Vào lúc 21h tối 11/3, ông Nguyễn Đức Chính – Chủ tịch tỉnh Quảng Trị thông tin, chiếc cần cẩu đã được đưa vào đường ray và chuẩn bị di chuyển về ga Diên Sanh (huyện Hải Lăng).
Đến 21h30, chiếc cần cẩu đã được các đơn vị cứu hộ di chuyển khỏi hiện trường bằng đường ray. Dự kiến, cần cẩu này sẽ được đưa về ga Diên Sanh (Hải Lăng) cách đó chưa đầy 10km. Các biện pháp an toàn đang được thực hiện để đảm bảo thông tuyến đường sắt trong tối ngày 11.3.
|
Cần cẩu được đưa vào đường ray và thu ngắn lại lúc 20h45.
|
Đến 19h cùng ngày, cán bộ và công nhân vẫn đang nỗ lực đưa cần cẩu vào lại đường ray. "Chúng tôi đã tính đến phương án gạt luôn chiếc cần cẩu này ra khỏi đường ray" - ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch tỉnh Quảng Trị, cho biết.
18h00: Chiếc cần cẩu bị đổ nghiêng trong quá trình cứu hộ tàu SE5 gặp tai nạn đã được đưa lên đường ray vào khoảng 15h chiều 11.3. Nhưng đến khoảng 17h chiều cùng ngày, chiếc cần cẩu này bị lật nghiêng, công tác thông tuyến đường sắt tiếp tục đình trệ.
Việc cứu hộ đang trở lại ban đầu khi cần trục bị nghiêng 45 độ về hướng ngược với sáng nay.
|
Cần cẩu lại trật đường ray, việc thông tuyến đường sắt Bắc - Nam bị kéo dài. Ảnh: Hưng Thơ.
|
15h07: Xe cần cẩu đã khớp vào đường ray. Tại hiện trường, mọi người đều vui mừng, phấn khởi vì công tác cứu hộ đã tiến triển tốt đẹp. Cơ quan chức năng chuẩn bị thông tuyến đường sắt Bắc Nam.
|
Phần đầu của xe cầu đã khớp vào ray. Ảnh: Lâm Hưng Thơ
|
14h40: Xe cẩu đã khớp 1 đầu vào đường ray. 3 cần cẩu tiếp tục kéo đầu còn lại.
14h30: Tại Đà Nẵng, hành khách vật vờ đợi!
Theo ghi nhận của PV Phước Bình tại ga Đà Nẵng lúc 14h30, hàng trăm hành khách đang vật vờ ngồi đợi tàu. Trong số đó, có nhiều người nản lòng, ra về, nhưng không quên lấy số điện thoại của nhân viên quầy đợi tàu để tiện liên lạc và biết chính xác giờ nào tàu đến ga Đà Nẵng.
|
Hành khách kiên nhẫn đợi tàu tại ga Đà Nẵng.
|
Không khí tại phòng đợi tàu có phần yên tĩnh, nhiều người theo dõi thông tin báo chí, biết được sự cố tàu lửa đâm ô tô tải nên không thắc mắc nhiều khi trễ tàu.
Hành khách đang đợi tàu không có mặt tại ga Đà Nẵng có thể liên lạc qua số điện thoại 05113823810, để nhân viên quầy đợi tàu cho biết thời điểm các tàu sẽ dự kiến về đến ga Đà Nẵng.
Cũng theo ghi nhận, thời điểm hiện tại vẫn chưa có thông tin chắc chắn gì về những tàu sẽ về đến ga Đà Nẵng trong thời gian cụ thể. Tại Quầy bán vé, đã có một số hành khách đến để xin được trả vé tàu...
14h15: Tài xế ôtô cố tình vượt đèn cảnh báo có tàu
Liên quan đến vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng ở Quảng Trị khiến lái tàu tử vong, trao đổi với PV Báo Lao Động - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia - Khuất Việt Hùng cho biết đây là vụ tai nạn đường sắt rất nghiêm trọng, Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị khẩn trương cứu hộ, khắc phục hậu quả vụ tai nạn này.
Cũng theo ông Hùng, ngay sau khi vụ TNGT xảy ra, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã chỉ đạo Ban QLDA 6 (Bộ GTVT) và các đơn vị thi công trên địa bàn tỉnh Quảng Trị điều 2 xe cẩu 100 tấn đến cứu hộ. Nguyên nhân ban đầu được nhận định là do lái xe ôtô cố tình vượt đường ngang khi có tín hiệu báo có tàu hỏa vì đây là khu đường ngang có tín hiệu đèn, thời điểm đó đèn tín hiệu báo có tàu hỏa, nhưng lái xe vẫn cố tình vượt qua, dẫn đến vụ tai nạn nghiêm trọng này.
