Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Dư - phó tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - kỹ thuật Bộ Công an cho biết tại buổi họp báo thông tin kết quả công tác của Bộ Công an 6 tháng đầu năm.
|
Ông Nguyễn Văn Dư, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - kỹ thuật trả lời báo chí - Ảnh: Danh Trọng/Tuổi trẻ |
Mời quý độc giả xem video: Cuộc sống ở nhà máy đóng tàu lớn nhất thế giới
Theo đó, lãnh đạo Bộ Công an cho biết, đến nay đã triển khai 10.000 tỉ đồng đóng tàu cho ngư dân theo chủ trương của chính phủ và đã có 557 tàu đóng mới theo tinh thần này, trong đó có 188 tàu vỏ thép. Tuy nhiên, hiện chỉ mới phát hiện tàu ở Bình Định hư hỏng, còn tàu các nơi khác vẫn đảm bảo yêu cầu.
UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành thu thập tài liệu, đến nay xác định có 2 công ty đóng tàu phải chịu trách nhiệm về việc tàu hư hỏng là công ty đóng tàu Đại Nguyên Dương và công ty đóng tàu Nam Triệu - Bộ Công an.
Tuy nhiên, để xử lý vụ việc này, cơ quan công an cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật là phải có nguyên đơn tố cáo, rồi xác định sai phạm trên cơ sở đó đủ căn cứ thì sẽ khởi tố điều tra.
Tại buổi họp báo, thượng tướng Bùi Văn Nam, thứ trưởng Bộ Công An, cũng cho biết Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng làm việc nghiêm túc đảm bảo quyền lợi của ngư dân nhưng đồng thời tuân thủ các quy định của pháp luật.
Được biết, đến nay công ty Nam Triệu đã đóng 20 con tàu cho ngư dân Bình Định.
Không đề cập tới chất lượng vỏ thép số tàu này, ông Dư cho biết về vấn đề chất lượng, sai chủng loại động cơ thì đến hôm 24/5, khi có kết luận của tổ kiểm tra độc lập của tỉnh Bình Định, Công ty Nam Triệu mới biết. “Lỗi này thuộc về nhà cung cấp máy, động cơ, tuy nhiên với tư cách là công ty trực tiếp đóng tàu cho ngư dân công ty Nam Triệu phải chịu trách nhiệm toàn diện và phải đảm bảo khắc phục sự cố hư hỏng trong thời gian sớm nhất”.
Sau khi phát hiện động cơ sai chủng loại, Nam Triệu đã làm việc với đại diện hãng Dosan ở Việt Nam, ký hợp đồng khắc phục toàn bộ số sai sót này. Đến nay đã nhập về bảy động cơ mới, ba chiếc tiếp theo sẽ về trong thời gian sớm nhất. Đảm bảo trong tháng 7 – 8 hoàn thành việc khắc phục hậu quả.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc có điều tra, xử lý hình sự không, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm cho biết đã chủ động nắm bắt thông tin, và yêu cầu Công an Bình Định vào cuộc phối hợp, “nếu có hành vi tội phạm sẽ khởi tố”.
Còn tướng Dư cho rằng, trước mắt việc khắc phục, sửa chữa, thay thế thiết bị ở số tàu cá có vấn đề chất lượng này cần được thực hiện theo hợp đồng, vì đây là vấn đề dân sự.