Mặc dù không thuộc cơ quan, Bộ chuyên ngành “làm Luật”, nhưng với chức năng thường trực Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) rất đau xót, sốt ruột trước số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ ở nước ta; nên đã nhiệt tình tích cực: hết đề xuất tịch thu mô tô, xe gắn máy đi vào đường ô tô cao tốc; lại đến đề xuất tịch thu xe ô tô-khi người tài xế say rượu bia (nhằm góp phần làm giảm số người chết do TNGT).
|
Phương án tịch thu xe không khéo lợi bất cập hại. |
Song tôi cho rằng sáng kiến đề xuất nêu trên, với một tư duy không đầy đủ, nếu chưa muốn nói là “ngoại đạo, mới vớ chân voi đã tưởng cột đình”, bởi 2 lẽ:
Thứ nhất, đối với những người lái xe ô tô, khi chưa (hoặc không) gây ra TNGT; nhưng Cảnh sát giao thông (CSGT) tuần tra kiểm soát trên đường công vụ, chỉ cần phát hiện họ có mùi rượu bia trong hơi thở, là đã bị xử lý-phạt tiền rồi.
Hay nói cách khác: Luật Giao thông đường bộ (điều 8, khoản 8) đã nghiêm cấm những người lái xe ô tô uống rượu bia, dù chỉ là uống một hụm rượu, hay một hớp bia.
Còn trường hợp họ vi phạm uống rượu bia say, mà lái xe ô tô gây ra TNGT, làm thiệt hại cho tính mạng hoặc thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác; thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự (theo khoản 2, mục b, điều 202, Bộ Luật Hình sự), với khung hình phạt tù cao nhất đến 10 năm.
Và việc tịch thu, hay không tịch thu xe ô tô cũng sẽ là vô nghĩa đối với một tù nhân dài hạn (10 năm).
Thứ hai, theo thống kê kết luận điều tra (của cơ quan chức năng) từ nhiều năm nay, nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ TNGT đường bộ, do những người lái xe vi phạm tốc độ, vẫn đứng đầu bảng (kế dưới đó là các lỗi đi lấn đường, vi phạm tải trọng…). Và tôi còn nhớ 1 câu nói rất ngắn gọn của đại tá Trần Anh Điệp (nguyên Phó cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an), cách đây trên 20 năm, khi anh có ý kiến-comment về những vụ TNGT đường bộ: “Không có tốc độ thì không có TNGT”.
Cho nên, nếu sáng kiến tịch thu xe là thượng sách; thì trước tiên phải tịch thu xe-khi người tài xế vi phạm tốc độ. Hoặc là khi họ vi phạm tải trọng. Chứ không phải khi họ say rượu bia.
Mặt khác, sang 1 khía cạnh thực tại hiện nay cơ quan chức năng thường hay chụp mũ chế tài xử phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe những người lái xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Đơn cử Nghị định 171/CP (điều 5, khoản 8, mục a) hiện hành, đã quy định chế tài xử lý, phạt tiền người lái xe ô tô say rượu bia tới 15 triệu đồng mà vẫn bị coi là “chưa đủ đô”; là 1 nguyên nhân dẫn đến sáng kiến tịch thu xe ô tô, có chiếc giá trị hàng tỷ đồng (khi tài xế say rượu bia). Lại cộng sự bắt chước 1 vài nước ngoài đã làm như vậy.
Do đó, lãnh đạo Bộ GTVT đang quyết trình Chủ tịch Uỷ ban ATGT quốc gia và Thủ tướng Chính phủ quyết định tịch thu xe ô tô khi tài xế say rượu bia.
Song, biện pháp tịch thu xe không khéo lợi bất cập hại. Vì hiện nay chúng ta chưa thể chủ quan, loại trừ các hành vi tiêu cực. Thậm chí không loại trừ người tài xế vi phạm say rượu bia bị bắt lỗi có thể sẵn sàng đưa hối lộ cả trăm triệu đồng, để xin xe ô tô xịn chục tỷ đồng…
Hay nói 1 cách “vui” khác: sáng kiến tịch thu xe ô tô, vô hình chung ngành GTVT đã “đưa bóng được bơm bằng tiền vào chân, cho các tài xế sút vào lưới tiêu cực tham nhũng”.
Vì vậy khi tài xế say rượu bia, theo tôi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ khỏi cần tịch thu xe ô tô.