Uỷ ban ATGT Quốc gia: Tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt
Uỷ ban ATGT Quốc gia vừa có công văn số 80 /CV-UBATGTQG, gửi Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua yêu cầu siết chặt các biện pháp bảo đảm trật tự, ATGT đường sắt. Theo đó, trong thời gian qua, tình hình TTATGT đường sắt diễn biến phức tạp, tai nạn đường sắt có chiều hướng gia tăng. Riêng 9 ngày tết Nguyên đán Ất Mùi đã xảy ra 10 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 9 người, bị thương 3 người.
Các vụ tai nạn đường sắt xảy ra chủ yếu tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt (đường ngang), nhất là đường ngang dân sinh. Nguyên nhân gây tai nạn phần lớn do người tham gia giao thông đường bộ không chấp hành đúng các quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ khi vượt qua đường sắt.
Để ngăn chặn tình trạng này, bảo đảm TTATGT đường sắt, Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị Bộ GTVT, Ban ATGT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đường sắt đi qua và TCty Đường sắt Việt Nam tăng cường giám sát việc thực hiện quy trình, quy phạm ATGT đường sắt của đội ngũ nhân viên gác đường ngang; thường xuyên kiểm tra hoạt động của các thiết bị an toàn trên hệ thống đường ngang; bố trí cảnh giới tại các đường ngang có tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn; tuyên truyền hướng dẫn quy tắc an toàn giao thông đường bộ khi vượt đường sắt cho người tham gia giao thông. Rà soát các vị trí đường ngang không người gác (đường ngang cảnh báo tự động, đường ngang biển báo) để cắm biển báo hiệu phù hợp, tổ chức giải tỏa bảo đảm tầm nhìn cho cả hai phía đường bộ, đường sắt; nâng cấp, cải tạo các đường ngang tạo bề mặt lối đi bằng phẳng, êm thuận; cắm đầy đủ biển báo hiệu, làm gờ giảm tốc trên đường bộ địa phương quản lý. Đồng thời khẩn trương phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị khẩn trương khắc phục hậu quả vụ tai nạn, sửa chữa đường sắt bảo đảm thông tuyến trong thời gian sớm nhất; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ động viên gia đình nạn nhân tử vong và nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn xảy ra tối 10.3.2015.
Hiện Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã chỉ đạo khẩn trương khắc phục sự cố, thăm hỏi, hỗ trợ các trường hợp bị nạn. Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp vi phạm an toàn giao thông đường bộ dẫn đến vụ tai nạn nghiêm trọng này.
14h05: Một phần máy cẩu đã khớp vào đường ray.
13h47: Chiếc cần cẩu đang được đội cứu hộ kéo lên nhưng chưa khớp vào đường ray.
|
Chiếc cần cẩu bị lật đang được kéo lên.
|
13h30: Chiếc cần cẩu bị lệch vẫn chưa được di chuyển. Hàng trăm người dân hiếu kỳ kéo đến chứng kiến việc di chuyển chiếc cần cẩu.
Đến 13h cùng ngày, 3 toa tàu đã được đưa ra khỏi đường ray. Tuy nhiên, cần cẩu bị lật vẫn nằm dọc trên đường ray. Cơ quan chức năng đã huy động 3 cần cẩu, kết hợp để di chuyển cần cẩu bị lật. Nhưng hiện tại, vẫn chưa thực hiện được. Giữa trưa nắng, cả trăm cán bộ, công nhân nỗ lực thông tuyến đường sắt.
Sáng nay, ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị trao đổi với Báo Lao Động cho biết việc cứu hộ gặp trục trặc khi cần trục cứu hộ của đường sắt Việt Nam vừa được điều đến đã bị lật. "Chúng tôi đã xin ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, tiếp tục điều thêm 2 cần cẩu nữa để nỗ lực thông tuyến trước 12h trưa nay (11.3)".
|
Chiếc cần cẩu bị lật vẫn chưa được di chuyển.
|
Hiện, các toa tàu bị lệch khỏi đường ray, nằm vắt ngang hướng ra QL1A đã cản trở việc lưu thông của tuyến đường sắt. Những hành khách đi trên tàu SE5 sau một đêm nghỉ ở ga Thị xã Quảng Trị, sáng nay đã được vận chuyển bằng xe ôtô đến ga Mỹ Chánh, lên tàu SE8 để tiếp tục hành trình.
