Cái giá quá đắt
Tại nhà giáo dục của Phân trại K1, Trại giam Cái Tàu (thuộc Tổng cục VIII - Bộ Công An), đóng trên địa bàn huyện U Minh, tỉnh Cà Mau khi tôi đang trò chuyện cùng một cán bộ quản giáo thì một nam phạm nhân được đưa đến. Theo lời dặn của cán bộ, anh phạm nhân ngồi im lặng lẽ chờ đợi.
|
Phạm nhân Nguyễn Thanh An |
Tôi có liếc qua nhìn thì thấy đó là một người đàn ông gương mặt trông khá lành, thỉnh thoảng cười, nụ cười rất hiền, thân thiện, cứ nghĩ anh chỉ phạm tội nhẹ, trộm cướp hay phạm tội về kinh tế, chẳng hạn. Thế nên đến lúc ngồi đối diện, nghe anh nói: “Tôi phạm tội Giết người, mức án Chung thân”, tôi khá bất ngờ.
“Tôi tên Nguyễn Thanh An, sinh năm 1975, ở xã Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Phạm tội ngày 24/6/2011, xét xử vào tháng 12/2011, thụ án đến ngày 25/6 tới là vừa tròn 5 năm…”, phạm nhân nhớ rõ những thông tin trong hồ sơ của mình, tuy nhiên khác nhiều phạm nhân là anh kể rành rọt, nói năng lưu loát từng câu từng chữ.
“Khi gây án, tôi làm thầy giáo!” câu nói của phạm nhân khiến tôi không khỏi bất ngờ. “Tôi là hiệu trưởng, Trường Tiểu học C xã Phước Long”, một lần nữa anh làm tôi khựng lại.
Thấu hiểu cảm giác của người đối diện, giọng anh chùng xuống, đôi mắt tràn ngập sự tự ti, mặc cảm ẩn giấu cả niềm ăn năn, sự ám ảnh khi nhắc lại hành vi tội ác của mình.
Hồ sơ vụ án hiệu trưởng cứa cổ đồng nghiệp đến chết thể hiện, chiều ngày 24/6/2011, tại phòng thư viện Trường tiểu học C xã Phước Long, Nguyễn Thanh An khi đó là hiệu trưởng cùng thầy Trần Việt Triều (SN 1984), làm công tác văn thư, và thầy giáo chủ tịch công đoàn Bùi Thanh Đẳng (SN 1982) có gọi bia về nhậu. Uống một chặp, thầy Đẳng say sớm nên lên võng nằm còn hai đồng nghiệp vẫn nhậu tiếp.
Khi chỉ còn hai người, thầy Triều đưa ra 1 đề toán cấp 3, bảo thầy hiệu trưởng An giải nhưng thầy An giải không ra. Lúc này, thầy Triều mới chê: “Làm lãnh đạo, quản lý mọi mặt mà bài toán cấp 3 giải không ra!”.
Thầy An bị mất mặt, biết thầy Triều cố tính gài mình nên cự lại, hai người lời qua tiếng lại. Bất thình lình, thầy An chụp lấy con dao phay làm bếp trước đó dùng để gọt hoa quả, lao đến cứa cổ thầy Triều. Bị tấn công bất ngờ, lại có men rượu, thầy Triều không kịp né tránh cũng chẳng kịp bỏ chạy. Trong khi đó, thầy Đẳng nghe tiếng kêu cứu lao vào can ngăn thì bị đứt tay, đành phải buông ra.
Gây án xong, nhìn cấp dưới gục trên vũng máu, thầy An mới hoảng loạn, vứt dao bỏ chạy tìm nơi lẩn trốn. Lúc này người dân hay tin kéo đến nơi thì thầy Triều đã tắt thở, thầy Đẳng bị thương ở tay và đầu được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Không ai ngờ, chỉ sau một lời thách đố, hai người thương vong, kẻ mang danh hiệu trưởng lại thành sát nhân khiến cả xã, cả huyện chấn động, bàng hoàng.
Sau này, khi tìm hiểu thêm về vụ việc của Nguyễn Thanh An, tôi mới biết rằng, khi vụ án xảy ra, nhiều người dân địa phương đã phải thốt lên rằng: “Trời ơi, tại sao một hiệu trưởng hiền hậu, hòa đồng, giỏi giang lại cầm dao cứa cổ đồng nghiệp?” Câu hỏi đó, lúc ở trại giam, tôi đã có hỏi An, nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng và cả ân hận.
Phạm nhân An kể, sau khi gây án xong, anh không còn biết gì nữa, chân không chạy ra nổi khỏi trường, lao vào một vườn hoang rậm rạp cách đó mấy trăm mét, chui tọt vào bụi cây ngồi trốn, sợ hãi tột độ. Lúc nhìn xuống tay thấy ướt lạnh mới biết mình bị thương ở tay, cổ, máu chảy thành dòng, vội hái lá cây nhai đắp lên.
Ngồi khúm núm trong bụi cây, run như cầy sấy, có lúc lả đi vì men bia, vì mất máu nhưng chốc chốc vẫn giật mình, ớn lạnh vì những gì mình gây ra. Sợ bị bắt tù, sợ đối mặt với mọi người, An nín thinh ngồi một chỗ suốt đêm. Đến sáng ngày hôm sau, khi người không còn men bia, nghĩ không còn nước nào khác, An chui ra, đi gặp người thân rồi được đưa đi đầu thú.
Tháng 12/2011, trong phiên tòa xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Bạc Liêu tuyên phạt Nguyễn Thanh An mức án tù chung thân về tội Giết người, đồng thời buộc bị cáo bồi thường cho gia đình bị hại 165 triệu đồng. Sau ngày xét xử, An được đưa về chấp hành án tại Trại giam Cái Tàu, đến nay vẫn giữ nguyên mức án tòa tuyên.
Gieo chữ sau song sắt
An tâm sự, 5 năm qua, chưa khi nào anh thôi tiếc nuối, ân hận về những việc làm gây ra. Gia đình anh vốn là gia đình có truyền thống cách mạng, có bố tham gia kháng chiến chống Mỹ. Bản thân anh ngay từ bé đã phấn đấu học tập, trải qua rất nhiều cố gắng mới trở thành hiệu trưởng một trường tiểu học, đang công thành danh toại, thế mà…
Điều nữa, nguyên nhân phạm tội của anh lại hoàn toàn không đáng có, chỉ vì một phút nóng giận nhất thời, không kiềm chế được bản thân để rồi gây nỗi đau cho nhiều người và cả chính gia đình mình. Ngày anh bị bắt, vợ anh khóc hết nước mắt vẫn không thể hiểu vì sao lại xảy ra cơ sự, hai đứa con anh, bé trai hơn 10 tuổi, bé gái 5 tuổi vẫn còn quá ngây thơ để biết nỗi bất hạnh gia đình.
Sau thời gian dài trong trại, Nguyễn Thanh An trước mặt tôi lúc này vẫn hồn hậu, giọng nói lịch sự, nhỏ nhẹ, có lẽ chẳng khác mấy so với anh hiệu trưởng năm xưa. Có khác, có lẽ chỉ tâm thế của một người tù, trải qua biến cố, giờ khát khao từng giây từng phút được làm người có ích. Mà đâu phải đợi đến khi tự do, ngay trong trại giam, An đã làm được nhiều việc ý nghĩa.
Năm 2012, khi phân trại K1 mở lớp xóa mù chữ cho các phạm nhân, An được giao nhiệm vụ đứng lớp, dạy cho số phạm nhân này. “Tôi có chút kiến thức sư phạm nên tham gia dạy lớp xóa mù chữ cho phạm nhân, kiểu như người biết chữ dạy cho người không biết chữ. Từ đó đến nay tôi đã giúp được cho hơn 200 phạm nhân có được cái chữ rồi”, anh An kể.
|
Phạm nhân Nguyễn Thanh An ở Trại giam Cái Tàu |
Công việc ngày ngày đứng lớp, với bảng đen phấn trắng, dạy bạn tù đọc từng chữ cái A B C… cầm tay bạn tù đi từng nét chữ trong trại giam cho An rất nhiều cảm xúc, kỷ niệm vui buồn. Buồn là bởi mỗi khi ấy, anh lại nhớ về quá khứ tươi đẹp của mình, về ngày xưa mình cũng là thầy. Hay một chút buồn bực mỗi khi gặp phải những phạm nhân lười biếng, trốn học, không chịu chí thú học hành.
Nhưng đổi lại, công việc gắn bó, gần gũi với những “học trò” đủ mọi lứa tuổi, già có trẻ có trong trại giam cũng cho anh nhiều niềm vui khó tả. “Nhiều phạm nhân học xong biết viết thư cho gia đình, họ khoe với tôi, họ còn viết sai chính tả lắm, nhưng nhìn họ vui tôi cũng vui lắm. Có một anh được tôi dạy chữ, đến ngày ra trại thì mừng lắm, chạy đến bắt tay, cảm ơn rối rít. Hỏi sao cảm ơn tôi, ảnh bảo nhờ “thầy” mà tôi biết chữ, nay mai về nhà tôi biết hát karaoke…”, An kể.
Hàng tuần, ngoài những buổi đứng lớp dạy học, khi phân trại tổ chức những buổi giáo dục văn hóa, pháp luật, nội quy trại giam cho phạm nhân, An được giao nhiệm vụ phụ công việc sắp lớp, chuẩn bị bàn ghế, chỗ ngồi, tài liệu học tập cho phạm nhân. Dù là mọi công việc gì, khi được giao anh cũng ráng hoàn thành tốt, vừa giúp đỡ phạm nhân vừa phấn đấu để được giảm án, sớm về với gia đình.
Với anh, có rất nhiều niềm động lực thôi thúc và sự kỳ vọng, đó là gia đình nơi bố mẹ già ngóng đợi, là người vợ hiền một mực thủy chung, là hai đứa con ngoan, đứa lớn học lớp 11, đứa nhỏ học lớp 4, luôn chăm ngoan học giỏi. Là sự cảm thông thấu hiểu của bạn bè đồng nghiệp, người dân và ở chốn trại giam nơi đây, từng ngày từng giờ, là sự chia sẻ động viên của cán bộ quản giáo lẫn các bạn tù.
“Ngày được ra trại, tôi sẽ đến gặp gia đình nạn nhân để xin lỗi, có điều kiện sẽ giúp đỡ họ. Cái nữa, là hi vọng ba mẹ tôi, nay đã ngoài 65 tuổi rồi, sống đến ngày tôi về để tôi chăm lo, phụng dưỡng. Nữa là sẽ kiếm một việc gì đó làm để lo kinh tế gia đình, lo cho vợ con, bù đắp lại những thiệt thòi mà tôi gây ra cho mọi người”, An tâm sự phút chia tay.