Bộ Y tế ủng hộ đề xuất tịch thu xe

Google News

(Kiến Thức) - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng cần có những chế định pháp luật mạnh nhằm giảm được các tai nạn giao thông.

Bo Y te ung ho de xuat tich thu xe
Ảnh minh họa. 
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, các nhà làm luật thuộc Bộ này hoàn toàn ủng hộ với các đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia với Chính phủ, Quốc hội trong việc cần có những chế định pháp luật mạnh nhằm giảm được các tai nạn giao thông, gây tổn hại sức khoẻ, tính mạng con người, trong đó bao gồm cả việc tịch thu phương tiện đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trên 80miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4miligam/1 lít khí thở. 
Theo đó, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đưa ra thông tin, mỗi ngày có khoảng 35 người chết, 82 người bị thương vì tai nạn giao thông khiến chúng ta giật mình và phải suy nghĩ. Trong đó, 60% các vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia. Cụ thể, chuyến thăm của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vào dịp Tết vừa rồi tại Bệnh viện Việt Đức cũng được báo cáo, có 60 vụ tai nạn giao thông thì 42 vụ liên quan rượu, bia, như vậy, con số này cũng đã vượt 60%. Nhưng điều đáng nói, khi vào Bệnh viện Việt Đức đều là những ca chấn thương rất nặng, đó là đa chấn thương, sọ não, gãy tay chân, vỡ tim, vỡ đa ngũ tạng... Còn các số khác như vùng quê xa xôi hẻo lánh sẽ chiếm nhiều hơn.
Tác hại của rượu, bia được chia làm 4 mức. Cụ thể, mức an toàn khi chỉ uống một chút để dẫn giải, mức độ 2 là gây hại, mức 3 gây nguy hiểm và mức bốn là không làm chủ được hành vi. Rượu, bia cũng là một trong các nguyên nhân gây ra nhiều bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới chỉ rõ, rượu, bia gây ra nhóm bệnh như rối loạn tiêu hóa (xơ gan, ung thư), rối loạn tâm thần, chấn thương chủ định và không chủ định. Chấn thương chủ định như uống rượu vào có các hành vi bạo lực, tự tử. Không chủ động như đâm vào người khác dẫn đến ngã và chết... Đồng thời, rượu, bia ảnh hưởng các bệnh  tim mạch, đái tháo đường, thai nhi, biến chứng trẻ sơ sinh... Nên có thể nói, uống rượu, bia có tác hại lớn đối với con người. 
Trong 8 yếu tố nguy cơ gây gánh nặng bệnh tật thì rượu, bia đứng thứ  4 sau huyết áp cao, hút thuốc lá, ăn ít rau. Về kinh tế, mỗi năm nước ta tiêu thụ từ 3 tỷ lít bia, tương đương 3 tỷ USD, tương đương 3% số thu ngân sách, tác động kinh tế, tiêu tốn khá nhiều túi tiền cá nhân và cả nước. Ngoài ra, ở Việt Nam có 68% bạo lực gia đình liên quan rượu, bia (ở Mỹ chỉ 30%, Bỉ 40%). 38% số vụ gây rối trật tự công cộng liên quan rượu, bia (Bỉ có 20%, Mỹ 30%).
“Từ những số liệu đó cho thấy, lạm dụng rượu, bia có tác hại đến sức khoẻ, xã hội... Do vậy, quan điểm của nhà làm luật thuộc Bộ Y tế, chúng tôi ủng hộ hoàn toàn với các đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia với Chính phủ, Quốc hội trong việc cần có những chế định pháp luật rất mạnh làm sao giảm được các tai nạn giao thông, gây tổn hại sức khoẻ, tính mạng, kinh tế và các vấn đề xã hội khác...  làm cho xã hội vững mạnh, văn minh và mọi người có ý thức đối với bản thân và xã hội”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế một lần nữa nhấn mạnh.
Hiền Dung

Bình luận(0)