Ghi nhận tại ga Thị xã Quảng Trị, hàng trăm người mang theo hành lý, chen chúc nhau ở sân ga. Nhiều người già và trẻ em tỏ ra mệt mỏi. Lịch trình bị trục trặc, nhưng được sự quan tâm của chính quyền và cơ quan chức năng, hành khách không phàn nàn gì. Anh Nguyễn Trường Thọ - trưởng tàu SE5 cho biết: "Có tất cả 583 hành khách. Do hiện trường vụ tai nạn vẫn tắc. Nên chúng tôi phải sắp xếp vận chuyển từng người đến ga Mỹ Chánh để tiếp tục hành trình" - anh Thọ, nói.
Tại hiện trường, cơ quan chức năng đã nhóm họp và quyết định cho hai xe cần cẩu vừa điều đến tiếp tục việc di chuyển 2 toa tàu đang nằm chắn ngang đường ray.
|
Chiếc cần cẩu cứu hộ bị lật. |
Trước đó, LĐO đã thông tin, vào 21h45 tối hôm qua (10.3), tàu hỏa SE5 đã đâm vào một xe ôtô tải chở vật liệu xây dựng. Hậu quả, tài xế tàu hỏa thiệt mạng và mắc kẹt trong cabin. Lái phụ tàu hỏa và tài xế xe ôtô tải bị thương nhập viện. Rất may, hành khách trên tàu chỉ có vài người bị thương nhẹ.
Trước đó, vào lúc 21h45 tối hôm qua (10.3), tàu SE5 chạy hướng bắc – nam khi đến Km639 (thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) đã đâm vào ôtô tải mang BKS 75C-031.99 chở vật liệu xây dựng.
Cú va chạm mạnh phát ra tiếng nổ rất lớn, khiến 2 toa tàu bị trật khỏi đường ray, đầu tàu hỏa đứt lìa, chạy theo đường ray về phía trước khoảng 2km. Chiếc xe ôtô tải chở vật liệu xây dựng bị tàu hỏa đâm bên hông, đứt ra làm hai.
|
Hành khách trên tàu SE5 lấy hành lý, rời khỏi các toa tàu.
|
|
Xe khách được huy động, nhưng mỗi chuyến chỉ vận chuyển được dưới 2 người.
|
Tại hiện trường đêm 10.3, 1 toa tàu nằm nghiêng bên đường ray, toa còn lại nằm vuông góc với QL1A, cả hai toa đều hư hỏng nặng. Đầu tàu hỏa bị biến dạng, lái chính của tàu – ông Lê Minh Phú (54 tuổi, quê ở Thừa Thiên – Huế) bị mắc kẹt và thiệt mạng trong cabin, lái phụ tàu hỏa cũng bị thương nặng. Xe ôtô tải bị cắt lìa làm hai và biến dạng, một số phụ tùng và bộ phận trên xe văng tứ tung, lái xe tải bị thương nặng, đã được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Trung ương Huế.
Cả trăm hành khách trên các toa tàu náo loạn đập cửa kính chui ra ngoài sau cú va chạm. Rất may, chỉ có 2 hành khách bị thương nhẹ, đã nhập viện kiểm tra. Anh Nguyễn Quang Thiện (32 tuổi, trú tại Kim Sơn, Ninh Bình) cho biết: “Tôi đi vào Sài Gòn, ngồi ở ngay toa 1. Tàu đang chạy bình thường, bỗng cả toa giật mạnh, tư trang rơi xuống như động đất, ai cũng hoảng loạn”. Sau phút giây định thần, hành khách và các toa tàu đã được kéo về ga Thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị).
Có mặt tại hiện trường vụ tai nạn, ông Nguyễn Quân Chính – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị cho biết, việc bảo vệ hiện trường, cấp cứu người bị nạn và xử lý sự cố được gấp rút triển khai. “Chúng tôi huy động rất đông lực lượng chức năng để giải quyết vụ việc được nhanh chóng. Theo yêu cầu của gia đình, thi thể của người điều khiển tàu SE5 đã được xe cấp cứu đưa vào Huế. Hiện hành khách trên tàu tâm lý đã ổn định” – ông Chính, nói.
Hiện nguyên nhân vụ tai nạn nghiêm trọng trên đang được cơ quan chức năng điều tra.
|
Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra giữa tàu hỏa và ôtô tải.
|