Lươn còn gọi là cá lươn, hoàng thiện, trong 100g thịt lươn có chứa 18,8mg protit, 0,9mg lipit, 38mg Ca, 150mg P, 1,6mg sắt. Hàm lượng các nguyên tố vi lượng và vitamin A tương đối nhiều, có thể tăng cường quá trình trao đổi chất, tăng khả năng tính dục. Ngoài ra, còn có các vitamin B1, B2, B6, PP và D.
Theo Đông y, thịt lươn vị ngọt, tính ôn, có tác dụng bổ khí dưỡng huyết, làm mạnh gân cốt; thích hợp với các chứng lao lực, ho hen, tiêu khát, kiết lỵ, phong thấp đau nhức, gân cốt rã rời, thận hư đau lưng, liệt thần kinh mặt. Thịt lươn còn là vị thuốc tốt với người thể trạng nhiệt, người thiếu máu, gầy còm mệt mỏi. Trẻ em gầy yếu, xanh xao, phụ nữ sau sinh cơ thể hư nhược, khí huyết không điều hòa.
Theo kinh nghiệm người xưa, ăn quá nhiều lươn có thể bị phong, mẩn ngứa, người bị dị ứng. Người có bệnh nhiệt ngoại cảm hoặc âm hư nội nhiệt cũng phải thận trọng.
Lươn có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như miến lươn, súp lươn, lươn nướng... Lươn nấu với cá, rau nhút và một số rau gia vị thành món lẩu canh chua, là món ăn - vị thuốc bổ rất phổ biến, ngoài ra còn có tác dụng thanh nhiệt, nhuận tràng, an thần, mạnh gân xương.
Lươn nấu hoàng kỳ, đại táo: Tác dụng đại bổ khí huyết, bổ thận dương. Rất tốt cho người bị rối loạn cương dương (RLCD) thể thận dương hư. Người suy nhược cơ thể, mệt mỏi thiếu sức, tim đập nhanh hơi thở ngắn, đầu choáng mắt hoa. Lươn 250g, thịt lợn nạc 100g, hoàng kỳ 15g, đại táo 10 quả, gia vị các loại. Lươn làm sạch, bỏ nội tạng, cắt đoạn. Thịt lợn rửa sạch, cắt miếng nhỏ. Hai thứ ướp gia vị. Cho tất cả vào nồi đất, nấu chung cho chín, bỏ bả thuốc, ăn khi còn nóng.
Lươn nấu gân bò: Tác dụng bổ thận dương, bổ khí huyết, rất tốt cho người bị RLCD, có ích cho người già khí huyết hư nhược, gân cốt rã rời, mỏi mệt, vô lực và dùng bồi bổ cho sản phụ sau sinh. Lươn 1 con to, đảng sâm 25g, đương quy 15g, gân bò (mềm) 30g. Lươn bỏ ruột rửa sạch, chặt thành khúc, lấy một cái nồi đất sạch cho lươn, đẳng sâm, đương quy, gân bò vào, thêm lượng nước thích hợp đun lên, khi chín thì bỏ ra ăn.
Canh lươn đậu đen, hà thủ ô: Tác dụng ích can thận, chống lão suy, bạc tóc, đau lưng, làm sáng mắt. Lươn 90g, đậu đen 90g, hà thủ ô chế 9g, gừng tươi 2 lát, táo đỏ vài quả. Làm lươn sạch, bỏ ruột, để nguyên con, đậu đen ngâm nước cho nở, rửa sạch. Hà thủ ô, gừng tươi, táo đỏ đều rửa sạch. Cho tất cả vào nồi, đỏ nước vừa đủ, nấu to lửa cho sôi rồi ninh nhỏ lửa trong 3 giờ, cho gia vị vừa đủ, ăn nóng.
Lươn chưng cách thủy. Tác dụng bổ thận, kiện tỳ, trừ thấp. Lươn 1 con to, kê nội kim (màng mề gà) 6g, hành, gừng, nước tương, muối, rượu vang, bột nêm. Lươn làm thịt, bỏ nội tạng rửa sạch, cắt đoạn dài 6cm; kê nội kim rửa sạch, bỏ vào bát sứ cùng thịt lươn thêm hành, gừng, rượu, muối, nước tương dùng lửa lớn chưng chín, rắc bột nêm vào, trộn đều là được.
Lươn chưng thảo quyết minh: Tác dụng bổ khí huyết, bổ thận, trừ thấp. Lươn 1 con 200g, thảo quyết minh 10g, đảng sâm 8g, rượu 10ml, gừng 5g, hành 10g, tỏi 10g, muối 3g. Lươn rửa sạch, cắt khúc, thảo quyết minh tán thành bột, đảng sâm cắt miếng, gừng cắt lát, hành cắt khúc. Bỏ lươn vào thố, chế rượu lên; đảng sâm để lên mình lươn; bỏ gừng, hành, tỏi, muối chung quanh lươn; thảo quyết minh nấu riêng với nước 20 phút, bỏ cái lấy nước ra đổ vào thố lươn. Để thố vào nồi, chưng cách thủy chừng 40 phút là được. Mỗi ngày ăn một lần, thang trên chia làm 4 lần ăn.