Xót lòng bé sơ sinh bị u hiếm bụng trướng, đầu to

Google News

(Kiến Thức) - Mới đây, Bệnh viện Nhi tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhi mắc bệnh hiếm gặp. Theo đánh giá của các bác sĩ, trên thế giới chỉ gặp một vài ca bệnh như vậy.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 18/5 cho biết, bệnh viện mới tiếp nhận trường hợp bé sơ sinh N.Q.G (23 ngày tuổi) nhập viện với nhiều biểu hiện bất thường ở mặt kèm theo tình trạng bụng trướng, da xanh, huyết áp cao, nghi ngờ bệnh nhi có bệnh lý về nội tiết di truyền, qua theo dõi và tiến hành xét nghiệm, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã kịp thời phát hiện khối u vỏ thượng thận trong cơ thể bé sơ sinh 23 ngày tuổi.
Theo gia đình bệnh nhi, lúc đầu bệnh nhi chỉ có biểu hiện nôn trớ, kém ăn, bụng trướng …đến ngày 13/5 bệnh nhi được người nhà đưa đến khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh- Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại đây, quan sát khuôn mặt trẻ có nhiều biểu hiện bất thường: mặt tròn, rậm lông, cổ ngắn, cằm nhỏ, sau gáy có bướu trâu, phù hai chân kèm theo huyết áp tăng cao, nghi ngờ cháu mắc bệnh lý về nội tiết di truyền, các bác sĩ khoa Hồi sức sơ sinh đã tiến hành cho trẻ làm các xét nghiệm máu, xét nghiệm hormon của tuyến thượng thận, siêu âm.
 Bệnh nhi khi chưa được phẫu thuật. Ảnh: nhp.
Sau khi có kết quả siêu âm cho thấy cháu G. có khối u ở vùng thượng thận trái, bệnh nhi nhanh chóng được chuyển đến khoa Nội tiết- Chuyển hóa- Di truyền để tiếp tục theo dõi và điều trị. Tại khoa Nội tiết – Di truyền – Chuyển hóa, qua phim chụp CT của bé G, các bác sĩ kết luận: cháu G có khối u ở vỏ tuyến thượng thận.
Khối u này bài tiết ra hormon vỏ thượng thận làm cho bệnh nhân huyết áp tăng rất cao, khó kiểm soát bằng các loại thuốc uống thông thường. Đây là một loại u rất hiếm gặp ở các bệnh nhi sơ sinh, có thể gây ra các bệnh lý như hội chứng Cushing, nam hóa ở trẻ gái, cường aldosteron gây rối loạn nghiêm trọng nước điện giải, tăng huyết áp và rất dễ nhiễm trùng.
Nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh nhi với tình trạng huyết áp tăng cao khó kiểm soát có thể gặp tai biến mạch máu não, dẫn đến tử vong. Trong một số trường hợp bệnh diễn biến kéo dài, âm thầm mà không được điều trị sẽ dẫn đến các biến chứng về tim, biến chứng mạch máu nhỏ ở mắt, não, thận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sau này của trẻ.
Các bác sĩ chuyên khoa Nội tiết nhận định: nhiều khả năng khối u đã hoạt động từ trong bào thai khiến bé G. có biểu hiện khuôn mặt bất thường (khuôn mặt Cushing), kèm theo phì đại cơ tim. Cũng theo các bác sĩ, trường hợp u vỏ thượng thận từ trong bào thai như vậy rất hiếm, trên thế giới chỉ gặp một vài ca bệnh.
Trước đó, trong thời gian mang thai cháu, mẹ bé G. có bị sốt ở tháng thứ 3 và mắc thủy đậu ở tháng thứ 7 của thai kỳ. Ngày 12/06 vừa qua, bệnh nhi đã được phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn khối u và hiện đang được theo dõi tại khoa Hồi sức ngoại-Bệnh viện Nhi Trung ương.
Hội chứng Cushing phát triển từ một nguyên nhân bắt nguồn từ bên ngoài của cơ thể (ngoại sinh của hội chứng Cushing). Ví dụ như việc dùng thuốc corticosteroid liều cao trong một khoảng thời gian dài có thể dẫn đến hội chứng Cushing's. Các loại thuốc này, chẳng hạn như prednisone, dexamethasone và methylprednisolone…
Nếu không được điều trị kịp thời cho hội chứng Cushing 's, các biến chứng khác có thể xảy ra, chẳng hạn như: Mất xương (loãng xương), cao huyết áp, sỏi thận, tiểu đường, nhiễm trùng bất thường…
Có thể điều trị hội chứng Cushing bằng cách hạ thấp mức độ cortisol trong cơ thể. Việc điều trị tốt nhất phải phụ thuộc vào nguyên nhân của hội chứng này. Có thể điều trị bằng cách: Giảm sử dụng corticosteroid, phẫu thuật, bức xạ trị liệu, thuốc …


Minh Hoàng

Bình luận(0)