Nhân dịp kỷ niệm 59 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2014) Báo điện tử Kiến thức đã có cuộc phỏng vấn với GS.TS, TTND, AHLĐ Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, về những vẫn đề liên quan đến ngành y tế trong thời gian qua.
Thưa Giáo sư, dưới góc độ của một người quản lý, cũng như một người đã có rất nhiều cống hiến đối với ngành, Giáo sư có đánh giá như thế nào về nền y tế Việt Nam trong thời gian qua?
- GS. Nguyễn Anh Trí: Phải khẳng định rằng, nền y tế Việt Nam trong thời gian qua đã có những bước tiến to lớn, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Đặc biệt, những năm gần đây, Y tế chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu rất to lớn, thậm chí có những thành tựu đã ngang tầm quốc tế.
Nhưng về công bằng mà nói, y tế Việt Nam vẫn còn rất nhiều thiếu thốn. Thiếu thốn ở đây là về cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, thiếu thốn cả về con người - đặc biệt là ở những vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
Năm 2013 là một năm đầy “biến động” của ngành y tế, đặc biệt là những tai biến và tiêu cực, vậy quan điểm của Giáo sư về vấn đề này như thế nào?
- GS. Nguyễn Anh Trí: Điều này thì tất cả mọi người đều có thể nhận thấy. Trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2013, có khá nhiều sự việc xảy ra đối ngành y tế. Điều đó báo chí đã đề cập đến khá nhiều. Dưới góc độ 1 người quản lý, tôi cảm ơn báo chí đã có những phát hiện kịp thời.
Tuy nhiên, toàn bộ vấn đề đó cần phải được nhìn nhận lại một cách bình tĩnh và thấu đáo.
Trước hết, dưới góc độ khoa học chúng ta cần nhớ rằng, y tế từ xưa đến nay, dù ở các nước rất phát triển đến các nước đang phát triển như chúng ta, thì tai biến y khoa là vấn đề - dù cố mấy, dù làm tốt đến đâu- vẫn rất có thể xảy ra.
Tôi phải khẳng định, bất kể một thủ thuật nào, một kỹ thuật nào, đã tiến hành trên cơ thể con người, thậm chí là chỉ lấy máu để làm xét nghiệm thì cũng có thể có nguy cơ sai sót, nguy cơ tai biến.
Ngay cả những nước có nền y học rất phát triển như Mỹ, Nhật, Pháp …hàng năm vẫn có nhiều vụ tai biến xảy ra. Nhẹ thì làm xét nghiệm sai, truyền nhầm nhóm máu,… còn nặng thì bệnh nhân tử vong.
Còn nói về sai sót cũng như những tai biến đã xảy ra trong thời gian qua, tôi cho rằng đó là những bài học rất đau đớn và thấm thía. Nó thấm thía từ lãnh đạo Bộ, đến những người làm quản lý bệnh viện, cũng như từng cán bộ y tế.
|
GS.TS, TTND, AHLĐ Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương |
Vậy theo Giáo sư, những sai sót cũng như tai biến đó liệu có phải do sự xuống cấp y đức trong một bộ phận cán bộ y tế?
- GS. Nguyễn Anh Trí: Công bằng mà nói, những sai sót của ngành y tế trong thời gian qua, có một số sai sót là có liên quan đến y đức. Đó là vì đạo đức nghề nghiệp chưa đạt ngang tầm yêu cầu của công việc.
Từ những sai sót trên theo Giáo sư cần phải có biện pháp, hình thức xử lý hay răn đe như thế nào?
- GS. Nguyễn Anh Trí: Hiện nay, trên cả nước có hơn nửa triệu người làm công tác y tế. Như vậy, sẽ có nửa triệu tính cách, nửa triệu đời sống, và nửa triệu hành vi khác nhau. Vì thế, dù rất nỗ lực và cố gắng, nhưng không thể nửa triệu người này ai cũng như ai về: trình độ, nhận thức, mức sống, nơi làm việc… Bởi vậy, việc quản lý quả là rất khó khăn.
Theo tôi, không một ai làm trong ngành y tế dám khẳng định rằng mình không có sai sót và không có chuyên khoa nào trong lĩnh vực y tế dám khẳng định là hoàn thiện.
