Những ngày qua, nắng nóng kéo dài xảy ra trên diện rộng, nhiều nơi ở miền Trung nắng nóng trên 40 độ C. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, đây là đợt nắng nóng kéo dài kỷ lục trong 15 năm qua. Nắng hạn làm đảo lộn đời sống và sản xuất của người dân.
Tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, nhiều tháng qua tình trạng khô hạn, nhiễm mặn xâm nhập sâu vào vùng cửa sông, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất vụ hè thu diễn ra trên diện rộng. Hàng loạt diện tích không chủ động được nước tưới buộc phải chuyển đổi cây trồng, các giống lúa ngắn ngày chịu hạn được khuyến cáo sử dụng trong vụ sản xuất hè thu.
|
Người dân vùng bán sơn địa ở Phú Yên chắt chiu nguồn nước sinh hoạt (Ảnh Hải Sơn). |
Nắng hạn kéo dài, không có nước tưới, ruộng đồng nứt nẻ, nhiều nông dân phải cắt bỏ cây đậu xanh, cây bắp... để cho bò ăn. Hàng trăm ha mía ở thị xã Ninh Hòa cháy rụi do thời tiết khô hanh. Công ty thủy lợi phải trực tiếp giải quyết tranh chấp nước giữa bà con nông dân... là thực tế đang diễn ra tại nhiều địa phương ở miền Trung hiện nay.
Nắng hạn làm cạn kiệt nguồn nước, nhiễm mặn xảy ra trên diện rộng… đã được ngành chức năng và các địa phương dự báo từ đầu năm. Thế nhưng năm nay, hạn hán diễn ra sớm và ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong những ngày này, hạn hán gay gắt đã xồng xộc vào từng nhà, làm đảo lộn cuộc sống và sản xuất của người dân các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ. Tại vùng bán sơn địa huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, nắng nóng làm cạn kiệt dần nguồn nước ngầm. các giếng nước đều trơ đáy. Liên tục 2 năm nay, 80 hộ dân ở xóm Đất Cày, xã An Mỹ, huyện Tuy An luôn vất vả chạy tìm nước uống cho người và gia súc.
|
Nhìn từ trên cao, diện tích sản xuất nông nghiệp ở TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa bỏ trắng hàng loạt vì thiếu nước tưới trong vụ hè thu này (Ảnh Hải Sơn). |
“Nước uống năm ngoái đi chắt từng giọt, năm nay cũng có cơn mưa nào đâu. Sáng cỡ 4 giờ đi xuống đầu làng chở nước về cho bò uống. Nước mình uống thì ít chứ cho bò thì nhiều. Ai cũng vậy hết!” - Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, ở xóm Đất Cày, xã An Mỹ, than thở.
Theo kế hoạch, vụ hè thu này tỉnh Khánh Hòa sản xuất khoảng 18.400 hécta lúa nước. Khô hạn kéo dài nên khoảng 13.000 hécta lúa vụ này không đủ nước tưới và 1.400 hécta khác phải chuyển đổi sang trồng các loại cây ngắn ngày. Nhiều hồ chứa nước đang xuống thấp tới “mực nước chết”. Hiện hồ Suối Trầu mực nước đã xuống thấp hơn “mực nước chết” gần 1 mét. Trong khi đó, 7 hồ chứa nước ở phía Nam của tỉnh này chỉ đạt dưới 40% dung tích thiết kế.
Ông Nguyễn Hạnh và nhiều người dân ở thôn Hòa Bình, xã Cam Phước Đông, thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa hết sức bức xúc vì nước hồ chứa không về tới hạ nguồn do bà con ở phía trên đã chặn lấy nguồn nước dẫn vào ruộng đồng. Hiện bây giờ có những vùng rất cần nước gieo, chuẩn bị gieo cũng có vì họ làm lỡ vụ. Bây giờ họ thấy nước là họ gieo, họ ở đầu nguồn, mình không ngăn được. Chúng tôi đi lên năn nỉ họ cho tôi lấy nước về, họ thông cảm thì họ cho, họ không thông cảm thì họ chặn họ đắp thôi.”- ông Hạnh than vãn.
|
Bà con ở xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên đào giếng lấy nước bơm tưới cho cây trồng (Ảnh Hải Sơn). |
Nắng nóng từ đầu năm tới nay, ruộng khô nứt nẻ. Khô hạn diễn ra ngay tại những cánh đồng chỉ cách các hồ, đập 1- 2 cây số. Giữa trưa nắng oi bức, ông Lê Sỹ Minh cùng nhiều nông dân ở thôn Tân Hiệp, xã Cam Phước Đông, thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa vẫn kiên nhẫn bơm nước từ con suối dẫn về tưới cho đồng ruộng. Có lúc chỉ bơm được 1-2 tiếng đồng hồ thì nước cạn lại phải khiêng máy bơm sang vị trí khác.
