thép Nam Kim. Ông Phạm Văn Trung tốt nghiệp Đại học Dân lập Ngoại ngữ - Tin học TP HCM năm 2001 với danh hiệu cử nhân.
Theo tờ khai của ông Trung, có chữ ký của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ, ông Trung có trình độ chuyên môn là thạc sĩ kinh doanh.
Ông Trung đã bị Hoa Sen buộc tội tham nhũng, nhận hoa hồng đối tác, gây thiệt hại cho tập đoàn khi còn đương nhiệm tại HSG. Còn cựu CEO HSG kiện ngược lại Hoa Sen vì tội vụ khống và không trả trợ cấp thôi việc.