Đúng 6 giờ 50 phút, chiếc xe khách từ miền Nam đưa 32 ngư dân dừng lại trước sân của trụ sở UBND xã Bình Chánh. Họ lần lượt xuống xe với tâm trạng buồn vui xen lẫn. Bởi phía sau những nụ cười là sự mệt mỏi, nỗi thất thần sau phiên biển định mệnh. Hành trang của họ là những đôi chân trần bước vội, vài bộ quần áo được tặng mang trên tay. Trong số này có ngư dân Võ Văn Đạo bị gãy 3 xương sườn, nhiều ngư dân khác bị xây xước khắp người, do phải vật lộn tìm lại sự sống giữa biển khơi nhiều giờ đồng hồ. Chị Huỳnh Thị Tín ở xóm Cù Lao, Bình Chánh cầm đôi dép nhựa đến đón con trai Nguyễn Tấn Hợp, không cầm được nước mắt, nói: “9 ngày nay, kể từ khi nghe tin tàu bị dông lốc nhấn chìm trên biển Trường Sa, tôi không ăn ngủ được. Nay thì con đã về thật rồi!”.
|
Các ngư dân được cứu sống trở về. Ảnh: X.Thiên. |
Anh Đỗ Mai Tấn, chủ tàu, thuyền trưởng tàu bị nạn kể: Đêm 17/6, khi nghe tin gió lốc ở khu vực Trường Sa, tất cả các thúng câu mực đều đưa lên tàu để tìm cách tránh gió. Tuy nhiên, đúng 0 giờ, cơn lốc bất ngờ xuất hiện, sóng biển cao chừng 4 m vỗ vào tàu, chỉ chừng 10 phút, chiếc tàu chìm nghỉm, tất cả 32 con người đều nằm trên sóng biển bằng các can nhựa, thùng phuy và giàn phơi mực bằng tre nổi trên mặt biển. Trong khoảng 10 phút trước khi tàu chìm, tôi chỉ kịp lên ca bin gọi bộ đàm cho tàu của ông Rí (ông Lê Rí thuyền trưởng tàu QNa 94545 TS, quê Quảng Nam) cùng nghề câu mực cách đó khoảng 20 hải lý đến cứu.
Cũng theo anh Tấn, khi tàu chìm, anh em tự bám víu cài các vật dụng nổi và cố gắng chống chọi với sóng gió để chờ tàu đến cứu. Đến 3 giờ rưỡi sáng, tàu ông Rí mới đến được khu vực tàu bị nạn, tuy nhiên, tàu không thể vào được mà phải đưa thúng ra cứu bằng nhiều đợt. Đợt đầu vớt được 8 người. Đến 8 giờ sáng, vớt được 20 người và 1 giờ sau thì toàn bộ được cứu lên tàu. Việc tìm kiếm và vớt người gặp nhiều khó khăn do biển động mạnh, nhiều người bị trôi dạt cách tàu chìm đến 8 hải lý.
Theo các ngư dân bị nạn, từ khi tàu bị chìm đến lúc tàu ông Rí tới cứu mất hơn 3 giờ đồng hồ. “Nếu tàu đến chậm khoảng 30 phút chắc chúng tôi không còn ai sống sót bởi kiệt sức”, anh Võ Văn Đạo nhớ lại. Chiếc tàu cá Quảng Nam của ông Lê Rí gần 1.000 mã lực, rộng 7,2 m, dài 25 m đã phải chứa đến 82 ngư dân (tàu ông Lê Rí có 50 ngư dân và 32 ngư dân tàu cá Quảng Ngãi vừa cứu) lênh đênh trên biển suốt 3 ngày. Các ngư dân Quảng Ngãi được chăm sóc chu đáo, được chia sẻ từng miếng cơm, manh áo, ly nước ngọt, viên thuốc kháng sinh để lành vết sẹo do bị va đập trên tàu trong cơn dông.
Tính đến hôm bị nạn thì tàu ông Tấn đã khai thác được đúng một tháng, với 15 tấn mực (trị giá khoảng 1,2 tỷ đồng). Nhưng rồi bỗng chốc chiếc tàu có công suất 450 CV cùng nhiều vật dụng, nhu yếu phẩm, dầu... ước tính gần 5 tỷ đồng nằm lại ngoài biển. Đón chồng và các ngư dân bị nạn trở về, bà Nguyễn Thị Dung- vợ thuyền trưởng Đỗ Mai Tấn không cầm được nước mắt. Giọt nước mắt của ngày đoàn tụ có cả những giọt nước mắt của nỗi đau khi khối tài sản của gia đình bỗng chốc biến mất. “Khi đi thì tiền tỷ, giờ về không còn đôi dép mà mang. Giờ lấy gì để nuôi sống gia đình nữa...”, bà Dung nói trong nước mắt.
Nói về chiếc tàu 3 tỷ đồng của mình đã nằm lại biển khơi, chủ tàu Đỗ Mai Tấn thất thần, giờ chúng tôi cũng không biết làm gì để nuôi sống cha già bệnh tật, 3 con nhỏ và vợ. Không những cuộc sống những ngày phía trước của gia đình chủ tàu bị mất trắng tài sản, mà hơn 30 lao động trên tàu giờ đây cùng khốn khó vì chưa thể có việc làm ngay được. “Giờ chỉ mong được giúp đỡ, vay mượn tiền để đóng lại tàu mới làm ăn chứ nghề biển mà không có tàu thì lấy gì mà sống”, ông Tấn thổn thức.