Ông Phạm Đình Nguyên trở nên nổi tiếng sau thương vụ mua bán lại một thị trấn nhỏ của Mỹ hồi tháng 4 năm ngoái. Ông Nguyên trở thành chủ nhân của thị trấn Buford, ở Wyoming (Mỹ), sau khi đưa mức giá 900.000 USD trong một cuộc bán đấu giá vào ngày 5/4/2012.
Buford là một thị trấn nhỏ thuộc bang Wyoming, miền trung nước Mỹ. Thị trấn có diện tích khoảng 4 hecta, gồm một trường học, một trạm xăng, một tháp phát sóng thông tin di động, vài căn nhà và một tiệm tạp hóa. Burford có mã số bưu điện độc lập.
Thị trấn Buford ở độ cao 2.438 m so với mực nước biển, nằm trên đường nối từ New York đến San Francisco, nằm giữa Cheyenne, thủ phủ của bang Wyoming và thành phố Laramie.
|
Ông Phạm Đình Nguyên tại cây xăng ở thị trấn do mình làm thị trưởng. |
Sau khi mua được thị trấn Mỹ, ông Nguyên tiết lộ: Kể từ lúc quyết định, đến lúc sang thị trấn Buford đấu thầu, trúng thầu cũng chỉ có 2 tuần và rất tự hào vì người Việt mua được một thị trấn của Mỹ. Ông Nguyên cho biết sẽ dùng Buford như là một bàn đạp tinh thần để giới thiệu các thương hiệu từ Việt Nam hoặc tung ra sản phẩm mới ở Mỹ.
Sau khi thương vụ được báo chí đăng tải, trong mắt dư luận lúc bấy giờ, ông Nguyên chắc hẳn là một người rất giàu có. Bản thân ông cũng là một doanh nhân có rất nhiều kinh nghiệm. Ông đã từng làm ở những tập đoàn lớn như Coca-Cola Việt Nam, Nokia Việt Nam, Tập đoàn Kinh Đô, Công ty cổ phần Hàng gia dụng quốc tế với các vị trí rất quan trọng. Hiện tại, ông đang là Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế (IDS).
Công ty Dịch vụ phân phối Tổng hợp quốc tế (IDS) của ông Phạm Đình Nguyên được thành lập từ năm 2005. Đó là công ty chuyên cung cấp các sản phẩm gia dụng, thực phẩm, rượu bia, nước giải khát đến các hệ thống siêu thị lớn như Metro, BigC, CoOp Mart và hơn 20.000 cửa hàng trên toàn quốc. Ngoài ra, công ty IDS còn có công rất lớn khi đưa những thương hiệu Việt như Q-Girl, OCleen, Hapi Kids ra thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ.
Mới đây, ông Nguyên chia sẻ về kế hoạch đổi tên và kinh doanh cà phê rang xay trên thị trấn này của ông trên Tuổi trẻ. Ông Nguyên cho biết, việc tổ chức kinh doanh cà phê thương hiệu Việt Nam ngay tại thị trường Mỹ sẽ giúp quảng bá đến tận tay người tiêu dùng Mỹ sản phẩm cà phê Việt cũng như phong cách thưởng thức cà phê Việt Nam.
Ông sẽ tận dụng cửa hàng tiện lợi rộng 200m2 tại thị trấn để mở quán cà phê. Tự tay ông sẽ pha chế cà phê rồi bán trực tiếp 2 nhóm sản phẩm là cà phê siêu sạch và thượng hạng, có trọng lượng 250-500 gam/gói, đảm bảo nguồn nguyên liệu sử dụng hạt cà phê đúng chuẩn, tuyệt đối không sử dụng các hóa chất độc hại tạo mùi, màu...
Để thực hiện dự án này, ông Nguyên phải đăng ký với Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) các thông tin chi tiết về công ty và sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ.
Nói về thương hiệu cà phê dự kiến bán tại Buford, ông Phạm Đình Nguyên cho biết ông sẽ lấy thương hiệu cà phê là PhinDeli. Tuy nhiên, theo ông Nguyên, để quảng bá thương hiệu cà phê PhinDeli tại Mỹ là điều rất khó khăn vì chi phí cho việc quảng cáo tại nước này rất cao. Vì thế, để thương hiệu cà phê PhinDeli được nhiều người biết đến, doanh nhân Phạm Đình Nguyên quyết định đổi tên thị trấn Buford thành thị trấn cà phê PhinDeli vào ngày 3/9 tới.
Ông Nguyên đặt rất nhiều tham vọng vào việc kinh doanh cà phê ở thị trấn Buford. Đối tượng ban đầu của ông là những người Mỹ gốc Việt, sau đó mở rộng sang những nhóm người khác.
Về phân phối, trước mắt PhinDeli sẽ tập trung bán hàng qua mạng thông qua trang thương mại điện tử Amazon. Đây là trang web bán hàng trực tuyến lớn nhất hiện nay tại Mỹ. Sau đó sẽ xúc tiến mạnh mẽ việc đưa hàng vào các chuỗi siêu thị, cũng bắt đầu là những chuỗi của người châu Á ở bờ Tây và bờ Đông. "Sau đó chúng tôi mới tính tiếp đến các chuỗi lớn như Wal-Mart, Cosco", ông Nguyên cho hay.
Việc ông Nguyên mua lại thị trấn Mỹ đã là một cú sốc với người Việt. Nhưng lúc đó dư luận vẫn băn khoăn về việc ông Nguyên sẽ làm gì với mảnh đất rộng 4 hecta này? Giờ thì họ có thể yên tâm về một kế hoạch chi tiết đầy tham vọng của doanh nhân này.