Tuần này, thị trường chứng khoán trải qua nhiều thăng trầm, chỉ số VN-Index giằng co ở những ngưỡng quan trọng. Rất nhiều cổ phiếu mất giá suốt 5 phiên giao dịch vừa qua, trong đó có cổ phiếu đại gia. Hàng loạt mã như HPG, HSG, VHC đều đi xuống.
Mặc dù trong tuần ngành thép có nhiều thông tin tốt nhưng cổ phiếu HSG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen vẫn đi lùi. Chốt tuần, HSG dừng ở mức 39.200 đồng/CP sau khi giảm 800 đồng/CP. HSG khiến vốn hóa thị trường Tập đoàn Hoa Sen hao hụt 157 tỷ đồng.
Là cổ đông cá nhân lớn nhất tại HSG, ông Vũ chịu thiệt hại không nhỏ, khi cổ phiếu HSG xuống giá. HSG đã lấy đi 20,4 tỷ đồng từ tài khoản của ông Vũ. Dù vậy, với 1.674 tỷ đồng, ông Vũ vẫn tiến gần sát Top 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
|
Ông chủ Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị MWG.
|
Mặc dù sắp đến ngày nhận cổ tức, nhưng cổ phiếu VHC của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn vẫn không được nhà đầu tư quan tâm. Sau 1 tuần giao dịch, VHC giảm 1.600 đồng/CP xuống 37.200 đồng/CP. VHC đã “thổi bay” 148 tỷ đồng vốn hóa thị trường của Vĩnh Hoàn, “thổi bay” 73 tỷ đồng tài sản của bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Vĩnh Hoàn.
Thời gian này, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) có lẽ là đơn vị nhận được nhiều tin tốt nhất. Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị SSI vừa “khoe” công ty quản lý quỹ SSIAM của SSI mới đóng quỹ 40 triệu USD huy động từ Daiwa.
Trước đó, công ty quản lý quỹ này cũng tuyên bố tháng 6 tới sẽ đưa vào hoạt động Quỹ SSIAM UCITS – Vietnam Value Income and Growth Fund (VVIGF). Đây là một quỹ mở, đăng ký tại Luxembourg với vốn huy động dự kiến lên tới 200 triệu USD.
Thế nhưng thông tin này không đủ sức nâng đỡ cổ phiếu SSI. Sau 1 tuần ảm đạm với 4 phiên giảm giá và 1 phiên đứng giá, SSI giảm 1.500 đồng/CP xuống 22.000 đồng/CP. Đà giảm này có SSI khiến vốn hóa thị trường SSI hao hụt 720 tỷ đồng.
“Túi tiền” của đại gia chứng khoán Nguyễn Duy Hưng cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Giá trị cổ phiếu SSI do ông Hưng nắm giữ giảm 75 tỷ đồng. Cộng với giá trị cổ phiếu PAN, hiện tại, ông Hưng có 1.475 tỷ đồng và đứng ở vị trí 13 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.
FPT cũng đang trong thời gian chờ chia cổ tức và cũng không nhân được sự quan tâm của nhà đầu tư. Vì vậy, sau 5 phiên giao dịch, FPT giảm 100 đồng/CP. Đây là cổ phiếu đại gia có tốc độ giảm khiêm tốn nhất. Dù giảm khiên tốn, FPT cũng khiến vốn hóa thị trường Tập đoàn FPT mất 46 tỷ đồng.
Trong khi đa số cổ phiếu đại gia đều gặp khó thì cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động vẫn miệt mài đi lên và ghi tên mình vào danh sách các cổ phiếu có thị giá trên 100.000 đồng/CP. Sau 1 tuần, MWG tăng 6.000 đồng/CP lên 100.000 đồng/CP.
Nhờ MWG, vốn hóa thị trường Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động tăng thêm 881 tỷ đồng. Tài sản của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cũng được chứng kiến khối tài sản tăng mạnh.
Tuần này, tài sản của ông Tài tăng 22 tỷ đồng lên 2.300 tỷ đồng và đứng ở vị trí thứ 7 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán. Trong danh sách này, ông Tài đứng ngay sau bầu Đức. Và cơ hội cho ông Tài soán ngôi bầu Đức không hề nhỏ, vì chênh lệch tài sản giữa hai vị đại gia này chỉ là hơn 300 tỷ đồng.
Cổ phiếu đại gia hiếm hoi chuyển động ngược chiều với thị trường cùng MWG là HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát. Trong khi đối thủ ngành thép HSG sụt giảm, cổ phiếu HPG tăng 400 đồng/CP và dừng ở mức 37.400 đồng/CP.
Đà tăng nhẹ của HPG giúp vốn hóa thị trường của Hòa Phát có thêm 293 tỷ đồng. Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát hưởng lợi nhiều nhất khi tài sản của ông có thêm 74 tỷ đồng.