Từ công thức truyền nhau trên mạng
Chị Nguyễn Hoài Anh (Gia Lâm, Hà Nội) có hai cô con gái nhỏ dưới năm tuổi nhưng đều lười ăn. Mỗi bữa ăn, ngoài việc chuẩn bị các món hợp khẩu vị của trẻ thì chị còn phải chuẩn bị thêm tâm lý để "đánh vật" với việc cho con ăn. Mỗi bữa ăn có thể kéo dài đến hai tiếng đồng hồ chỉ để trẻ ăn được một bát cơm nhỏ. Tuy nhiên, sau khi trao đổi thông tin trên các diễn đàn dành cho mẹ và bé, hằng ngày chị cho con uống một thìa cà phê vitamin B1 ngâm mật ong. Sau một thời gian, con chị háu ăn hơn.
Thế nhưng, bản thân chị Hoài Anh cũng như nhiều bà mẹ khác rất băn khoăn, liệu vitamin B1 ngâm mật ong có làm thay đổi thành phần thuốc hay sản sinh ra chất gì có hại về lâu dài cho sức khoẻ của trẻ không? Trẻ uống mật ong nhiều có bị nóng?...
BS Nguyễn Văn Tuấn, nguyên cán bộ Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho hay, vitamin B1 tốt cho trẻ ở phương diện giúp chuyển hóa chất bột, đường (gluxit), axit béo cần cho màng tế bào, tổ chức thần kinh, chuyển hóa các chất khác trong cơ thể. Vitamin B1 giúp bổ tỳ, trẻ em ăn ngon miệng, tiêu hóa tốt. Thiếu một phần vitamin B1 sẽ biểu hiện các triệu chứng như mất trọng lượng, chán ăn kéo dài, dễ kích thích, biến đổi thể trạng cùng với mệt mỏi tăng dần, rối loạn thần kinh ở các chi, tổn thương hệ thần kinh trung ương (khó tập trung, hay quên, trầm cảm) rối loạn dạ dày và suy tim. Tuy nhiên, khi sử dụng quá liều lượng có thể khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, táo bón, bong tróc da...
|
Chỉ nên dùng vừa đủ vitamin B1 ngâm mật ong, bởi sẽ gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể nếu lạm dụng liều cao. |
Không tạo ra chất độc
Ở phương diện khác, TS Phùng Hữu Chính, Công ty Cổ phần phát triển ong miền núi cho hay, mật ong có nhiều đường đơn, các enzym, muối khoáng và các vitamin. Trong đó có nhiều vitamin nhóm B (B1, B2, B5, B6) và E, K, C, tiền tố vitamin A, axit folic... Những vitamin trong mật ong kích thích sự trao đổi chất. Kali và magiê (dạng thường hoá) kích thích ăn ngon miệng, tăng hàm lượng axit hữu cơ và cải thiện sự tiêu hóa...
Còn vitamin B1 được dùng hiện nay là loại thương phẩm hoàn toàn tổng hợp, dạng muối thiamin clorhydrat, bromhydrat hay nitrat nên ngâm với mật ong không gây tạo thành chất độc.
TS Phùng Hữu Chính nhấn mạnh, trẻ suy dinh dưỡng, chán ăn ở một số gia đình nếu sử dụng vitamin B1 ngâm mật ong có tác dụng tốt, tăng khả năng thích ăn và giúp các cháu mau lớn, điều này đã được ứng dụng thực tiễn. Tuy nhiên, chỉ nên dùng vừa đủ, bởi sẽ gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể nếu lạm dụng liều cao.
Cũng theo các chuyên gia, tùy vào cơ địa và nhu cầu vitamin B1 được khuyến cáo chỉ dùng cho trẻ mỗi ngày một thìa nhỏ hỗn hợp ngâm trên. Sử dụng theo đợt, mỗi đợt không quá một tháng. Cần chọn loại vitamin B1 có liều lượng thấp khoảng 10mg/viên để ngâm với mật ong. Trường hợp các cháu phát triển bình thường thì không cần bổ sung vitamin B1, chỉ cho ăn thêm mật ong là đủ.
Gạo dành cho trẻ con nên chọn loại không xát quá trắng, khi nấu không để chế độ hâm nóng cả ngày. Bởi áp dụng cách trên, có khoảng 50% vitamin B1 đã bị tổn hao.
BS Nguyễn Văn Tuấn