Cho không, tặng không
Không chỉ Bình Phước, Bình Dương, Nha Trang… tình trạng xây mộ độc quyền mới khiến người dân bức xúc. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, nhiều cử tri cũng phản ánh người dân sống trong vùng quy hoạch không nhập được hộ khẩu dẫn đến việc không được chôn cất thân nhân ở nghĩa trang Long Hương.
|
Ảnh minh họa. |
Hay giá dịch vụ xây mộ tại Nghĩa trang Long Hương quá cao, gấp 3 lần thực tế và có hiện tượng độc quyền bao xây khiến người dân bức xúc.
Ngày 4/9, trả lời báo Đất Việt - ông Trương Quang Đại - Chủ tịch Hội đồng Quản trị -Tổng giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ Đô thị Bà Rịa phân trần: “hiện đơn vị quản lý còn không đủ tiền chi trả cho người bảo vệ, chăm sóc nghĩa trang do thiếu nguồn thu”.
Ở đây có hai câu chuyện, ông Đại nói, một là nghĩa trang Long Hương là nghĩa trang nhân dân, do vậy lâu nay mặt bằng đất là tặng không, miễn phí hoàn toàn chứ không thu một đồng nào của người dân.
Thứ hai, Công ty chỉ đảm nhận đào – lấp huyệt. Từ năm 2001, cũng có hiện tượng một doanh nghiệp tư nhân bao xây, độc quyền theo đơn đặt hàng. Theo phản ánh của người dân, do tình trạng độc quyền nên giá cả chi phí cho một ngôi mộ rất cao, thường chênh với giá thị trường tới 10-20%. Ví dụ, một ngôi mộ ốp đá ngoài thị trường chỉ có giá khoảng 30 triệu thì công ty tư nhân này xây dựng phải có giá hơn 40 triệu. Tùy theo loại đá Trung Quốc, đá Thái Lan hay đá Việt Nam mà có mức giá khác nhau. Do độc quyền, họ kiếm lợi rất lớn từ những đơn đặt hàng của người dân.
Tuy nhiên, từ năm 2008, khi Công ty Cổ phần dịch vụ Đô thị Bà Rịa tiếp quản quyền quản lý thì mọi việc đã thay đổi. Công ty không cho phép doanh nghiệp tư nhân độc quyền bao xây mà giao thẳng quyền lựa chọn, xây dựng cho chính người dân. Đơn vị quản lý chỉ đứng ra hướng dẫn người dân xây dựng theo tiêu chuẩn, quy hoạch, hỗ trợ điện, nước miễn phí 100%, giúp cho người dân tự xây.
Tất nhiên, vẫn có những gia đình thuê nhà thầu tư nhân vào làm dẫn tới tình trạng giá bị đội lên, rồi lại bức xúc.
Về mức giá đào – lấp huyệt, ông Đại cho biết giá rất rẻ. Ở vị trí khó, đất cứng, đào sâu khoảng 2m, rộng 3m, thường cần tới 2-3 người đào, giá cả cách đây vài năm là 600.000/một/ngôi mộ. Hiện giá cả hiện leo thang, đồng tiền mất giá nên mức giá này có thay đổi tăng lên khoảng 1,1-1,2 triệu/một/ngôi mộ. Cũng có những ngôi mộ gặp đất cát thì chỉ có 700.000 đồng/một/ngôi mộ. Số tiền này bao gồm cả tiền lấp mộ, vun đắp hoàn chỉnh cho ngôi mộ. Theo ông Đại, đơn giá này so với Đồng Nai, TP.HCM chỉ bằng một nửa. Như ở Sài Gòn, riêng đất phần mộ cũng đã lên tới hơn chục triệu, Đồng Nai 7-8 triệu/lô/đất.
Còn lại tiền bảo vệ, trông nom đang được đơn vị này làm công ích, miễn phí. “Hàng năm tôi vẫn dùng máy cắt, xăng dầu, phát quang miễn phí, không công… nhà nước không có gì bù đắp. Mọi khoản chi phí hiện chỉ dựa vào khoản tiền thừa sau khi đã trả công cho công nhân đào – lấp huyệt mộ. Khoản thu rất hạn chế, không đủ để chi trả”, ông Đại nói.
