Ngã rẽ cuộc đời chấn động của “trùm” gỗ lậu khét tiếng

Google News

Giới buôn gỗ lậu ở miền Bắc từng rỉ tai nhau rằng: Chớ nên động đến Hòa “tây”, một ông trùm gỗ lậu khét tiếng lì lợm, liều đòn.

Nga re cuoc doi chan dong cua “trum” go lau khet tieng
 
Say trong thuốc phiện và những trận “huyết chiến”
"Trùm" gỗ lậu Hoà “tây” tên thật là Trần Quang Hòa (SN 1950), ở xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Trần Quang Hòa sinh trưởng trong một gia đình nhà nông có 3 anh em, tuy nhà nghèo nhưng cả 3 được cha mẹ cho ăn học tử tế. Học hết cấp III, Hòa sang Liên Xô để lao động. Năm 1977, Hòa về nước trong tình cảnh trắng tay. Không công ăn việc làm, anh ta lao vào con đường giang hồ, buôn gỗ lậu.
Với dáng người to cao, lại liều lĩnh và lì đòn nên chẳng bao lâu sau Hòa “tây” đã thu phục được trên dưới 20 đàn em và thành lập băng đảng riêng cho mình. Khi đó, địa bàn Tây Bắc, nơi có con sông Đà hung bạo chảy qua đã chứng kiến biết bao trận “huyết chiến”, tranh giành lãnh địa làm ăn của giới lâm tặc khiến cho cơ quan chức năng phải đau đầu.
Thời đó, các “đại ca” cầm đầu băng đảng buôn gỗ lậu khét tiếng quanh vùng như Hải “vống”, Ba “thợ”... cũng phải dè chừng khi đối mặt với băng của Hòa “tây”. Nhưng trong các cuộc tranh giành địa bàn làm ăn, Hòa nhớ nhất là lần “huyết chiến” với băng của Kiến “đen”, một băng đảng quyết dùng “hàng nóng” để “xử đẹp” băng của Hòa. Trong cuộc “giáp lá cà” đó, Hòa đã giáng cho Kiến “đen” một nhát khiến nạn nhân bất tỉnh. Lâm vào thế “rắn mất đầu”, đàn em của Kiến “đen” bỏ chạy tán loạn và từ đó, băng Hòa “tây” gần như chiếm lĩnh con đường buôn gỗ lậu dọc sông Đà.
Địa bàn rộng, kiếm được bộn tiền nên ông trùm Hòa “tây” ngập ngụa trên những chiếu bạc, rồi phiêu du bên bàn đèn thuốc phiện. Cơn say bạc khiến Hòa “đốt” gần 20 bè gỗ vào trò đỏ đen. Họa vô đơn chí, đúng vào lúc Hòa quen tiêu tiền như công tử Bạc Liêu thì việc buôn gỗ lậu của gã gặp khó khăn do Nhà nước siết chặt công tác quản lý tài nguyên rừng. Dốc hết vốn liếng còn lại, Hòa định làm “canh bạc cuối” nhưng chuyến bè chở gỗ lậu ấy đang xuôi dòng về ngã ba Việt Trì thì lọt vào vòng phục kích của lực lượng kiểm lâm. Thế là Hòa lâm vào cảnh hàng mất, vốn không còn.
Cuối năm 1989, lẽ ra Hòa “tây” phải bị bắt và truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng vì gã đã thành khẩn khai báo, lại thêm hoàn cảnh Hòa phải nuôi con thơ nheo nhóc và phải chăm sóc anh trai là thương binh ở quê nên chính quyền địa phương đứng ra bảo lãnh cho Hòa về địa phương để được cải tạo, giáo dục, theo dõi tại đây.
Qua sông, tìm về nẻo thiện
Từ đồn công an bước ra, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt Hòa là người vợ nhỏ bé, tiều tụy ôm con nheo nhóc. Đột nhiên thức tỉnh, Hòa cảm thấy thương vợ con lạ lùng! Thế rồi anh ta quyết định gây dựng lại sự nghiệp của mình từ hai bàn tay trắng. Hòa tự cai thuốc phiện bằng cách nhảy xuống bến sông ngay sau nhà, ngụp lặn thật sâu liên tục để cắt đứt những cơn thèm thuốc.
Một chiều ra bờ sông Đà ngồi suy nghĩ, nhìn từng dòng nước cuốn xô nhau chảy mãi về xa, Hòa nghĩ: “Sao cuộc đời mình lại cứ trôi dạt như dòng nước thế này? Không ngược dòng được thì cũng phải tìm mọi cách mà qua sông chứ?”. Nghĩ đến đây, Hòa thốt lên: “Qua sông! Đúng rồi, phải qua sông!”.
Về nhà, Hòa bàn với vợ còn bao nhiêu vốn liếng dốc ra hết, thiếu thì vay mượn bạn bè để đóng một chiếc đò bằng gỗ, chở khách từ Thanh Thủy (Phú Thọ) sang đất Ba Vì (Hà Tây cũ). Người vợ thấy chồng tính đến chuyện làm ăn lương thiện nên rất vui mừng và nhiệt tình ủng hộ.
Kể từ ngày đó, Hòa trở thành người lái đò đưa khách qua sông. Làm nghề này người ta thường kiêng kỵ việc cứu người chết đuối nhưng anh luôn cho rằng điều kiêng kị ấy là nhảm nhí. Suốt gần chục năm lái đò, anh đã cứu hàng chục mạng người khỏi chết đuối do tắm sông, đắm thuyền. Có lần, khách qua đường chẳng biết đi xe thế nào rồi lao thẳng từ trên đê xuống. Cả nguời, xe và hàng hóa rơi hết xuống sông.
