Ngày 14/8, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm lưu động tại TP Cần Thơ vụ Trần Hoàng Thám và đồng phạm về tội vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Trong bảy năm qua vụ án đã trải qua nhiều phiên xử, đến nay mới được giải quyết xong.
Máy dỏm làm chết bốn người
Theo hồ sơ, năm 2010, Nguyễn Trọng Hiếu là kỹ sư xây dựng được công ty giao giám sát thi công một khách sạn thuộc quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Bị cáo Thám ký hợp đồng nhận thi công khoán khách sạn này.
Tháng 3/2011, để thuận lợi cho việc vận chuyển vật tư lên các tầng lầu, bị cáo Thám thuê chủ cơ sở cửa sắt làm một máy vận chuyển. Nhưng làm xong, Thám và Hiếu không kiểm định chất lượng máy mà thử tải bằng phương pháp để vật tư tải trọng là 500 kg lên máy thử và sau đó sử dụng luôn. Trong quá trình bảo trì máy, chủ cơ sở cửa sắt phát hiện dây cáp bị gỉ sét, có khả năng bị đứt, đề nghị thay mới. Trước thông tin này bị cáo Nguyễn Thanh Vàng (đội trưởng xây dựng) có báo lại cho Thám nhưng bị cáo không thực hiện.
Ngày 3/10/2011, người được bị cáo Vàng giao điều khiển máy nghỉ việc nên bị cáo này phân công anh Huỳnh Văn Tâm là thợ phụ hồ đến điều khiển thay, đưa vật tư lên các tầng lầu cho công nhân thi công.
Chiều cùng ngày, khi anh Tâm đưa 232 viên gạch ống vào máy vận thăng để chuyển lên thì các ông Nguyễn Văn Nhung, Nguyễn Văn Mít, Nguyễn Hoàng Thái, Huỳnh Văn Sáu và Trần Minh Hoàng tự ý đến ngồi vào máy, rồi kêu Tâm đưa lên tầng lầu làm việc.
Tâm bật công tắc điện điều khiển máy đến tầng ba, cách mặt đất khoảng 17 m thì dây cáp bị đứt, năm công nhân cùng gạch rơi xuống đất. Hậu quả là bốn người thiệt mạng và một người bị thương.
Quá trình điều tra, ba bị cáo Thám, Vàng, Hiếu đã khắc phục hậu quả cho gia đình các nạn nhân hơn 400 triệu đồng.
|
Bị cáo Thám (trái) và Hiếu tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: CT |
Xử án treo sai luật
Xử sơ thẩm vào tháng 9/2014, TAND TP Cần Thơ xử phạt hai bị cáo Thám, Hiếu mỗi người năm năm tù, hai bị cáo Vàng và Tâm mỗi bị cáo ba năm tù treo cùng về tội vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Sau đó hai bị cáo Thám, Hiếu kháng cáo kêu oan cho rằng mình không phạm tội.
TAND Tối cao tại TP.HCM (nay là TAND Cấp cao tại TP.HCM) xử phúc thẩm vào tháng 4/2015, tuyên sửa án phạt hai bị cáo Thám và Hiếu mỗi bị cáo ba năm tù treo. Sau đó VKSND Tối cao tại TP.HCM (nay là VKSND Cấp cao tại TP.HCM) kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị hủy án theo hướng không cho hai bị cáo này hưởng án treo. Tháng 9-2016, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có quyết định giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm nêu trên về phần hình phạt đối với hai bị cáo Thám, Hiếu, giao hồ sơ vụ án cho TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm lại.
Tại phiên tòa ngày 14/8, TAND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng với vai trò là đại diện đơn vị thi công, bị cáo Thám tự cho thợ làm máy nâng vật tư xây dựng nhưng không qua kiểm định. Vì thế bị cáo đã vi phạm quy định Thông tư 04/2008 của Bộ LĐ-TB&XH về danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Bị cáo cũng vi phạm Điều 4 và Điều 6 Thông tư 22/2010 của Bộ Xây dựng quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.
Hiếu là giám sát thi công, khi nghi ngờ thiết bị không hợp lệ thì đáng lẽ phải báo chủ đầu tư nhưng bị cáo đã không làm, không nhắc nhở người lao động về nội quy sử dụng phương tiện. Hành vi của bị cáo đã vi phạm Điều 4 và Điều 7 Thông tư 22/2010 của Bộ Xây dựng nêu trên.
HĐXX cho rằng bản án sơ thẩm đã tuyên mức đối với hai bị cáo là có căn cứ vì hành vi của các bị cáo đã phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Cấp sơ thẩm phạt hai bị cáo Thám, Hiếu mỗi người năm năm tù là đã mang tính khoan hồng (dưới khung hình phạt bị cáo trạng truy tố là từ tám đến 20 năm tù).
Cuối cùng tòa đã bác kháng cáo của bị cáo Thám, tuyên y án năm năm tù, bị cáo Hiếu được giảm một năm xuống còn bốn năm tù, cùng về tội vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.