Hơn 30 năm trong nghề, ông chẳng còn nhớ nổi mình đỡ được bao nhiêu ca đẻ nữa. Có những gia đình, ông bác sỹ đỡ đẻ đến 3 thế hệ: bà, mẹ, rồi con. Người dân gọi ông bằng cái biệt danh khá lạ lẫm: “ông Xây đỡ” hay “ông Xây ngựa”…
Chiếc phong bì… ngược
Ngược Hà Nội chừng 50 kilômét, chúng tôi có mặt tại Trạm y tế xã Bá Hiến (huyện Bình Xuyên – Vĩnh Phúc) khi những cơn mưa xuân rây rắc báo hiệu một mùa xuân tràn đầy tươi mới và ấm áp. Vào liên hệ công tác, chúng tôi được cô nhân viên trạm y tế cho biết: “Các anh phải chờ thôi, vì bác Xây vừa vào phòng đỡ. Vừa có một ca đang đẻ ạ.”.
Sau tiếng khóc oe oe từ phía phòng mổ, tiếng động viên, chúc mừng “con trai nhé, những 3,3 kilôgam cơ đấy. Người nhà sản phụ Phan Thị Dâu đâu? Vào bế con” – cũng là lúc chúng tôi được mục sở thị ông bác sỹ đỡ đẻ biệt danh“ông Xây ngựa”.
|
Ông "Xây Ngựa" trong một ca nghe thai nhi. |
Gạt những giọt mồ hôi còn lấm tấm trên gương mặt đã hằn ngang, dọc những nếp nhăn, “Ông Xây ngựa” chia sẻ: “Ở chỗ tôi có điều khá lạ nhà báo ạ, chẳng hiểu sao, 30 năm làm nghề, phần lớn tôi thấy sản phụ toàn đẻ về đêm. Chắc tại quê tôi nghèo, ngày trước toàn trồng khoai, sắn nên các cặp vợ chồng phải ăn khoai nhiều. Ăn khoai thì nóng bụng, đêm không ngủ được chăng?”. Sau lời lý giải đầy hóm hỉnh, ông cười khà khà, tiếng cười sảng khoái, âm hưởng khác hẳn với cái tuổi 55 vốn có của ông.
Vừa rót chén trà mời khách, ông “Xây đỡ” vừa lật cuốn sổ ghi chép và không quên xin lỗi khách vì phải vào sổ kẻo công việc nhiều quá rồi lại quên. Ông kể, sản phụ Phan Thị Dâu là thế hệ thứ ba mà ông đỡ đẻ.
Hồi mới ra trường, về làm việc tại Trạm y tế quê nhà, tuy được phân công vào một vị trí khác nhưng do neo người nên mỗi khi có ca đẻ, các y, bác sỹ ở đây lại phải gọi ông vào giúp việc. Bà ngoại của sản phụ Dâu ông không đỡ chính thức nhưng cũng thuộc ê kíp đỡ ngày ấy. Rồi sau này mẹ đẻ Dâu và giờ đến Dâu. Những thế hệ cứ nối tiếp nhau như thế.
|
Sau khi thăm khám cho sản phụ, ông "Xây ngựa" vẫn tất tả như hơn 30 năm về trước, khi ông mới vào nghề. |
Đang trò chuyện với chúng tôi thì có tiếng gõ cửa. Gia đình sản phụ xin được gặp riêng “ông Xây”, sau những hồi dặn dò, anh trở vào với chiếc phong bì trên tay. Ông nói như phân bua: “Khổ thế đấy các chú ạ. Không nhận thì người ta giận, nói là mình “khinh” người ta nghèo. Nhưng nhận thì không được, gia đình họ cũng khó khăn mà. Sản phụ này cùng xã với tôi, nhưng lấy chồng xã bên. Từ khi mang bầu đứa đầu tiên đến đứa này, mỗi lần sinh nở cứ nằng nặc đòi bằng được gia đình phải sang đây đẻ, phải “ông Xây ngựa” đỡ đẻ mới được cơ. Lạ thế đấy.”
