Sáng nay (25/8), Tòa án nhân dân quận Long Biên, TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án liên quan đến cái chết của cháu bé Trần Nhật Hương (hơn 11 tháng tuổi, xảy ra tại trường mầm non Thiên Thần Nhỏ (thuộc KĐT Việt Hưng – Long Biên).
Hai bị can vụ "cháu bé tử vong do sặc cháo" là Đinh Thị Hồng (SN 1977, trú tại phố Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy) và Ngô Thị Hà Quyên (SN 1985, trú ở tổ dân phố số 26, phường Thượng Thanh, đều là giáo viên trường mầm non Thiên Thần Nhỏ). Cả 2 bị khởi tố về tội danh "vô ý làm chết người do vi phạm quy chế nghề nghiệp" theo khoản 1, Điều 99 Bộ Luật hình sự.
|
Bị cáo Đinh Thị Hồng (áo vàng) và Ngô Thị Hà Quyên (áo chấm bị đen). |
Theo luật sư Chu Mạnh Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Danh Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, trong các bản kết luận giám định đang sử dụng để kết tội các bị cáo có nhiều dấu hiệu bất hợp lý.
Luật sư Cường cho rằng, trong quá trình giám định lại có các căn cứ liên quan đến dấu hiệu "bệnh lý" đã bị bỏ qua, xem xét kết luận không căn cứ vào cơ sở khoa học, chứng cứ trong hồ sơ. Việc xác định chính xác cháu bé có bị "bệnh lý" hay không có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định trách nhiệm của các bên liên quan.
Hơn nữa, chứng cứ trong hồ sơ thể hiện cháu bé không bị nôn, trào ngược thức ăn trong thời gian ngủ trưa mà xảy ra sau khi cháu bé đã được đưa rời khỏi lớp đến bệnh viện. Từ đó dẫn đến việc cáo trạng kết luận các bị cáo "vì làm việc riêng" nên không phát hiện ra cháu bị trào ngược thức ăn khi ngủ là không có căn cứ pháp lý.
Ngoài ra, các căn cứ buộc tội thiếu tính thuyết phục, theo luật sư Cường, đúng là bị cáo Quyên có một số hành vi được coi là vi phạm (đi vệ sinh 1 phút 48 giây, để cháu ngủ trên sàn nhà gỗ, dùng bằng giả để xin việc). Tuy nhiên, xét về bản chất, như đã phân tích trong các bản kiến nghị, các hành vi này không phải là "nguyên nhân trực tiếp" dẫn đến cái chết của cháu bé".
Đồng thời, trách nhiệm của nhà trường chưa được làm rõ trong quá trình điều tra vụ án. Nhà trường đã không tuân thủ quy định về "Y tế học đường" dẫn đến không có người có trình độ chuyên môn theo quy định, điều kiện, thiết bị sơ cấp cứu theo quy định của pháp luật, nên khi Quyên phát hiện ra, cháu bé đã không được cấp cứu kịp thời, đúng quy định.
"Vậy trách nhiệm "không cấp cứu kịp thời" ở đây là của những người có trách nhiệm của nhà trường hay bị cáo, vấn đề này chưa được làm rõ, có phải là hành vi "bỏ lọt tội phạm" không?" - luật sư Cường nói.
Qua quá trình xét xử vụ án, HĐXX nhận thấy, vụ việc có nhiều vẫn đề chưa được làm rõ như kết quả giám định pháp y về nguyên nhân cái chết của cháu Trần Nhật Hương; trách nhiệm không cấp cứu kịp thời;... Do đó, TAND quận Long Biên tuyên trả hồ sơ vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung.