Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội chiều 11- 6 về việc tại sao có nhiều nơi, nhiều doanh nghiệp không trồng rừng thay thế khi làm các công trình thủy điện. Những địa bàn không còn đất để trồng rừng thay thế thì xử lý thế nào? Trách nhiệm thuộc về ai trong vấn đề cấp phép này?
|
Thủy điện Hương Điền bất ngờ xả nước gây lũ bất thường giữa tháng 3 - 2015.Người dân di dời các bè cá vào gần bờ, tránh bị nước lũ cuốn trôi.
|
Nhiều doanh nghiệp không trồng rừng thay thế khi làm thủy điện
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng đã có ý kiến yêu cầu nghiêm khắc xử phạt các doanh nghiệp không trồng rừng thay thế khi làm các công trình thủy điện.
"Nhưng với những địa bàn không còn đất để trồng rừng thay thế thì xử lý thế nào? Trách nhiệm thuộc về ai trong vấn đề cấp phép này? Đối với những người dân ở những dự án thủy điện vừa và nhỏ ở miền Trung khi nào được chính sách tái định cư?", ông Học nêu vấn đề
Đồng tình với việc cần xử lý nghiêm với các doanh nghiệp là các chủ đầu tư các công trình thủy điện chây ì không chịu thực hiện trách nhiệm trồng lại rừng khi triển khai dự án, Bộ trưởng Hoàng cũng thừa nhận hiện chưa có phương án xử lý đối với các dự án thủy điện đã cấp phép, nhưng không còn đủ đất để tiến hành lại việc trồng rừng.
"Với những địa phương không có quỹ đất thì có thể nộp tiền thay cho việc trồng rừng để địa phương bố trí trồng rừng ở nơi khác thay vào. Còn lúc phê duyệt cũng chưa tính đến yếu tố trồng lại rừng thay thế ở những nơi không có đất', Bộ trưởng Hoàng nhận trách nhiệm.
|
Các ruộng bắp, đậu phộng đang thời điểm đậu quả ở xã Quảng An (huyện Quảng Điền) đã bị ngập trong nước lũ . Hơn 500ha lúa tại các xã Quảng Vinh, Quảng Thọ và thị trấn Sịa (Quảng Điền) cũng bị ngập trong nước lũ.- Ảnh: An Bang.
|
Bộ trưởng Hoàng cũng cho hay hiện Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đang tiếp tục phối hợp xem xét, kiến nghị, cũng như đốc thúc, yêu cầu chủ đầu tư các công trình thủy điện vừa và nhỏ phải cam kết các phương án hỗ trợ, đền bù, tái định cư cho người dân trong khu vực một cách nhanh chóng hơn.
Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) quan tâm về công nghiệp phụ trợ, và thấy rằng tình hình chưa có chuyển biến đáng kể? Với ngành công nghiệp ô tô, phải chăng là do thiếu chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp hỗ trợ nên đã phá sản, dù đã tồn tại 20 năm qua?
Công nghiệp ô tô: Câu hỏi khó, Bộ trưởng loay hoay
|
Sau năm năm, trước hứa hẹn ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ tập trung phát triển ngành công nghiệp phụ trợ; ưu tiên hợp tác với các hãng ô tô nổi tiếng và các nước trong khối ASEAN nhằm tăng tính liên kết và nâng cao chuỗi giá trị, đến nay ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn còn là dấu hỏi lớn.
|
Về ngành công nghiệp phụ trợ, Bộ trưởng Hoàng thẳng thắn "Bộ Công thương chịu trách nhiệm về vấn đề này" khi các chính sách hỗ trợ chưa phát huy được tác dụng hỗ trợ cho ngành công nghiệp hỗ trợ.
Bộ trưởng Hoàng cho biết thêm văn bản dự thảo lần thứ 6 hỗ trợ ngành CN phụ trợ chưa được thông qua. "Hiện nay Bộ cũng chưa tìm ra được cách hỗ trợ cho DN cũng như công cụ hỗ trợ hiệu quả", Bộ trưởng Hoàng thừa nhận.Thậm chí, việc có cần thiết có thêm luật riêng về công nghiệp hỗ trợ hay không cho thành phần doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang được bàn bạc xem xét.
Đặt vấn đề về việc Bộ trưởng nhận trách nhiệm tới đâu trong việc ban hành chính sách tạo điều kiện cho ngành công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, cũng như yêu cầu "cần biến việc nhận trách nhiệm thành hành động”, đại biểu Lê Trọng Sanh (TP.HCM) nêu thực trạng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô không thực hiện đúng lộ trình cam kết nội địa hóa sản phẩm thì sẽ xử lý thế nào?
Bộ trưởng Hoàng tỏ ra khá bế tắc trước câu hỏi này và cũng không đưa ra được giải pháp thỏa đáng về ngành sản xuất ô tô trong nước đang có nguy cơ sụp đổ,
Bộ trưởng Hoàng thừa nhận: "về cá nhân tôi, tôi nhận trách nhiệm và cảm thấy mình còn một món nợ về việc ngành công nghiệp hỗ trợ chưa có nhiều chuyển biến, cũng như thiếu các chính sách thúc đẩy phát triển tích cực".
Bộ trưởng Hoàng giải thích thêm, do đây là quy định liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, và "trước hết phải yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các cam kết". Tuy nhiên, có thực tế khi VN tham gia các hiệp định thương mại quốc tế, hoặc theo cam kết gia nhập Tổ chức thương mại thế giới thì yêu cầu nội địa hóa không còn nữa.
"Việt Nam một mặt đề nghị doanh nghiệp tiếp tục thực hiện, nếu có khó khăn thì phối hợp tháo gỡ. Nếu không thực hiện thì mới trao đổi với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, thậm chí có kiến nghị với Chính phủ để có biện pháp giải quyết phù hợp", Bộ trưởng Hoàng khẳng định.