“Ông lớn ngoại” liên tục dính chàm

Google News

(Kiến Thức) - Liên tiếp gần đây, các "ông lớn ngoại" bị cơ quan pháp luật nhắc nhở về việc chậm nộp thuế, trốn thuế, bán hàng kém chất lượng...

Coca-Cola dính nghi án chuyển giá
Trong chuyến thăm Mỹ và gặp gỡ các tập đoàn hàng đầu của Mỹ đầu tư tại Việt Nam mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh có cuộc làm việc với đại diện tập đoàn Coca-Cola.
Bộ trưởng Vinh hoan nghênh việc Coca-Cola tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam tăng thêm 300 triệu USD trong vòng 3 năm tới. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị công ty nên thường xuyên cung cấp thông tin và minh bạch các hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam.
Trụ sở của Coca-Cola Việt Nam tại quận Thủ Đức, TP.HCM 
Trước đó, hồi tháng 4, trả lời trên VTV trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời", Bộ trưởng Bùi Quang Vĩnh nói Việt Nam không chấp nhận việc Coca-Cola đầu tư thu lợi ở Việt Nam mà không mất một đồng tiền thuế nào.
Thời gian qua, Coca-Cola vướng vào nghi án chuyển giá tại Việt Nam khi liên tục báo lỗ, đồng thời vẫn dự định mở rộng đầu tư. Theo đó, năm 2006 công ty này đạt doanh thu 1.026 tỉ đồng nhưng lỗ đến 253 tỉ đồng; năm 2007 lỗ 198 tỷ đồng; năm 2010 doanh thu lên đến 2.529 tỉ đồng nhưng chi phí lại lên đến 2.717 tỉ đồng, dẫn đến số lỗ 188 tỉ đồng và năm 2011 mức lỗ là 39 tỷ đồng. Theo số lũy kế đến năm 2011 công ty này đã lỗ tổng cộng 3.768 tỉ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỉ đồng. Như vậy trung bình mỗi năm công ty này lỗ 100 tỷ đồng.
Sau đó, đại diện Coca-Cola tại Việt Nam đã lên tiếng khẳng định tập đoàn không chuyển giá để trốn thuế, cũng như cho biết dù chưa có lợi nhuận để đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng trong khoảng thời gian từ 2008 đến tháng 5/2013, Coca-Cola tại Việt Nam đã đóng hơn 33 triệu USD các loại thuế khác nhau.
Với khoản đầu tư mới 300 triệu USD theo Coca-Cola trong vòng 3 năm tới sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh hơn để có lợi nhuận, nâng cao đóng góp của Coca-Cola vào nền kinh tế Việt Nam một cách trực tiếp và gián tiếp.
Tuy nhiên, Coca-Cola vẫn nằm trong diện nghi vấn của cơ quan chức năng và người tiêu dùng đã có thời gian tẩy chay sản phẩm của hãng này.
Adidas né thuế ở Việt Nam
Hoạt động theo giấy phép kinh doanh là phân phối bán buôn nhưng Công ty TNHH Adidas Việt Nam lại phát sinh hàng loạt chi phí của nhà bán lẻ. Đây là cách chuyển giá theo phương thức liên kết giữa các công ty "con" của Adidas "mẹ" nhằm tìm cách né thuế tại Việt Nam.
Kết quả thanh tra cho thấy có rất nhiều khoản chi phí bất hợp lý được trả cho các đối tác là những đơn vị có giao dịch liên kết với Adidas Việt Nam. Trong đó nổi bật nhất là "chi phí tiếp thị quốc tế".
Những tai tiếng của các ông lớn đã phần nào mất điểm trong mắt khách hàng Việt
Bên cạnh đó, giá thành sản phẩm của Adidas còn bị đội lên do khoản chi phí quản lý. Ở những doanh nghiệp khác, chỉ có một chi phí quản lý vùng, nhưng tại Adidas Việt Nam có nhiều tầng nấc quản lý. Ngoài quản lý tại Việt Nam còn có thêm quản lý vùng tại Singapore và đồng thời Adidas Việt Nam còn chịu sự quản lý từ Adidas ở Đức. Adidas Việt Nam có hẳn các hợp đồng dịch vụ ghi nhận sự quản lý này cùng các chi phí trả cho phía đối tác.
Nghịch lý hơn, dù có đầy đủ tư cách để nhập khẩu trực tiếp hàng hóa từ nước ngoài nhưng Adidas Việt Nam lại phải thuê đối tác khác là Adidas International Trading B.V thay mặt Adidas Việt Nam thực hiện các dịch vụ như tìm nhà sản xuất cho hàng hóa liên quan, tìm nguồn cung ứng mẫu, đặt đơn hàng, kiểm tra vật liệu, thành phần hàng hóa, giám sát sự tuân thủ các tiêu chuẩn pháp lý... Adidas Việt Nam trả cho đối tác này 8,25% giá trị mỗi giao dịch. Khoản chi phí này được Adidas Việt Nam ghi nhận là khoản chi phí mua hàng và hạch toán vào giá vốn.
Ngoài ra, dù không phải là nhà sản xuất nhưng tại Adidas VN lại phát sinh khoản tiền bản quyền bằng 6% doanh thu ròng của sản phẩm. Dù trên giấy phép được UBND TP.HCM cấp, ngành nghề chính của Adidas VN là thực hiện quyền nhập khẩu, phân phối bán buôn giày thể thao, quần áo thể thao... nhưng DN này còn phát sinh khoản chi phí hỗ trợ vật dụng cho nhà bán lẻ.
Tổng cục Thuế cho rằng các giao dịch giữa Adidas Việt Nam và một số công ty khác trong hệ thống toàn cầu có thể là các giao dịch liên kết. Cuối năm 2012, Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế TP.HCM rà soát quan hệ giữa Adidas Việt Nam và một số công ty trong cùng hệ thống toàn cầu để xác định lại các khoản chi phí mà doanh nghiệp này khai báo khi tính thuế.
Những tai tiếng gần đây của các "ông lớn ngoại" khiến hình ảnh đẹp đẽ về các doanh nghiệp này dần mất điểm trong mắt người tiêu dùng Việt.
Diên Lệ (Tổng hợp)

Bình luận(0)