Chính vì thế, khi xảy ra sai sót chúng ta phải xem xét họ đã thực sự làm hết sức mình chưa, trong đó có ý đồ gian lận gì không? Ví dụ, việc cố tình sửa đổi kết quả xét nghiệm, gian lận bảo hiểm hòng kiếm chác là không thể chấp nhận được. Nhưng có những lỗi, họ đã cố hết sức thì phải xem xét sao cho hợp tình, hợp lý. Đặc biệt, sau khi xảy ra sự việc, chúng ta cần phải xem xét về thái độ của họ có cầu thị, đúng mực và tích cực sửa sai hay không. Từ đó để có những nhận xét, đánh giá và quy trách nhiệm đúng và cụ thể về cá nhân hoặc tập thể gây ra sai sót đó.
Theo Giáo sư, nguyên nhân dẫn đến những sự việc xảy ra trong thời gian qua là do đâu?
- GS. Nguyễn Anh Trí: Có rất nhiều nguyên nhân. Nhưng những nguyên nhân cơ bản đó chính là: điều kiện làm việc chưa đầy đủ, do các văn bản pháp quy chưa hoàn thiện, do trình độ, năng lực, và cả do tinh thần, thái độ…
Cơ chế thị trường cũng có tác động rất lớn. Tôi không phủ nhận những giá trị của cơ chế thị trường mang lại cho đời sống, xã hội. Bởi, cơ chế thị trường cũng có những mặt mạnh của nó. Tuy nhiên, riêng trong ngành y, do hầu hết nhân viên y tế có thu nhập thấp thì cơ chế thị trường đã tạo ra áp lực rất lớn về đời sống cho các cán bộ nhân viên y tế. Rất nhiều đồng nghiệp thu nhập rất thấp, không đủ trang trải cho cuộc sống, thậm chí họ đang làm những công việc đòi hỏi sự hy sinh lớn lao và tốn nhiều thời gian. Trước tình trạng đó, cơ chế thị trường lại tác động vào và dẫn đến một số tiêu cực xảy ra...
Vậy, theo giáo sư, trong thời gian tới chúng ta cần phải có những biện pháp gì để tránh những tai biến xảy ra, cũng như hạn chế đến mức thấp nhất tiêu cực xảy ra trong ngành y tế?
- GS. Nguyễn Anh Trí: Hiện nay, với hệ thống cảnh báo ngày càng hoàn thiện, hệ thống quản lý chất lượng ngày càng tốt hơn thì những tai biến, sai sót đó sẽ ngày càng giảm xuống. Tuy nhiên, dù cố đến đâu thì việc xảy ra tai biến không bao giờ chạm đến điểm bằng 0 cả. Đó chỉ là một cái mốc, mà mỗi người cán bộ y tế, mỗi bệnh viện, mỗi cơ sở, mỗi nền y khoa của mỗi quốc gia phải hướng tới! Hay nói chính xác hơn là sai sót y khoa chỉ là một đường tiệm cận. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng, đây là đường tiệm cận vĩnh viễn không bao giờ làm được.
Vì vậy, việc chúng ta cần làm là phải cố gắng để giảm xuống đến mức thấp nhất và nếu có thì đừng nghiêm trọng.
Muốn làm được thế, chính bản thân mỗi người làm nghề y phải luôn trau dồi, phải tự rèn luyện và học hỏi nhằm nâng cao hơn nữa cả y đức, lẫn y nghiệp.
Ngoài ra, mỗi cơ sở y tế, mỗi bệnh viện khi xảy ra sai sót thì cần nghiêm túc xem xét, nhìn nhận vấn đề. Ngay đối với Viện Huyết học-Truyền máu TW, mỗi khi xảy ra vấn đề gì liên quan sai sót y khoa của các đồng nghiệp trên cả nước, chúng tôi cũng phải ngồi lại rút kinh nghiệm để đề phòng, ngăn chặn ngày từ đầu.
Cuối cùng, theo tôi hệ thống pháp quy của chúng ta phải thay đổi làm sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt hơn, sự thay đổi này phải là toàn hệ thống, chứ vấn đề không phải là thay đổi trong một đơn vị hay mỗi cá nhân. Có như vậy mới có thể giảm được tai biến và sai sót xảy ra.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!