LTS: Trên số báo ngày 30/7, chúng tôi đã đăng tải lời tâm sự của đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh về một nghi án oan mà bà đang kiến nghị VKSND Tối cao và TAND Tối cao xem xét lại (bài “Nơi nào còn oan, tôi sẽ đến tham gia tháo gỡ”). Đó là vụ án ông Trần Văn Vót giết người ở Hà Nam, xảy ra từ 24 năm trước. Pháp Luật TP.HCM giới thiệu với bạn đọc về nghi án oan này.
Trong kiến nghị gửi chánh án TAND Tối cao và viện trưởng VKSND Tối cao, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) yêu cầu hai cơ quan này xem xét lại vụ án để minh oan cho ông Trần Văn Vót (nếu ông thật sự bị oan).
Bà Khánh cũng đề nghị cơ quan tố tụng xem xét tha tù trước thời hạn cho ông Vót để ông sớm về nhà phụng dưỡng mẹ già, đồng thời để ông chữa bệnh nặng tai và lao kháng thuốc. Bởi tính đến nay, ông Vót đã ngồi tù được 23 năm rồi…
Quả lựu đạn oan nghiệt
Đã 24 năm trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ án, nhiều người ở xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, Hà Nam còn nhớ như in bối cảnh diễn ra vụ án.
Theo hồ sơ, năm 1976, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Nhân Phúc được thành lập trên cơ sở hợp nhất HTX Thanh Nga và HTX Nhân Phúc. Trong quá trình hoạt động, nội bộ ban quản lý HTX phát sinh mâu thuẫn, một số xã viên có nguyện vọng tách HTX ra thành hai như trước. Tuy nhiên, sau khi tách ra làm hai HTX, người dân hai miền (xóm) Thanh Nga và Nhân Phúc không đồng tình về việc phân chia đất, do đó tranh chấp thường xuyên xảy ra, đỉnh điểm là vụ xô xát vào ngày 29/11/1992.
Cụ thể, vào chiều cùng ngày, tại khu vực bãi Thanh Lan, hàng trăm người dân hai miền Thanh Nga và Nhân Phúc nổ ra mâu thuẫn. Quá trình xô xát, có người ném lựu đạn vào đám đông khiến một người chết và 21 người bị thương. Nạn nhân tử vong là anh Trần Hoa Việt, người dân miền Nhân Phúc, con cụ Trần Văn Điền - người sau này kiên trì kêu oan cho ông Trần Văn Vót và ông Trần Ngọc Thanh.
Sau khi vụ án xảy ra, Công an huyện Lý Nhân đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trần Văn Cự (người dân miền Thanh Nga) về tội giết người và tàng trữ vũ khí trái phép. Do ông này bỏ trốn, công an đã phát lệnh truy nã toàn quốc.
|
Ông Trần Văn Vót đang trò chuyện với con gái Trần Thị Chi. (Ảnh do gia đình ông Vót cung cấp).
|
Không nhận tội và kêu oan
Ba tháng sau đó, ông Trần Ngọc Thanh (42 tuổi, người dân miền Nhân Phúc, đang đi nghĩa vụ quân sự) bị bắt tại E139 Bộ Tư lệnh Thông tin và được di lý về Công an tỉnh Hà Nam để điều tra về hành vi giết người trong vụ án nói trên.
Tại CQĐT, ông Thanh đã khai ông Trần Văn Vót (67 tuổi, trú cùng thôn) là người đưa lựu đạn cho mình để ném vào đám đông. Hai tháng sau đó, ông Trần Văn Vót bị bắt.
Tháng 2-1994, TAND tỉnh Hà Nam xử sơ thẩm đã tuyên phạt ông Trần Văn Vót tù chung thân về bốn tội giết người, phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế-xã hội, tàng trữ vũ khí trái phép và gây rối trật tự công cộng. Ông Trần Ngọc Thanh bị phạt 15 năm tù về tội giết người. Cùng với đó là 26 bị cáo khác phải lãnh án về các tội khai báo gian dối, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ...
Riêng ông Trần Văn Cự, dù bị truy nã về tội giết người và tàng trữ vũ khí trái phép nhưng người này chỉ nhận mức án hai năm tù về tội gây rối trật tự công cộng.
