Mới đây, Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Quân, Giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu và ứng dụng khoa học thôi miên Việt Nam, cho rằng nhà thôi miên có thể vào cuộc để làm sang tỏ vụ án tại Thẩm mỹ viện Cát Tường.
Ông Quân đặt ra nghi vấn rằng lời khai ấy chưa đủ chi tiết nên chưa thể tìm thấy xác nạn nhân. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng trường hợp này sẽ hiệu quả hơn nếu áp dụng thuật thôi miên vào điều tra hình sự.
Tuy nhiên, Luật sư Trịnh Anh Dũng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, quá trình điều tra phải tuân thủ trình tự thủ tục chặt chẽ, được quy định từ Bộ Luật Tố tụng hình sự tới các văn bản dưới luật như pháp lệnh điều tra, thông tư nghị định liên quan.
Theo Luật sư Dũng, tất cả văn bản trên đều khẳng định hoạt động điều tra phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật thì kết luận điều tra mới được coi là căn cứ để luận tội hoặc buộc tội. “Những thủ thuật như thôi miên, ngoại cảm tâm linh đều chưa được cho phép sử dụng trong mọi hoạt động của pháp luật nói chung và hoạt động điều tra hình sự nói riêng”, luật sư Dũng khẳng định.
Luật pháp chưa cho phép dùng thủ thuật thôi miên trong hoạt động điều tra
Luật sư Dũng cho biết chưa có pháp luật nước nào công nhận thôi miên như một biện pháp điều tra chính thức. “Thôi miên là thủ thuật tới nay vẫn chưa được khoa học công nhận, có chăng nó mới được sử dụng làm phương pháp thực nghiệm để chữa bệnh trong lĩnh vực y tế. Trong lĩnh vực pháp luật, nếu có sử dụng thôi miên thì cũng chỉ được dùng như một biện pháp để đấu tranh buộc bị can, bị cáo thừa nhận hành động phạm tội nhưng cũng không được coi là căn cứ chính thức trong hồ sơ tố tụng”, Luật sư Dũng nói.
Trước giả thiết người nhà nạn nhân có thể đề nghị cơ quan điều tra dùng thủ thuật thôi miên đối với bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường, Luật sư Dũng cho biết, trong công tác điều tra, ý kiến của gia đình nạn nhân,chỉ có ý nghĩa dưới góc độ người làm chứng. Chỉ duy nhất cơ quan điều tra, mới có quyền áp dụng phương pháp điều tra như thế nào trong vụ án. “ Gia đình chị Huyền có quyền đề nghị nhưng quyền quyết định thuộc về cơ quan điều tra, song chắc chắn 100% cơ quan điều tra không chấp nhận thủ thuật thôi miên”, Luật sư Dũng nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Mạnh Quân, thôi miên sử dụng trong điều tra sẽ tạo điều kiện cho nhân chứng nhớ lại cụ thể, chính xác hơn vụ việc. “Thôi miên không thể bắt ép hay điều khiển hung thủ khai ra toàn bộ vụ án nếu họ không muốn, bởi vì vào trạng thái thôi miên, con người trở nên tỉnh táo và thông minh hơn. Do vậy, đối với tội phạm, nhà thôi miên chỉ có thể sử dụng các câu hỏi và làm cho tội phạm tự nguyện kể lại tất cả”, nhà thôi miên lỹ giải.
Áp dụng vào trường hợp của bác sĩ Tường, ông Quân cho biết: “Nếu vào cuộc, nhà thôi miên sẽ đưa bác sĩ Tường vào trạng thái thôi miên bằng lời nói, câu hỏi làm cho Tường biết anh ta đang muốn gì, đang “đau” cái gì? Hoặc có thể dùng những câu hỏi động vào lòng trắc ẩn của Tường để Tường tự khai ra tất cả".