Mới đây, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tiếp tục trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội. Lần đầu tiên đăng đàn, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đối diện 3 nhóm vấn đề.
Đầu tiên là việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử.
|
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn. |
Thứ hai là công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông; về hệ thống dịch vụ truyền thông, việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình;
Thứ ba là giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội.
Trong buổi sáng đã có 70 đại biểu đăng ký chất vấn; các câu hỏi được nêu xoay quanh giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi các tiêu cực của mạng xã hội và hoạt động báo chí; việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử.
Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm nhất là vấn đề mạng xã hội, đại biểu Mong Văn Tình băn khoăn: "Nhiều thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự cá nhân, tổ chức lan tràn trên mạng xã hội. Với vai trò tư lệnh ngành, Bộ trưởng đưa ra giải pháp gì?".
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, đây là vấn đề toàn cầu, các nước đều quan tâm chứ không chỉ riêng Việt Nam. Nước Nga có phần mềm tìm kiếm riêng trên Internet, Trung Quốc có mạng xã hội riêng..., còn các nước khác hầu hết phụ thuộc vào Facebook, Google.
Theo Bộ trưởng, lâu nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tham vọng xây dựng mạng xã hội cạnh tranh với Facebook, Goolge. Trước đây có Bamboo, Xa lộ nhưng do tiềm lực tài chính kém nên đã đóng cửa sau 2 năm hoạt động. Hiện trong nước có nhiều mạng xã hội, có mạng đã lên đến 70 triệu người dùng nhưng so với các mạng lớn của nước ngoài thì vẫn khiếm tốn.
Bộ trưởng Tuấn cho rằng, để doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạng xã hội cạnh tranh được mạng toàn cầu thì chính sách phải đồng bộ, ưu tiên giảm thuế, phí, phát triển nội dung số để hình thành hệ sinh thái số lớn mạnh; khi đó mới có cơ sở tin tưởng doanh nghiệp trong nước xây dựng được mạng xã hội cạnh tranh, thay thế Facebook, Goolge trong 5-7 năm tới.
Đồng thời, theo Bộ trưởng, Việt Nam phải thực hiện mô hình 4 nhà: Nhà mạng viễn thông hỗ trợ; nhà mạng xã hội phải vươn lên; nhà quảng cáo phải tập trung và nhà phát triển nội dung trong nước.
"Đây là vấn đề khó vì thói quen dùng và tính tương tác lớn của 2 mạng xã hội toàn cầu hiện nay", ông nói.