Mật ong chứa bào tử vi khuẩn độc
Theo chuyên gia mật ong TS Phùng Hữu Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần phát triển ong miền núi, thành phần mật ong có gần 200 chất có giá trị khác nhau đối với cơ thể: Các loại đường đơn như glucoza, fructoza, các vitamin, các loại men, các axit hữu cơ, các nguyên tố vi lượng, các chất khoáng và có tính chất diệt khuẩn. Vì thế, mật ong có giá trị dinh dưỡng rất cao và có tác dụng chữa nhiều bệnh như đường tiêu hóa, hô hấp, tim mạch, chữa bỏng, chữa suy nhược cơ thể... Tuy nhiên, các nhà khoa học khuyến cáo không nên dùng mật ong trong trẻ dưới 1 tuổi.
Lý do an toàn được TS Phùng Hữu Chính chỉ ra là trong mật ong chứa một loại bào tử vi khuẩn Clostridium botulinum. Mặc dù số lượng mật ong nhiễm khuẩn này không cao, tức dao động từ 5 - 10% nhưng khả năng gây tác động đến trẻ không thể tính xác suất. Theo đó, các bào tử này có sẵn trong đất, bụi, nước và không khí nên có thể ong đã mang về tổ khi lấy mật, nước.
Các khảo tính cho thấy, người lớn nuốt phải bào tử Clostridium botulinum hầu như không bao giờ bị bệnh. Bởi hệ tiêu hoá của người lớn đã hoàn thiện, khả năng tiêu diệt các bào tử nấm độc cao. Trong khi đó, hệ tiêu hoá của trẻ nhũ nhi (dưới 12 tháng tuổi, đặc biệt là dưới 6 tháng tuổi) chưa đủ các vi khuẩn hữu ích nên khó có thể tiêu diệt bào tử, ngăn ngừa sự phát triển và sản sinh độc tố của chúng.
"Clostridium botulinum sản sinh ra chất độc botulism là một trong các chất độc hại tự nhiên có độ độc hại nhất mà con người biết đến. Với liều lượng nhỏ chất này khi vào máu có thể gây nguy kịch cho sức khoẻ của trẻ", TS Phùng Hữu Chính cho hay.
|
Không nên cho trẻ dưới 1 tuổi uống mật ong. |
Gây bệnh độc thịt
Đồng quan điểm, chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Thị Mai, Trung tâm Sức khoẻ Bluestar cũng cho rằng, trong mật ong có những khi vẫn tồn tại nha bào của nấm Clostridium botulinum. Đây là một giống trực khuẩn gram dương, kỵ khí bắt buộc có khả năng sản sinh nha bào khi môi trường sống bất lợi. Chúng có khoảng 100 loài trong môi trường là nguồn mầm bệnh tiềm ẩn cho chon người với một số nhóm gây bệnh nặng như liệt cơ, liệt thành kinh (còn gọi là bệnh độc thịt), viêm đại tràng... Đối với loài khuẩn này trong mật ong, chúng chủ yếu gây độc cho trẻ dưới 1 tuổi, còn trẻ lớn hơn hay người lớn thích nghi tốt hơn.
Theo đó, ở Mỹ, mỗi năm có dưới 100 trường hợp trẻ em ngộ độc được ghi nhận. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp ngộ độc do lượng độc tố hết sức nhỏ nên hậu quả không nghiêm trọng. Triệu chứng của ngộ độc botulism là táo bón, vài ngày tiếp theo, trẻ trở nên bơ phờ, mệt mỏi, chán ăn, khóc yếu, trẻ sẽ ngày càng ít vận động và phản xạ bú giảm.
"Dấu hiệu nhận biết khác của ngộ độc mật ong do khuẩn Clostridium botulinum gây ra là cơ thể trẻ mềm oặt, không giữ thăng bằng được đầu như bình thường, có dấu hiệu khó thở vì liệt cơ hoành. Hiện tượng ngừng thở hoàn toàn có thể xuất hiện ngay hoặc từ từ. Nếu phát hiện và điều trị đúng, đa số trẻ phục hồi hoàn toàn", TS Phùng Hữu Chính chỉ rõ.
"Tốt nhất không cho trẻ dưới 1 tuổi dùng mật ong. Khi dùng cần chú ý thay đổi của cơ thể trẻ để cấp cứu kịp thời. Không chỉ đối với mật ong mà nhiều thực phẩm cũng phải cẩn trọng".
TS Phùng Hữu Chính