Chỉ vào chiếc phong bì mà người nhà sản phụ đưa, ông bày tỏ: “Phải nhận thôi, nhưng xử lý thế nào là do mình. Mình không cầm, họ cho rằng mình coi khinh họ là nông dân, không có tiền. Còn mình là bác sỹ, lương tâm không cho phép. Những người dân họ lam lũ lắm, kiếm được đồng bạc đâu phải dễ. Hơn nữa cái ranh giới ấy chỉ mong manh và dễ làm con người ta “hư hỏng” lắm”.
Tuy nhiên, việc ông nhận chỉ là chiều lòng người nhà bệnh nhân hay sản phụ có việc phải nhờ cậy vào y, bác sỹ nhưng sau đó, bằng biện pháp của riêng ông như mua sữa cho con sản phụ hay mua thêm cái gì đó cho sản phụ ăn thêm để bồi bổ lấy sức, lấy sữa cho con bú... “Thế là gia đình cũng chẳng trách được mình. Cũng chẳng thể từ chối. “Cái ấy là ông cho con, cho các cháu cơ mà. Miếng võ này, tôi áp dụng mãi rồi, nhưng chưa có một trường hợp nào phát hiện ra.” – Ông Xây cười một cách sảng khoái, bật mí với chúng tôi.
Lãnh đạo 30 năm vẫn làm ông đỡ
Hơn ba mươi năm trong nghề, thì 29 năm ông làm Trạm trưởng của Trạm y tế xã Bá Hiến. Nhìn những tấm bằng khen treo ngay ngắn trên tường nhà, rồi phòng làm việc. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, ông bảo: “Tổng cộng là 25 chiếc đấy. Quý giá và vinh dự nhất đến giờ phút này là tấm bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế tặng năm 2007. Vinh dự lắm các chú ạ. Ngoài tấm bằng khen ra, tôi còn được hỗ trợ đến hai triệu đồng tiền thưởng đấy. Bà xã chạy ra chợ, cũng sắm được ối thứ. Ngày ấy đồng tiền nó có giá lắm.”.
Khi chúng tôi đem thắc mắc: Tại sao anh có cái biệt danh là “Ông Xây ngựa” hay “Ông xây đỡ”? Ông cười, giải thích: “Thì cả cái xã này, rồi một số xã lân cận nữa. Họ đặt cho tôi vậy, nên quen miệng gọi ấy mà.”.
|
Có những gia đình, ông đỡ đẻ cho đến 3 thế hệ: Bà, mẹ, rồi con. Và cái biệt danh ông "Xây ngựa" hay "Xây đỡ" được người dân quen gọi. |
Ông kể, cách đây gần hai mươi năm, lúc đó Trạm y tế còn yếu và thiếu lắm. Nhà ông lại gần trạm, có tối đang ngủ thì ngoài trạm gọi với vào: “Anh Xây ơi, đỡ giúp mẹ cháu nó với” thế là ông lại vội bung cửa, tất bật chạy ra trạm. Có lần, vừa từ Trạm về, đang ăn dở bát cơm thì có ca đẻ. Vì nhà cách mấy sào ruộng nên chạy tắt cánh đồng cho nó nhanh. Đỡ đẻ xong, khi mẹ đã tròn, con đã vuông rồi, về đến nhà mẹ mới hỏi: “Mày đánh nhau hay sao mà người toàn bùn đất thế Xây?”. Lúc này ông mới nhìn lại hình hài mình. Do chạy vội quá, lại chạy tắt qua ruộng nên bùn bắn tung cả lên đầu, lên áo.
Năm 1997, khi đang trực ở Trạm, thì một người đàn ông hớt hải chạy ra báo “người nhà đau bụng đẻ, đau lắm, ra nhiều máu nữa”, thế là ông tất tả chạy vào. Xem qua tình hình, ông biết sản phụ bị băng huyết mà trạm y tế thì không đủ khả năng để xử lý tình huống. Ông về nhà, lấy cái xe đạp rồi cùng gia đình người dắt, người đỡ đưa sản phụ lên tuyến trên. Và dường như mọi cái biệt danh “Ông Xây đỡ” hay “Ông Xây ngựa” được bắt đầu từ những việc làm ấy.
Ngồi một lúc, ông bảo: “Các chú chờ tôi tẹo nhé, tôi phải xuống thăm mẹ con sản phụ Dâu tẹo đã”, rồi ông nháy mắt với chúng tôi “áp dụng miếng võ bí truyền vẫn dùng xưa nay” kẻo ngày mai, họ ra viện về mất….