Lịch sử thành môn bắt buộc ở THPT

Google News

Về đề xuất Lịch sử làm môn bắt buộc ở THPT, Bộ GD&ĐT khẳng định nội dung GD Lịch sử, Quốc phòng - An ninh là nội dung GD bắt buộc.

Bộ GD&ĐT vừa công bố Báo cáo tổng hợp và tiếp thu, giải trình các ý kiến về Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Theo Bộ GD&ĐT: Mục tiêu trong Chương trình tổng thể đề xuất 3 phẩm chất thuộc 3 khía cạnh khác nhau. “Sống yêu thương”: là phẩm chất của con người trong mối quan hệ với bên ngoài. “Sống tự chủ” là phẩm chất của con người trong mối quan hệ với chủ thể. “Sống trách nhiệm” là phẩm chất của con người trong mối quan hệ với trách nhiệm xã hội.
Như vậy, phẩm chất chăm sóc, bảo vệ môi trường là thuộc nội hàm của “Sống yêu thương”; sống trung thực, tự tin, tự trọng, có niềm tin và ước mơ… hay sống bản lĩnh là thuộc nội hàm của “Sống tự chủ”...
Lich su thanh mon bat buoc o THPT
 Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể với định hướng
nâng cao năng lực, phẩm chất học sinh.
Tiếp thu các góp ý, Bộ cho biết sẽ tiến hành điều chỉnh, bổ sung nội hàm và biểu hiện của HS đối với từng phẩm chất trong Dự thảo Chương trình tổng thể.
Các năng lực như tư duy phê phán, tư duy phản biện, năng lực thích ứng, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo… trong văn bản cũng chỉ ra những biểu hiện, thể hiện chức năng gắn với CT tổng thể, đồng thời sẽ tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện mô tả biểu hiện năng lực chung của HS.
Về việc nên có chuẩn đánh giá và tiêu chí chất lượng kết quả đầu ra của từng cấp học, chuẩn đánh giá năng lực và kết quả học tập HS theo từng môn học và năm học Bộ đưa ra ý kiến: Lượng giá kết quả GD thực chất là sự đánh giá dựa trên các biểu hiện về trí tuệ và hành động của HS. Ví dụ kết quả làm bài thi, tính chất của hành vi mà HS thực hiện trong tình huống cụ thể…
Trong Dự thảo Chương trình tổng thể, đối với cấp THPT, hệ thống các môn học được chia thành các môn học bắt buộc, và các môn học tự chọn. Ở giai đoạn GD cơ bản, hệ thống môn học được thiết kế theo hướng thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực GD, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung GD, giảm hợp lý số môn học.
Chương trình được xây dựng theo tinh thần đảm bảo phân hóa mạnh và sâu dần từ lớp 10 đến 11, 12. HS học một số môn bắt buộc đồng thời được tự chọn các môn học (từ lớp 10) và chuyên đề học tập (từ lớp 11), trong đó có các chuyên đề riêng về hướng nghiệp. 
Tiếp thu ý kiến, để hài hòa giữa học phân hóa định hướng nghề nghiệp với HS toàn diện, tạo cơ hội cho HS có thể chuyển định hướng (nếu có nguyện vọng và với sự cố gắng thêm trong học tập) trong cấp học, chương trình tổng thể quy định: HS THPT học tối thiểu 7 hoặc 6 môn và các chuyên đề học tập, hoạt động trải nghiệm sáng tạo; trong đó 4 môn bắt buộc là Ngữ văn 1, Toán 1, Công dân với Tổ quốc, Ngoại ngữ 1.
Các môn học tự chọn được định hướng theo 3 nhóm: Tự chọn (TC) tùy ý (TC1, HS có thể không chọn) gồm Nghiên cứu khoa học kỹ thuật, Ngoại ngữ 2; Các môn theo nhóm TC2 được chia như sau: HS định hướng Khoa học tự nhiên hoặc công nghệ - kỹ thuật sẽ học môn Khoa học xã hội và tự chọn 2 môn học trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Toán 2. 
Các HS định hướng Khoa học xã hội và nhân văn sẽ học môn Khoa học tự nhiên và tự chọn 2 môn trong số các môn Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn 2. HS định hướng nghệ thuật hoặc thể dục thể thao (năng khiếu) sẽ học 2 môn Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên, chọn thêm 1 môn nữa nếu có nguyện vọng; Các môn TC3 là Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, Chuyên đề học tập.
Giữa ý kiến xung quanh việc đề xuất cần đưa môn Lịch sử làm môn bắt buộc ở THPT, Bộ GD&ĐT cho biết: Trong Dự thảo Chương trình tổng thể, ở THPT môn Công dân với Tổ quốc là 1 trong 4 môn bắt buộc, tích hợp của 3 phân môn (Đạo đức - Công dân, Lịch sử và Quốc phòng - An ninh); đáp ứng yêu cầu cơ bản của chương trình mới là định hướng phát triển phẩm chất và năng lực HS; định hướng giá trị công dân, hội nhập quốc tế; tuân thủ luật giáo dục quốc phòng, an ninh; các kiến thức phổ thông nền tảng được hoàn thành ở cấp tiểu học và THCS, ở cấp THPT là định hướng nghề nghiệp, có ít môn học bắt buộc, dành thời gian cho các môn học và chuyên đề học tập tự chọn.
Bộ khẳng định nội dung GD Lịch sử, Quốc phòng - An ninh là nội dung GD bắt buộc đối với tất cả HS cấp THPT. Ngoài ra cấp THPT, HS còn được tự chọn Lịch sử ở môn Khoa học xã hội, hoặc môn Lịch sử và một số chuyên đề học tập mở rộng, chuyên sâu về Lịch sử. Đồng thời nội dung này còn được giáo dục tích hợp trong các môn học khác.
Liên quan tới vấn đề SGK của Chương trình GDPT mới, trong buổi họp báo quý III năm 2015, Bộ GD&ĐT cũng cho biết: việc triển khai xây dựng chương trình và biên soạn chương trình mới đã được phê duyệt, được thực hiện theo lộ trình chi tiết từ 2015 đến năm học 2018-2019. Trước tiên sẽ xây dựng chương trình, sau khi có chương trình môn học sẽ biên soạn SGK, triển khai thực hiện chương trình SGK mới, tập trung ưu tiên cho 3 lớp đầu cấp. Với chương trình hiện hành chúng ta phải làm từng bước, với mục tiêu, tăng cường khả năng kiến thức nảy sinh năng lực, tập cho giáo viên và HS tiếp cận với SGK mới qua các cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn...
Theo Đại đoàn kết

Bình luận(0)