Vì thế, ông Đại cho rằng, đơn vị cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề trả công cho người bảo vệ, chăm sóc những mộ phần, trang hoàng đường đi… Xuất phát từ thực tế, cách đây khoảng 3 năm, đơn vị này đã có kiến nghị tới UBND, HĐND thành phố cho phép thu một khoản phí đất theo giá của Sở Tài chính quy định khoảng 2-3 triệu/lô/đất. Ông Đại vẫn đề nghị miễn phí với người nghèo, người có công với cách mạng… Số tiền này chi trả cho người trông nom, phát quang, chống cháy, hương khói, hoa đèn…
Ở đâu cũng vậy, tại sao không làm!
Theo vị Tổng giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ Đô thị Bà Rịa, nếu để cho người dân tự lựa chọn đơn vị xây dựng đúng là sẽ tạo tâm lý thoải mái, dễ chịu cho người dân. Tuy nhiên, nó lại xảy ra tình trạng người giàu, người nghèo, người sang kẻ hèn dẫn tới những hình ảnh nhấp nhô, cao thấp, mộ láng xi măng, mộ dùng đá đắt tiền, rất xấu xí, mất mĩ quan.
Đây cũng là vấn đề bất cập vì hiện nay nghĩa trang Long Hương đã được quy hoạch. Vì vậy, ông Đại cho biết, đang xây dựng một quy chế quản lý mới để trình UBND tỉnh. Theo quy chế mới này, công ty vừa đảm nhận trông nom, vừa cung cấp dịch vụ đào – lấp huyệt mộ đồng thời sẽ bao xây toàn bộ không cho đơn vị tư nhân nào tham gia, gây lộn xộn trong nghĩa trang.
Theo quy chế quản lý này, tất cả các ngôi mộ cũng sẽ được điều chỉnh xây dựng theo một kiểu. Từ chiều cao, màu sắc, diện tích đều phải giống nhau. Ông Đại cho rằng, hầu hết tất cả các nơi họ đều làm như vậy, rất đẹp. Bà Rịa cũng nên học cách làm của họ.
“Hiện nay hàng lối vẫn thẳng nhưng mộ thấp, mộ cao, mộ giàu, mộ nghèo, rất mất mỹ quan”, ông Đại nhắc lại.
Trước câu hỏi, nếu công ty bao xây toàn bộ liệu có xảy ra tình trạng độc quyền chỗ chôn rồi lại ép giá người dân như Bình Phước, Bình Dương, ông Đại khẳng định: “Đảm bảo giá sẽ vô cùng rẻ”.
Ông Đại cho biết, trước mắt vẫn nghe ngóng nguyện vọng, yêu cầu của người dân vì dân ở đây còn nghèo. Do đó, có thể chỉ là láng xi măng, hoặc có thể dán đá loại trung bình để người dân có thể chấp nhận được.
Theo khảo sát của ông Đại, nếu đảm nhận bao xây như vậy, giá cả sẽ thấp hơn so với Bình Dương, Đồng Nai tới khoảng 70%. Tức là giá một ngôi mộ đạt chuẩn, có quy hoạch, có kiến trúc thẩm mỹ chỉ rơi vào khoảng 7 - 8 triệu, bao gồm toàn bộ từ đào – lấp, bao xây, có bồn hoa. Nếu dán đá, mức giá sẽ cao hơn một chút.
Ông Đại vẫn băn khoăn, có những gia đình chỉ làm xi măng, hoặc chỉ xây bao thôi… đối với những trường hợp này ông Đại cho biết sẽ cố gắng chia sẻ, khống chế chiều cao.
Ông Nguyễn Văn Hoàng - Chủ tịch UBND thành phố Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho biết, nghĩa trang Long Hương là nghĩa trang nhân dân chỉ phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh. Do người mỗi ngày một đông, diện tích đất thì hẹp vì vậy Vũng Tàu phải đưa ra quy định như vậy nhằm hạn chế người ngoại tỉnh đưa người thân vào chôn cất, mai táng trong nghĩa trang Long Hương.
Ông Hoàng cho biết thêm, cũng đang kiến nghị được thu phí đất nghĩa trang vì hiện nay, đất đang miễn phí, tiền bảo vệ, trông nom vẫn đang được lấy từ quỹ ngân sách của địa phương. Tuy nhiên, đề xuất này chưa được HĐND tỉnh thông qua.