Hãng thông tấn AP của Mỹ hôm 28/9 đăng tải cuộc phỏng vấn với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phản bác Trung Quốc khi khẳng định rằng việc Trung Quốc bồi lấp, xây dựng trái phép đảo nhân tạo ở biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa an ninh hàng hải.
|
Chủ tịch Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc ngày 25-9 Ảnh: REUTERS |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trả lời phỏng vấn AP bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York. "Biển Đông thực sự là một điểm nóng của khu vực và thế giới vào thời điểm này. Trong năm qua, Trung Quốc đã thực hiện việc bồi lấp quy mô lớn các đảo nổi để biến chúng thành những đảo lớn” – Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết.
Dẫn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: “Chúng tôi tin rằng những hành động này của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế… Đồng thời hành động của Trung Quốc còn vi phạm Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với ASEAN năm 2002”.
AP dẫn lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói rằng lo ngại của Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác là “hiển nhiên và dễ hiểu”, bởi các hành vi của Trung Quốc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hàng hải và an ninh ở biển Đông. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của một môi trường hòa bình để thực hiện những mục tiêu mới cho sự phát triển bền vững mà Liên Hiệp Quốc vừa thống nhất.
Cũng theo AP, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang còn hối thúc Mỹ - vốn đã thể hiện rõ sự lo ngại đối với hành động phi pháp của Trung Quốc tại biển Đông, dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Nhà lãnh đạo Việt Nam khẳng định điều đó sẽ gửi một thông điệp đến cả thế giới rằng quan hệ Việt Nam – Mỹ đã bình thường hóa hoàn toàn sau 40 năm kết thúc chiến tranh.
Theo AP, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến có thể diễn ra vào mùa thu này sẽ củng cố quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Bên cạnh đó Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng bày tỏ sẵn sàng tiếp tục thảo luận với Mỹ về vấn đề nhân quyền vốn đã được đưa vào Hiến pháp của Việt Nam và việc triển khai các đạo luật liên quan sẽ được diễn ra trong vài năm tới.