Theo Daily Mail, nhiều vùng của Ấn Độ đã trải qua những ngày nắng gay gắt. Chính quyền nước này cho biết hầu hết những trường hợp chết do nắng nóng sống ở những bang phía nam. Tuy nhiên, nhiệt độ cao liên tục trong những ngày tới đã lan sang các bang ở miền Bắc.
|
Bảng nhiệt độ và độ ẩm tối đa mà con người có thể chịu đựng được khi thời tiết nắng nóng và lạnh giá. Ảnh: Livescience. |
Lịch sử đã từng ghi nhận nhiều cái nóng khủng khiếp như năm 1995 ở Chicago đã khiến 692 người thiệt mạng và 3.300 người phải cấp cứu. Hay mùa hè nóng bức năm 2013 ở Australia đạt mức kỷ lục khi nhiệt độ luôn ở mức trên 50 độ C.
Các nhà khoa học cho biết nắng nóng kéo dài cộng với nhiệt độ và độ ẩm cao có thể gây ra cháy rừng, bão lũ, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của con người.
Theo Live Science, nhiệt độ của cơ thể hoạt động tốt nhất ở mức 36-37,5 độ C và thoát nhiệt bằng cách toát mồ hôi. Khi môi trường quá nóng hoặc quá ẩm, cơ thể sẽ đổ mồ hôi, tăng nguy cơ mất nước.
Nếu nhiệt độ quá cao, cơ thể sẽ cố gắng làm mát, mất một lượng nước lớn dẫn đến kiệt sức hoặc say nắng. Nếu không được bù kịp thời sẽ dẫn tới hậu quả giảm khối lượng tuần hoàn gây trụy tim mạch, rối loạn chất điện giải nặng có thể dẫn đến tử vong.
Theo các nhà nghiên cứu, khi nhiệt độ tăng lên mức 35 độ C cùng độ ẩm cao bắt đầu đe dọa tới sức khỏe con người, nguy hiểm hơn khi đạt mức 40 độ C. Nhiệt độ lên đến 50 độ C sẽ trở thành mối đe dọa đáng sợ.
Tuy nhiên, sự tác động của nhiệt độ lên cơ thể còn phụ thuộc vào thể trạng và sức khỏe của từng người. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người già và những người mắc bệnh về hô hấp sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi nhiệt độ thay đổi.
Làm gì khi nắng nóng?
- Uống nhiều nước
- Tránh tập thể dục, làm việc nặng nhọc
- Mặc quần áo nhẹ nhàng, thoáng mát
- Thận trọng khi sử dụng thuốc
- Ăn uống đầy đủ dưỡng chất
- Tránh ra ngoài quá lâu khi nhiệt độ cao