Sự việc này đang xảy ra tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, nơi thi công dự án đê, kè biển Liên Chiểu - Kim Liên chắn sóng, cống sạt lở có chiều dài 1,7 km. Công trình bắt đầu từ Nhà máy xi măng Hải Vân đến gần kho xăng dầu K83, đi qua 11 tổ của phường Hòa Hiệp Bắc, tổng kinh phí là gần 100 tỉ đồng do UBND quận Liên Chiểu làm chủ đầu tư.
Đa số nhà của các hộ dân trong hành lang cách tuyến kè đang thi công từ 50 m trở lại đều là nhà cấp 4. Vì vậy, quá trình đóng cọc diễn ra cả ngày khiến hàng trăm hộ dân nơi đây như “ngồi trên đống lửa”.
|
Máy đóng cọc là nguyên nhân chính khiến hàng trăm căn nhà của dân bị nứt. Ảnh: N.TRI |
Ông Trần Văn Trung, trú tổ 52, phường Hòa Hiệp Bắc cho biết nhà ông cách bờ kè chưa tới 50 m. Ngày nào đơn vị thi công dùng máy để đóng cọc thì
nhà ông rung lắc dữ dội. Mỗi lúc như vậy, tất cả thành viên trong gia đình ông đều dẫn nhau ra đường, tìm bóng cây nào mát để ngồi chờ đến khi máy nghỉ thì mới dám vào nhà.
Theo phản ánh của người dân, trước khi khởi công công trình, cơ quan chức năng hứa nếu nhà, tài sản nào bị hư hại thì sẽ bồi thường sau khi dự án hoàn thành. Ngoài ra, UBND phường còn hứa sẽ hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng và kéo dài trong bốn tháng để hỗ trợ người dân có nhà nằm trong hành lang 50 m thuê nhà trọ trong lúc đơn vị thi công tiến hành đóng cọc. Nhưng sau đó, UBND quận lại khẳng định chỉ hỗ trợ cho dân hai tháng khiến người dân vô cùng bức xúc.
Ông Trương Việt, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc, cho hay trong quá trình đóng cọc đơn vị thi công đã làm hư hỏng 143 căn nhà của các hộ dân trong hành lang 50 m. Tất cả hộ này đều đã nhận được tiền hỗ trợ (1,5 triệu đồng x 2 tháng) để có thể thuê phòng trọ trong thời gian đóng cọc.
“Còn 47 hộ ngoài hành lang 50 m thì phường cũng đã cho người đến khảo sát, kiểm kê để khi công trình hoàn tất sẽ bồi thường thỏa đáng nếu nhà bị hư hại…” - ông Việt nói thêm.
Ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, cho rằng do phường Hòa Hiệp Bắc đã giải thích không rõ khiến dân hiểu nhầm dẫn đến có nhiều hộ bức xúc. “Vì quá trình đóng cọc diễn ra trong bốn tháng và được thi công theo kiểu cuốn chiếu, hễ tới đoạn nào là chúng tôi cấp tiền hỗ trợ cho bà con nên số tiền hỗ trợ mới chỉ hai tháng là vậy” - ông Hưng giải thích.