Nghe tiếng kêu cứu, Hòa lao ngay vào vùng nước xoáy. Lặn hụp một hồi lâu, anh lôi được người gặp nạn lên bờ rồi lại hô hào mấy người nữa mò xe máy và hàng hóa cho nạn nhân. Bị vợ mắng: “Anh đúng là thằng dở hơi, cứu giúp người ta bất chấp tính mạng của mình mà người ta có cảm ơn đâu”, Hòa cười khì: “Làm phúc cần gì mong báo đáp!”.
Một lần khác, một đứa trẻ tắm sông bị đuối nước. Không kịp cởi áo, Hòa nhảy ùm xuống nước luôn. Lặn hai hơi mò chẳng thấy gì, Hòa rít căng lồng ngực và lặn xuống sâu hơn nữa. Lúc một số thanh niên nhảy xuống ứng cứu thì ở đằng xa, moi người đã thấy anh nổi lên cùng thằng bé. Sau bữa đó, anh bị ốm liệt giường suốt 1 tuần. Mẹ sang thăm và mắng: “Đời có anh là một, làm nghề sông nước lại đi cứu người như thế thì Hà Bá trù cho à?”. Chưa nghe mẹ nói hết, Hòa đã phân trần: “Mẹ này. Thấy người ta chết, mình không cứu sao?”.
Quá trình Hòa làm nghề lái đò, có nhiều vị khách ngồi quán nước của anh để chờ đò rồi bỏ quên tiền bạc, tư trang, anh đều kêu vợ cất giữ rồi trả lại đầy đủ cho họ. Trong đó đáng nhớ có lần một ông khách để quên túi xách cỡ hơn 300 triệu đồng. Hòa đã cất vào tủ và hôm sau trả lại nguyên vẹn cho khách. Vị khách mừng quá mới rút ra 20 triệu đồng gọi là quà báo đáp nhưng anh một mực từ chối.
Đoạn cuối tươi đẹp…
Năm 2002, cầu Trung Hà bắc qua sông Đà được khánh thành và con đò của Hòa phải ngừng hoạt động. Việc bán hàng nước của vợ cũng kém dần đi do nhiều người dân mở quán nước cạnh tranh. Trong nhà lúc này có tới 8 miệng ăn, ngoài nuôi 4 đứa con ăn học, anh còn phải nuôi người mẹ già và người anh thương binh nữa. Suy đi tính lại, Hòa quyết định đi học lái xe, sau đó mua một chiếc ô tô chở khách du lịch.
Từ khi mua xe, Hòa chở khách thì ít mà chở người trong làng đi đám hiếu, đám hỉ và đi... cấp cứu thì nhiều. Bất kể ban ngày hay đêm hôm khuya khoắt, người dân trong làng có vợ đẻ, con đau, cha già đột quị... lại gõ cửa nhà Hòa nhờ lấy xe chở người thân đi bệnh viện. Nhà nào khá giả thì anh lấy tiền xăng dầu, còn nhà nào nghèo quá, anh làm phúc.
Những năm sau đó Trần Quang Hòa lại quyết định vay tiền ngân hàng để mua một chiếc xe chở khách 40 chỗ, chạy tuyến Thanh Sơn (Phú Thọ) - Mỹ Đình (Hà Nội). Tính đến nay, Trần Quang Hòa đã chạy xe khách được 8 năm, có biết bao nhiêu khách bỏ quên hành lý, anh đều giữ và trả lại đầy đủ. Một lần anh Tiến quê ở xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ bỏ quên 40 triệu đồng trong một chiếc túi, Hòa đã trả lại không thiếu một xu. Cũng có lần khách đi làm ăn xa về đến Bến xe Mỹ Đình bị trộm móc túi mất sạch, anh chở khách về tận nơi, không lấy một đồng.
Rồi một lần nghe tin có băng nhóm chuyên trấn lột, cướp giật vào ban đêm ở khu vực Thanh Sơn (Phú Thọ) làm người dân hoảng sợ, anh nghe phong thanh “đại ca” của băng này là vài đàn em cũ của mình nên đã tìm đến tận nơi cảm hóa băng nhóm này, hứa sẽ giúp tiền cho họ làm ăn lương thiện. Vì trọng nghĩa khinh tiền, những người này đã nghe theo lời “đại ca” một thuở... Và sau mỗi bữa cơm tối, Hòa lại kể về đời mình cho các con anh nghe, mong sao các con biết con đường lầm lỗi của mình mà tránh. Đến nay, các con anh đều đã trưởng thành. Con gái đầu lòng đã tốt nghiệp Đại học Công nghiệp, đang làm việc ở Hà Nội. Con gái thứ ba cũng đang theo học một trường cao đẳng.
Có lẽ khi con người ta ngộ ra cái đạo làm người thì họ sẽ nhìn lại những lỗi lầm của mình mà quay về con đường lương thiện. Nếu ai đã từng lầm lỡ mà có lòng quyết tâm làm lại như Hòa thì đường về nẻo thiện của họ sẽ không quá xa vời. Nhận xét về Trần Quang Hòa, ông Thiều Văn Vy, Phó Trưởng Công an xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy cho biết: “Anh Hòa đã đoạn tuyệt với con đường làm ăn phi pháp. Anh được bà con hàng xóm quý mến vì đã giúp đỡ họ khi họ gặp khó khăn”.
Theo An Ninh Thủ Đô

Bình luận(0)