Hội thảo Chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Việt Nam - một số tồn tại, hạn chế và các khuyến nghị.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm và Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng đồng chủ trì Hội thảo.
|
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc tại Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách cụ để giải quyết đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn thiếu đất sản xuất. Hoàn thành định canh định cư, bố trí sắp xếp dân cư, ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường… và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất ở vùng DTTS đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần có giải pháp quyết liệt, đồng bộ để tập trung giải quyết như: việc gia tăng dân số ở các vùng đồng bào DTTS và miền núi tạo nên áp lực đối với đất đai trong canh tác truyền thống. Sự phát triển xã hội theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa, nông nghiệp hàng hóa… cũng tạo nên sức ép vào quỹ đất. Tình trạng thiếu đất sản xuất, rừng đang bị lấn chiếm, tranh chấp diễn ra ở nhiều địa phương; đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS còn rất nhiều khó khăn…
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai và chính sách về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số. Những thuận lợi, khó khăn, bất cập của cơ chế, chính sách về đất đai hiện nay đối với đồng bào DTTS. Trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị có liên quan; trách nhiệm quản lý nhà nước, việc phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai và đất đai cho đồng bào DTTS của các bộ, ngành trung ương, các địa phương. Thực trạng chính sách giao đất rừng và rừng cho đồng bào DTTS; những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong văn bản pháp luật có liên quan đến tổ chức không gian và môi trường sống cho đồng bào DTTS. Đưa ra các đề xuất, kiến nghị, giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn tiếp theo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe và trao đổi về các vấn đề, như: tổng quan một số chính sách, pháp luật về đất đai vùng DTTS; một số chồng chéo, bất cập giữa Luật Đất đai năm 2013 với Luật Lâm nghiệp năm 2017; chính sách giao đất rừng và rừng cho đồng bào DTTS - thực trạng và một số vấn đề đặt ra; giải quyết vấn đề đất đai cho đồng bào DTTS bảo đảm sinh kế bền vững; nhận diện những vấn đề cấp bách trong thực hiện tái định cư do thu hồi đất ở vùng DTTS và miền núi…
Các đại biểu nhất trí cho rằng, đất đai có vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào DTTS và miền núi. Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị và được Hiến định, thể chế hóa trong nhiều văn bản pháp luật của Quốc hội. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào các DTTS.
Thông qua các chính sách, điều luật, quy định đã tạo hành lang pháp lý quan trọng giải quyết chính sách về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nói riêng và 25 triệu dân nông thôn miền núi nói chung, với mục tiêu giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở. Qua đó, góp phần từng bước bảo đảm cho đồng bào DTTS và miền núi có cuộc sống ổn định và đời sống được nâng cao, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng chỉ rõ, thực tế hiện đang tồn tại một số những bất cập trong công tác quản lý đất rừng và tình trạng thiếu đất sản xuất của nhiều hộ gia đình nên việc lấn chiếm, tranh chấp đất đai giữa các hộ cá nhân với nhau, giữa các hộ cá nhân với các nông trường, lâm trường... diễn ra ở nhiều địa phương. Một số vấn đề bức xúc trong đời sống của đồng bào DTTS, như: di cư tự phát, nhà ở tạm bợ, thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt... chưa được giải quyết hiệu quả, thấu đáo.
Các đại biểu kiến nghị, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định của pháp luật về đất đai cho đồng bào DTTS và miền núi; nâng cao hiệu quả, hiệu lực các quy định của Chính phủ trong việc triển khai các chính sách về đất đai cho đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, cần ban hành các chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, thủy lợi, kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất; các chính sách về chuyển đổi nghề nghiệp, chính sách hỗ trợ vốn… phù hợp với đặc thù vùng, miền địa phương nhằm phát huy hiệu quả cao nhất các chính sách về đất đai cho đồng bào DTTS. Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đất đai cho đồng bào DTTS để kịp thời xử lý các vi phạm, sửa đổi những bất cập phát sinh từ thực tiễn.