Viêm phổi do vi trùng khiến bệnh nguy hiểm
Bé N.T.T.Q (24 tháng tuổi, quận Thủ Đức, TP.HCM) đang nằm tại phòng Hồi sức Cấp cứu khoa do bé bị viêm phổi tràn mủ nhiều, xơ dính phổi và không đáp ứng điều trị với kháng sinh (dùng kháng sinh mà bệnh không giảm). Vì vậy, bác sĩ nghi ngờ bé bị mắc bệnh lao nên phải mời thêm các chuyên gia Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch qua để hội chẩn kỹ trước khi quyết định phẫu thuật cho bé. Chị D.T.Tr - mẹ bé T.Q cho biết, trước khi nhập viện thì bé bị sốt ho và đi khám bệnh, uống thuốc theo toa của bác sĩ được 4 ngày nhưng bệnh không thuyên giảm nên đi tái khám BS cho nhập viện, đã nằm viện được 7 ngày nhưng bệnh vẫn chưa bớt.
|
ThS.BS Trần Thị Thu Loan, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM đang khám cho bé N.T.T.Q bị viêm phổi tràn mủ nhiều, xơ dính phổi, chuẩn bị phẫu thuật cắt phần phổi bị xơ dính. |
Ngày 17/3, ThS.BS Trần Thị Thu Loan, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết, chỉ riêng khoa Hô Hấp (chưa tính các khoa dịch vụ khác của Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM) có 202 bệnh nhi đang điều trị nội trú, đa số là viêm phổi trong đó có 22 trẻ bệnh nặng phải nằm phòng Hồi sức Cấp cứu của khoa. Còn theo số liệu thống kê của Phòng Kế Hoạch Tổng Hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM từ đầu năm đến nay đã có hơn 7105 bệnh nhi nội trú và trong 10 ngày đầu của tháng 3 thì có 487 ca nội trú đã xuất viện.
ThS.BS Thu Loan, cho biết thêm, thời tiết lạnh trẻ em dễ bị cảm lạnh, biểu hiện bởi hắt xì, sổ mũi, ho, sốt nhẹ. Mùa lạnh thì viêm hô hấp đa số do tác nhân siêu vi khoảng 80% như rhinovirus, virus RSV, virus cúm,…. Biểu hiện ở trẻ là ho, sổ mũi, có khi có sốt, đôi khi bỏ ăn. Diễn tiến bệnh đa số lành tính, nếu chăm sóc tốt sẽ hết sau 5- 7 ngày, không cần phải nhập viện và không cần dùng kháng sinh. Còn mùa nắng nóng thì bệnh hô hấp nguy hiểm hơn, vì đa số bệnh viêm phổi là do vi trùng nên khiến cho bệnh nặng hơn, thời gian điều trị lâu hơn và cũng nguy hiểm hơn.
Bệnh hô hấp ban đầu chỉ là viêm hô hấp trên nhưng không chăm sóc, điều trị đúng thì sẽ dẫn đến viêm hô hấp dưới. Viêm hô hấp trên có thể tự khỏi hoặc khi được điều trị. Nếu viêm hô hấp trên không được điều trị đúng sẽ tiến triển thành viêm hô hấp dưới mà dân gian hay gọi là sưng phổi (viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản hay viêm phổi). Viêm phổi là 1 trong 4 loại bệnh gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ.
Một năm trẻ bị 5-8 lần bệnh là bình thường
ThS.BS Thu Loan chia sẻ, do Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM là bệnh viện tuyến cuối, nên đa số bệnh nặng là từ các tỉnh chuyển về. Năm nay, không hiểu sao trời nắng mà bệnh hô hấp diễn biến bất thường và nặng hơn mọi năm. Bệnh viện cũng mới tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhi (10 tháng tuổi, Nha Trang) nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng, tràn mủ màng phổi, xơ dính phổi,…phải phẫu thuật 2 lần nhưng vẫn chưa khỏi bệnh. Hiện tại khoa có rất nhiều ca viêm phổi tràn mủ phải đặt ống dẫn lưu mủ ra ngoài, và có nhiều ca phải can thiệp ngoại khoa (phẫu thuật) do xơ dính phổi… Mùa lạnh thì trẻ dưới 1 tuổi mắc bệnh viêm tiểu phế quản nhiều, còn hiện tại thì đa số trẻ dưới 3 tuổi bị bệnh nhiều, chủ yếu là viêm phổi.
Theo ThS.BS Thu Loan, bệnh hô hấp là loại bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Mỗi năm trẻ bị bệnh hô hấp khoảng 5- 8 lần là bình thường, và sau mỗi lần bị bệnh bé sẽ tăng sức đề kháng nên để chống lại bệnh, cho đến khi 5 tuổi thì hầu như sẽ sẽ ít mắc bệnh hô hấp. Nhiễm khuẩn hô hấp là bệnh lành tính nhưng cũng có trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp gây biến chứng nếu không điều trị đúng và triệt để.
Tuy nhiên, lý do bệnh nhi nặng và nhập viện về TP.HCM nhiều như vậy. Theo ThS.BS Thu Loan thì nhiều lý do khiến trẻ bệnh nặng thì có một số trẻ khi bị bệnh viêm hô hấp trên, phụ huynh đã không tuân thủ đúng theo toa thuốc bác sĩ đã kê và không tái khám đúng hẹn của bác sĩ. Bên cạnh đó, do tuyến y tế cở sở còn thiếu các phương tiện chẩn đoán nên khiến bệnh diễn tiến nặng. Theo đó, bệnh nhân khi mắc bệnh hô hấp mà bác sĩ cho dùng thuốc 3 ngày nhưng bệnh không thuyên giảm mà có dấu hiệu nặng hơn thì bác sĩ sẽ đổi thuốc khác, cho chụp thêm phim X.Quang,….nếu thấy không ổn thì nên chuyển lên tuyến trên để tránh những biến chứng viêm phổi nặng ở trẻ, sẽ ảnh hưởng sức khỏe của trẻ về sau rất nhiều.
Các chuyên gia lưu ý, khi trẻ bị ho, cảm, sổ mũi,…thì đều phải đến bác sĩ Nhi khoa khám để có hướng điều trị đúng, không nên chủ quan hoặc tự ý sử dụng thuốc. Có phụ huynh thấy triệu chứng bé giống như lần trước không đưa cháu đi khám được nên tự động dùng toa cũ hoặc ra mua vài viên thuốc, đến khi tự chữa hoài không khỏi phải vào viện thì bé đã bị viêm phổi nặng, có trường hợp dẫn đến áp xe phổi phải dẫn lưu ra cả lít mủ trong phổi bé. Có ông bố đã suýt mất con vì lấy thuốc nhỏ mũi của người lớn nhỏ cho bé làm bé khó thở, tim đập nhanh phải vào cấp cứu liền và được chẩn đoán cao huyết áp nguy kịch do tác dụng phụ của thuốc nhỏ mũi.
Làm để để phòng bệnh?
Để đề phòng ngừa bệnh hô hấp, ThS.BS Thu Loan khuyến cáo, phụ huynh nên tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách chăm sóc dinh dưỡng đúng, đủ và uống nhiều nước. Dù trẻ có đang mắc bệnh, mệt mỏi, trẻ biếng ăn, ăn dễ bị nôn thì vẫn phải giúp trẻ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng bằng cách chia nhỏ các cử ăn để trẻ dễ hấp thu, đỡ bị nôn. Tránh đến những nơi đông người, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi chạm vào các vật dụng nơi công cộng, tránh khói bụi, khói thuốc lá….Trẻ nhỏ bú sữa mẹ hoàn toàn nên người mẹ cần ăn uống cân bằng đầy đủ các chất dinh dưỡng kể cả rau xanh và trái cây tươi để tăng cường lượng vitamin thiên nhiên.
Khi trẻ bị bệnh, phụ huynh phải tuyệt đối tuân thủ y lệnh của bác sĩ, uống đúng thuốc, đúng thời và tái khám theo hẹn của bác sĩ. Khi trẻ bị viêm phổi phải dùng kháng sinh thì cũng phải tuân thủ, không được tự ý ngưng thuốc. Trẻ uống kháng sinh bị tiêu chảy thì phải báo với bác sĩ khi kê toa để đổi thuốc và cho thêm men tiêu hóa….
Không nên thay đổi nhiệt độ cho trẻ, nhất là những ngày nắng nóng, khi cho bé vào phòng máy lạnh thì phải để nhiệt độ khoảng trên 26 độ C cho bé mát. Vì khi đột ngột thay đổi nhiệt độ sẽ làm tăng yếu tố nguy cơ bệnh cho trẻ.
Khi trẻ bị ho, sổ mũi, cảm thì chăm sóc ở nhà nhưng phải theo dõi trẻ. Nên đưa trẻ đến tái khám tại cơ sở y tế khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau: sốt cao liên tục, thở nhanh, lừ đừ, co giật, nôn ói nhiều...