HĐXX sơ thẩm khẳng định ông Vót là người đã đưa lựu đạn cho ông Thanh ném vào người dân miền Thanh Nga. Tuy nhiên trong quá trình xô xát, do lúng túng và do người dân Thanh Nga bỏ chạy nên ông Thanh đã ném lựu đạn rơi ngược vào người dân miền Nhân Phúc.
Sau sơ thẩm, ông Vót và ông Thanh kháng cáo kêu oan. Ông Trần Văn Điền (cha ruột nạn nhân Trần Hoa Việt) cũng có đơn kháng cáo vì cho rằng kẻ ném lựu đạn là ông Trần Văn Cự.
Tháng 8/1994, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Nam Định (tên gọi khi đó) xử phúc thẩm, bác kháng cáo của các bị cáo và ông Điền, tuyên y án sơ thẩm.
Những bằng chứng ngoại phạm
Tại cả hai phiên tòa, ông Vót và ông Thanh đều không nhận tội và kêu oan. Trong đó, ông Thanh khẳng định mình bị đánh đập, dùng nhục hình nên mới nhận tội tại CQĐT.
Sau phúc thẩm, người thân của ông Vót và ông Thanh đều kêu oan, họ gửi đi hàng trăm lá đơn kêu oan đến các cơ quan trung ương.
Bà Trần Thị Chi (con gái ông Vót) cho rằng cha mình không thể là người đưa lựu đạn cho ông Trần Ngọc Thanh, bởi thời điểm xảy ra vụ án ông Thanh không có mặt tại hiện trường mà ở trong làng. Điều này đã được nhiều nhân chứng trong làng xác nhận.
Bên cạnh đó, CQĐT khẳng định ông Vót dùng một trong hai quả lựu đạn tịch thu được từ người dân trong làng để đưa cho ông Thanh gây án. Tuy nhiên, hai quả lựu đạn này đã được ông Vót giao nộp lại cho Huyện đội Lý Nhân từ trước khi xảy ra vụ án.
Trong khi đó, bà Trần Thị Tân (63 tuổi, mẹ ông Trần Ngọc Thanh) khẳng định lời khai được cho là bản tự thú của ông Thanh tại E139 Bộ Tư lệnh Thông tin có nhiều điểm mâu thuẫn. Cụ thể, trong bản khai, ông Thanh kể cha mình mất sớm, mẹ già... nhưng trên thực tế cha ông Thanh khi đó mới 54 tuổi, còn bà Tân chỉ 41 tuổi, đang làm giáo viên. Bản tự thú cũng không có ngày, giờ, dấu của đơn vị...
Ông Trần Văn Điền, cha ruột nạn nhân, là một trong những người tích cực đi kêu oan cho hai bị án nhất. Ngay sau phiên phúc thẩm, ông đã ra Hà Nội gặp chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao và gửi đơn khắp nơi để kêu oan cho ông Vót và ông Thanh.
Theo ông Điền, sau cái chết của con, ông đã gặp nhiều người có mặt tại hiện trường hôm xảy ra vụ án. Tất cả đều khẳng định đã thấy lựu đạn được ném từ phía người dân Thanh Nga sang. Thời điểm xảy ra vụ nổ, cả hai bị án đều có chứng cứ ngoại phạm, trong đó ông Thanh đi vác đất thuê đến 17 giờ mới nghỉ, còn ông Vót cũng đi đóng lò gạch đến chiều tối mới về. Các nhân chứng đều sẵn sàng ra trước tòa làm chứng nhưng tại các phiên tòa họ đều không được mời.
* * *
Đã 24 năm kể từ ngày xảy ra vụ án và 23 năm ông Vót thụ án chung thân, gia đình các bị án, gia đình người bị hại cùng hàng trăm người dân miền Nhân Phúc không ngừng kêu cứu tới các cơ quan trung ương để vụ án được xem xét lại.
“Là gia đình người bị hại, là người có con bị thiệt mạng, hơn ai hết chúng tôi là người mong muốn tìm ra hung thủ sự việc. Nếu Thanh và Vót thực sự là thủ phạm, không có lý gì tôi đi kêu oan cho họ suốt 23 năm nay” - ông Điền quả quyết nói.