Ông Lê Sỹ Minh lo lắng: “Đầu tư phân, thuốc tất cả rồi, giờ chỉ chờ nước về. Nước không về được nữa thì vụ hè thu này bỏ rồi đó. Bỏ trắng. Bỏ rồi, lúc đó có nước cũng bằng thừa. Phía dưới này bó tay, nước không thể nào về được nữa.”
6 tháng liên tục không có mưa, nên những cánh đồng mía tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đang vào mùa thu hoạch nhưng trở nên xơ xác, khô hanh, có thể bùng cháy bất cứ khi nào. Nông dân phải liên tục ra rẫy mía để canh lửa nhưng đã có hơn 200 héc ta mía bị cháy, khiến nhiều gia đình thiệt hại nặng nề. Tình trạng mía cháy liên tiếp xảy ra tại nhiều xã như Ninh Tây, Ninh Xuân, Ninh Thượng…
|
Bơm nước trong hồ cứu lúa. |
Ông Bùi Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa cho hay: “Mùa khô năm nay quá khắc nghiệt, 6 tháng không có mưa. Mía cháy lan đến nay đã lên tới hàng trăm ha”.
Nắng hạn kéo dài khiến mực nước các con song ở tỉnh Khánh Hòa đang giảm mạnh. Sông Cái, một con sông lớn nhất địa phương này cung cấp nước cho các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh và thành phố Nha Trang nay đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử quan trắc. Đây là năm thứ 2 liên tiếp hạn hán xảy ra gay gắt. Đối phó với thực tế này, ngành nông nghiệp và các địa phương ở tỉnh Khánh Hòa xây dựng phương án cấp nước ưu tiên cho sinh hoạt, phục vụ công nghiệp rồi mới đến chăn nuôi, trồng trọt.
Ông Lê Đức Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng: “Xây dựng kịch bản, chi tiết với điều kiện khô hạn... chỗ nào dứt khoát từ ngay đầu mùa để tránh. Mình biết năm nay khô hạn vậy mà vẫn có diện tích làm nửa chừng rồi chết. Cân đối giữa việc làm nửa chừng thiệt hại so với hỗ trợ sản xuất cái nào được hơn để làm cho dân”.
Trước dự báo đây là năm khô hạn nặng nhất trong vòng 15 năm trở lại đây, Chính phủ đã cử nhiều đoàn công tác về các địa phương chỉ đạo công tác phòng chống hạn hán. Tại tỉnh Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị phải thực hiện tốt việc quy hoạch nước, cần ưu tiên nước cho sinh hoạt và nông nghiệp, tính toán khả năng xây dựng thêm các hồ chứa, đập dâng phù hợp với từng triền sông, điều kiện dòng chảy để trữ nước cho vụ sản xuất hè thu.
|
Nông dân Phú Yên trông chờ vào nguồn nước điều tiết của Thủy điện Sông Ba Hạ ở vụ sản xuất hè thu này (Ảnh Hải Sơn). |
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương chủ động điều tiết nước hợp lý, tính toán điều tiết nước liên hồ, khuyến cáo việc sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, dự trữ nước cho sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Nếu không chủ động về cung cầu thì mỗi lần có biến động về thời tiết là sẽ bị động. Trên cơ sở quy hoạch cung cầu đấy thì tính lượng thiếu bao nhiêu, dồn về đâu, còn khả năng xây hồ chứa chỗ nào, không còn khả năng thì dòng sông nào đưa đập dâng lên để thành hồ. Vấn đề về quy hoạch phải rà soát lại hết, bởi vì tổng cung cầu của cả nước thì mình thiếu. Phân về các tỉnh nếu tỉnh thiếu mà tỉnh khác có thì phải phân bổ, cân bằng cung cầu nước liên vùng”.
Nắng nóng kéo dài kỷ lục tại miền Trung làm cho nguồn nước tưới khô cạn, cây trồng cháy khô, nhiều diện tích đất trồng lúa bị bỏ hoang, nguy cơ mất trắng đã và đang xảy ra ở nhiều nơi. Người dân miền Trung làm gì để chống chọi với khô hạn?