Sáng 3/8, hàng trăm người dân (có cả người già và trẻ nhỏ) ở hai thôn Gò Chè và Tiến Tiên thuộc xã Tân Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội gác toàn bộ công việc đồng áng, gia đình… cùng nhau kéo ra chân núi Thoong phản đối nhân viên Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai đến đóng cọc, căng dây thép khoanh mốc giới khu đất 10ha chuẩn bị cho việc xây dựng dự án nhà máy xử lý rác thải.
|
Người dân xã Tân Tiến dựng hai chiếc lán, căng bạt, ăn ngủ dưới chân núi Thoong nhằm phản đối dự án nhà máy xử lý rác thải. |
Theo những người dân ở xã Tân Tiến, họ có hành động như vậy bởi năm 2007, trong quá trình chôn lấp hàng nghìn tấn rác xuống chân núi Thoong, Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai đã để xảy ra sự cố bục bạt lót dưới đất dẫn đến rò rỉ nước thải ở ô chôn lấp số 2 gây chết hàng loạt hoa màu, lúa nước của người dân (múc đất, dải bạt, cho rác thải xuống rồi phun thuốc mới lấp đất). Một số người đi làm đồng gần khu vực nước thải khi về bị mắc bệnh hiểm nghèo.
|
Người dân xã Tân Tiến tập trung tại lán rất đông. |
Bà Nguyễn Thị Tơ (65 tuổi, người dân xã Tân Tiến) bức xúc, cho biết: “Trước đây, năm 2007, họ (Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai – PV) chôn hàng nghìn tấn rác thải bị bục, thủng ngầm rò rỉ ra ngoài từng gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến hoa màu, sức khỏe của người dân chúng tôi. Nguy hiểm hơn, sau sự cố nhiều người trong xã đã bị tử vong do mắc bệnh ung thư mà nguyên nhân từ nước thải gây nên".
"Hôm 3/8, công ty này bất ngờ cho người quay trở lại đóng cọc căng dây thép, còn tự ý treo tấm biển “khu vực cấm..” để chuẩn bị xây dựng dự án nhà máy xử lý rác. Hay tin chúng tôi vội ra phản đối, làm vậy chỉ nhằm bảo bệ sức khỏe, sự an toàn tính mạng của mình và của con em trong xã. Người dân chúng tôi kịch liệt phản đối việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải dưới chân núi Thoong”, bà Tơ cho biết thêm.
Dân bị “xã hội đen” hành hung, chửi thề, đẩy xuống mương nước
Người dân cho hay, khi thấy hàng trăm người dân xã Tân Tiến kéo ra chân núi Thoong, phía Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai đã “huy động” khoảng 70 người đàn ông xăm trổ, "hổ báo" ngồi trên 2 chiếc xe 45 chỗ cùng nhiều taxi đi vào tận chân núi Thoong và chửi thề, đuổi mọi người, xô đẩy cả cụ già xuống mương nước khiến một người bất tỉnh.
|
Nhiều người dân xã Tân Tiến cả già lẫn trẻ đều bức xúc trước việc hành hung, chửi thề, đẩy người xuống mương nước của nhóm "xã hội đen" sau khi họ dựng lán bạt phản đối xây dựng dự án nhà máy xử lý rác thải.
|
Clip người dân bức xúc trước hành động bạo lực của nhóm 70 người sau khi họ phản đối việc đóng cọc khoanh vùng đất dưới chân núi Thoong:
“Tôi bị một thanh niên bóp mạnh, tím cả tay. Tôi kêu lên “bỏ tao ra, tao muốn chết rồi đây này” nó mới bỏ và chạy lên phía bà Dinh (Nguyễn Thị Dinh) đồng thời giơ tay lên mặt và hô: “Tao đấm chết *** bây giờ. Bị bà Dinh chửi lại nó liền đẩy bà ấy xuống mương nước, bất tỉnh”, bà Nguyễn Thị Thanh (62 tuổi, người dân xã Tân Tiến) bức xúc, nhớ lại.
|
Bà Nguyễn Thị Thanh bức xúc và liên tục chỉ vết bầm tím do nhóm đối tượng gây nên vẫn còn in trên tay phải. |
Chính quyền xã nói gì?
Liên quan đến sự việc nêu trên, chiều ngày 5/8, PV Kiến Thức đã đến liên hệ và có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Mạnh – Chủ tịch UBND xã Tân Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
Ông Mạnh xác nhận: “Có sự việc người dân trong xã dựng lán dưới chân núi Thoong từ ngày 3/8 và đến nay (5/8)”.
Theo lý giải của ông Mạnh: Năm 2006, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã có quyết định phê duyệt đặt vị trí bãi xử lý chôn lấp rác tại xã Tân Tiến. Đến thời điểm này, khu đất là 10ha nằm trong dự án xây dựng nhà máy xử lý rác, được Hà Nội đầu tư kinh phí. Sở TN&MT đã tiến hành bàn giao đất cho đơn vị thi công là Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai. Đến ngày 3/8, đơn vị cho người xuống đóng cọc mốc giới khoanh diện tích đất thì nhân dân không đồng thuận nên kéo nhau đến.
|
Người dân mang vật dụng xoong nồi, bát đũa, gas, gạo... |
|
Nấu và sinh hoạt ngay dưới chân núi Thoong, túc trực cả ngày lẫn đêm. |
“Nhận được thông tin về sự việc, UBND xã phối hợp với Công an xã, Công an huyện Chương Mỹ vào nắm bắt tình hình. Người dân cho rằng, nhóm người kia là dân “xã hội đen” nhưng chúng tôi chỉ biết đó là giữa người với người và họ chưa có động thái gì. Chúng tôi đã tuyên truyền cho người dân hiểu rõ hơn, xây dự án thì phải lâu dài", ông Mạnh giãi bày.
Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, trước đó, năm 2007, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã bàn giao cho Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai 10ha đất tại khu vực dưới chân núi Thoong để thực hiện việc chôn lấp, xử lý rác thải của huyện Chương Mỹ, cùng các vùng lân cận. Trong giai đoạn 1, tổng diện tích đất là 2ha, Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai tiến hành đào hố chôn rác với công suất 20 nghìn tấn. Tuy nhiên, đến khi đào hố thứ 2, vừa chứa được khoảng 300 tấn rác thải thì xảy ra sự cố bục đáy, rò rỉ nước thải.
|
Hàng rào thép mà nhân viên Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai làm sáng ngày 3/8. |
Trước sự cố xảy ra, UBND TP Hà Nội đã đầu tư hơn 6,5 tỷ để khắc phục và hoàn thiện các hạng mục. Đến ngày 23/6/2009, được sự ủy quyền của UBND TP Hà Nội, UBND huyện Chương Mỹ cho phép khu xử lý rác núi Thoong hoạt động trở lại nhưng bị người dân ra ngăn cản không cho vào.
Theo Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, sau khi được phê duyệt tại khu đất dưới chân núi Thoong sẽ được tiến hành xây dựng dự án nhà máy xử lý rác thải công nghiệp. Tuy nhiên ngày 3/8/2016, khi thấy nhân viên của Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai bất ngờ đến đóng cọc, căng dây thép người dân tiếp tục ra căng bạt dựng 2 lán, góp nhau gạo, mắm, muối… mang máy phát điện, quạt ra tận nơi để sinh hoạt, ngăn cản.
Phía Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai đã tạm thời không cho công nhân viên làm việc nhưng vẫn cho người túc trực, theo dõi sát sao động tĩnh của người dân.