Theo ThS.BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cơ quan y tế ghi nhận học sinh đầu tiên của trường xuất hiện triệu chứng bệnh thủy đậu vào khoảng ngày 8/2. Sau đó, liên tục các em khác cùng lớp cụng lần lượt bị bệnh. Trong vòng từ ngày 22-26/2, đã có thêm 10 ca bệnh thủy đậu tại Trường THCS Lê Quý Đôn. Trong đó, có 8 học sinh cùng lớp với ca đầu tiên, một học sinh lớp bên cạnh.
ThS.BS Trí Dũng cho biết, các học sinh bị bệnh đã được nghỉ học, cách ly, điều trị tại nhà cho đến khi hết hẳn bệnh mới đi học lại. Đồng thời, cơ quan y tế cũng thực hiện các biện pháp xử lý vệ sinh ngăn ngừa bệnh lây lan, hướng dẫn nhà trường khử khuẩn lớp học hằng ngày, tuyên truyền, nhắc nhở học sinh và phụ huynh các biện pháp phòng bệnh. Với các biện pháp trên, bệnh đã được khống chế lây lan rộng. Đến nay, chưa có thêm ca bệnh thủy đậu mới nào tại trường.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong hai tháng đầu năm 2014, thành phố ghi nhận 131 ca thủy đậu, tăng đến 157% so với cùng kỳ năm ngoái. ThS.BS Trí Dũng nhắc nhở người dân chú ý phòng bệnh thủy đậu trong tình hình thời gian này bệnh đang tăng cao. Trong đó, biện pháp đầu tiên và quan trọng nhất là giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhà cửa sạch sẽ, đặc biệt là rửa tay; hạn chế tới những nơi công cộng tập trung đông người, đặc biệt với những người có nguy cơ dễ nhiễm bệnh như thai phụ, trẻ em, người già, người mắc các bệnh mãn tính. Đối với những người mắc bệnh phải được cách ly điều trị, chỉ đi học, đi làm trở lại khi bệnh hoàn toàn khỏi, tránh lây lan cho người khác. Người chăm sóc với người bệnh cần vệ sinh, rửa tay thật sạch trước và sau khi chăm sóc người bệnh, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh.