Sáng 16/6, Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi) cho hay, đã tiếp nhận và báo cáo lên cơ quan chức năng thông tin chủ tàu cá QNg 90205 do anh Nguyễn Văn Quang liên lạc từ ngư trường Hoàng Sa về cho biết bị lực lượng Trung Quốc truy cản và cướp bóc.
|
Ngư dân miền Trung vẫn ngoan cường giữa Hoàng Sa trước sự trấn áp của tàu Trung Quốc. |
Theo thông tin từ anh Quang báo về qua ICOM, khoảng 9 giờ ngày 14/6, khi tàu cá này đang thả lưới buông câu khai thác hải sản ở Hoàng Sa thì bị tàu của lực lượng Trung Quốc truy cản và lấy đi hai hầm cá, có trọng lượng khoảng hơn 5 tấn hải sản cùng các trang thiết bị trên tàu. Ước thiệt hại trên 600 triệu đồng, buộc ngư dân Quang phải cho tàu chạy về đất liền.
Trước đó, tàu cá QNg 90657 do anh Nguyễn Văn Phú (29 tuổi, ở xã Bình Châu) làm thuyền trưởng và tàu cá QNg 95193 do anh Nguyễn Trung Kiên làm thuyền trưởng, cũng bị tàu Trung Quốc tấn công, rượt đuổi và dùng vòi rồng phun nước, làm hai ngư dân là Bùi Tấn Đoàn và Cao Xuân Lý bị thương ở chân và đầu phải chuyển vào bờ cấp cứu. Như vậy, kể từ ngày 7/6 đến nay đã có ba tàu cá của ngư dân xã Bình Châu bị lực lượng Trung Quốc, ngăn cản, cướp tài sản tại ngư trường Hoàng Sa.
Thuyền trưởng Hồ Ngọc Thạnh (tàu cá ĐNa 90449, phường Xuân Hà, Thanh Khê, Đà Nẵng), mới trở về từ Hoàng Sa kể, bắt đầu từ tháng 3, ngư dân gặp rất nhiều tàu hải giám, ngư chính của Trung Quốc ở ngư trường Hoàng Sa, số lượng được tăng lên bất thường. “Hễ gặp là họ truy cản, độ quyết liệt tăng lên.
Trước đây, tàu mình đi trúng vào đường đi của họ thì họ mới cản, nhưng giờ đây, họ tỏa ra các hướng, chủ động tìm tàu mình để uy hiếp. Nhẹ thì bắt tàu mình quay đầu trở về, nặng thì cướp phá hải sản ngư lưới cụ”. Cũng vừa trở về từ Hoàng Sa, anh Nguyễn Phúc (thuyền trưởng tàu QNg 96356, ở An Vĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi), cho biết, anh mất hơn 50 triệu vì kết quả chuyến biển hơn 15 ngày không như mong đợi.
“Bình thường cũng kiếm được khá, mùa biển chính mà. Nhưng mới đánh được 2 tuần thì tàu Trung Quốc nó kiên quyết bắt mình trở vào. Đông lắm, gần như toàn bộ ngư dân miền Trung đều gặp và bị truy cản, buộc trở về bờ. Có cảm giác như phía Trung Quốc đang muốn sạch bóng ngư dân Việt Nam ở ngư trường Hoàng Sa. Nói tóm lại là họ muốn cướp trắng ngư trường” - anh Phúc nói.
|
Lực lượng biên phòng lấy thông tin từ tàu cá của anh Nguyễn Văn Phú bị Trung Quốc trấn áp, cướp phá từ Hoàng Sa trở về. |
Quyết giữ ngư trường Hoàng Sa
Về cùng đợt với anh Nguyễn Phúc là thuyền trưởng Mai Văn Lê (tàu QNg 90153, ở An Vĩnh, Lý Sơn). Thuyền trưởng Lê kể chưa bao giờ làm ăn, đánh bắt hải sản ở Hoàng Sa khó khăn như hiện nay. “Bình thường chúng tôi đi khoảng 20-25 ngày cho một chuyến biển. Nhưng vừa rồi mới hơn 2 tuần buộc phải trở về. Đâu đâu cũng thấy xuất hiện tàu hải giám, ngư chính và cảnh sát biển Trung Quốc. Họ thẳng tay truy cản”.
Theo anh Lê, nếu trước đây, phía Trung Quốc đuổi chỗ này, ngư dân có thể thu lưới chạy tới chỗ khác, nhưng bây giờ thì không thể. “Họ đâu có cho mình thở. Dí (đuổi) miết, đến khi nào mình vào bờ mới thôi. Tàu nào mà tiến sâu hoặc không chịu chạy thì bị phun vòi rồng, cướp phá là cái chắc”.
Tuy nhiên, thuyền trưởng Phúc cho biết, sau chuyến này về, nghỉ mấy bữa, đội tàu Lý Sơn lại tiến ra Hoàng Sa. “Biết là khó, nhưng vẫn ra lại Hoàng Sa, vì đó ngư trường của mình, đang mùa đánh bắt chính vụ”. Anh Mai Văn Lê cho biết, nếu từ bỏ Hoàng Sa, chấp nhận xuống Trường Sa đánh bắt sẽ an toàn hơn và trên thực tế, một số chủ tàu cũng đã chuyển hướng ngư trường.
“Nhưng đó là con số ít, còn chúng tôi, 30 năm nay ở Hoàng Sa, năm nào cũng gặp hiểm nguy, quen rồi. Không đời nào chúng tôi từ bỏ Hoàng Sa”. Anh Lê Khuân bày tỏ, là lãnh đạo nghiệp đoàn nghề cá, xuất thân từ ngư dân nên anh hiểu hơn ai hết hiểm nguy mà anh em đối mặt. “Phải vận động thường xuyên, nếu không anh em bỏ Hoàng Sa thì nguy. Bây giờ khó môt cái là tàu ngư dân mình nhỏ, công suất nhỏ quá. Đấu không lại”.