Trao đổi với báo chí chiều 16/6, trước việc các vụ cháy ngày cao tầng ngày càng nhiều, đại tá Nguyễn Văn Sơn (Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội) cho biết, TP sẽ mua trực thăng chữa cháy. Tuy nhiên, việc này nhưng còn tính toán thời điểm và hiệu quả chữa cháy.
"Hiện, những phương tiện dưới mặt đất trang bị cho các lực lượng phòng cháy chữa cháy cũng chưa đầy đủ. Nếu mua trực thăng phải cần kinh phí lớn, chế độ bảo trì tốn kém, chưa kể đến việc phải tính toán đến hiệu quả chữa cháy. Do vậy, nếu mua máy bay trực thăng có thể chưa hiệu quả bằng trang bị các phương tiện khác" - đại tá Sơn giải thích.
|
Đại tá Nguyễn Văn Sơn - Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội. Ảnh: K.A. |
Ông cho biết thêm, theo quyết định của Thủ tướng về xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy, Việt Nam sẽ xây dựng 3 trung tâm chữa cháy ở 3 miền. Các trung tâm này sẽ có máy bay trực thăng.
Theo đại tá Sơn, điều kiện hạ tầng phục vụ cho chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Hà Nội chưa đáp ứng kịp yêu cầu khi thành phố đang phát triển rất nhanh. Hơn nữa, giao thông thường xuyên ùn tắc, đường hẹp, ngõ ngách, dây điện nhằng nhít ảnh hưởng đến việc triển khai các phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ.
Ngoài ra, nguồn nước cho công tác này cũng còn thiếu. Nếu tính theo quy chuẩn cứ 150 m đường phải có một trụ nước cháy thì Hà Nội còn thiếu khoảng 8.000 trụ.
Cuối năm 2014, Cục Cảnh sát PCCC, Bộ Công an đề xuất trang bị 6 máy bay trực thăng cho 3 miền Bắc - Trung - Nam, trong dự thảo thông tư quy định tiêu chuẩn, định mức trang bị phương tiện PCCC, cứu nạn cứu hộ. Những máy bay này có niên hạn sử dụng trong 15 năm.
Theo dự thảo, mỗi đội chữa cháy cấp quận huyện phải có tối thiểu 2 xe chữa cháy. Đội trên sông, trên biển sẽ được trang bị một tàu và một xuồng chữa cháy. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long được trang bị thêm 2 cano chữa cháy mỗi đội.