PCB (Polyclo biphenyl) là hóa chất cực độc, chỉ đứng sau dioxin. Theo đánh giá của các nhà khoa học, thông qua các nghiên cứu gần đây thì dư lượng PCB trong môi trường đã ở mức đáng báo động dẫn đến khả năng tích tụ hàm lượng cao của PCB trong thực phẩm, sữa mẹ. Kết quả xét nghiệm ở TP HCM và Hà Nội đã phát hiện thấy PCB có trong sữa mẹ. Người nhiễm độc PCB có thể bị ung thư, biến đổi gen, biến đổi nội tiết tố...
Sữa mẹ, trầm tích sông đều có PCB
TS Nguyễn Anh Tuấn, Cục Kiểm soát Ô nhiễm, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết, trước đây, PCB được sử dụng khá rộng rãi trong công nghiệp và đồ gia dụng, đặc biệt là trong các thiết bị điện như máy biến thế điện, tụ điện... Hiện nay, ngoài một lượng PCB còn đang được sử dụng và lưu giữ trong ngành điện thì PCB gần như không còn trong các đồ gia dụng, những thứ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Chính điều này đã khiến chúng ta chủ quan về sự tác động của PCB.
Thực tế, tính đến giữa những năm 80, Việt Nam đã nhập khoảng 27.000 - 30.000 tấn dầu chứa PCB và một lượng lớn trong số này đã bị thải loại ra môi trường do không có biện pháp quản lý chặt chẽ và ý thức của doanh nghiệp. Các kết quả nghiên cứu đánh giá hàm lượng PCB trong trầm tích sông Nhuệ, Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu và hồ Yên Sở cho thấy sự gia tăng về nồng độ PCB trong các năm qua, thậm chí là vượt quy chuẩn Việt Nam về nồng độ PCB trong trầm tích (nồng độ PCB trong trầm tích dao động tăng từ 0,79 - 40ng/g (năm 1997) và 1,3 - 384ng/g (năm 2010).
Một kết quả nghiên cứu về dư lượng PCB trong sữa mẹ cũng được các nhà khoa học Việt Nam thực hiện ngẫu nhiên tại Hà Nội (42 mẫu) và TPHCM (54 mẫu). Tại thời điểm nghiên cứu (2000-2001), nồng độ PCB trong sữa mẹ tại Việt Nam so với tiêu chuẩn của Việt Nam vẫn được đánh giá là an toàn so với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, đây là mức báo động so với khuyến cáo hiện tại về ngưỡng tiếp nhận PCB vào cơ thể người của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Những kết quả nghiên cứu về dư lượng PCB trong các năm trở lại đây cũng phát hiện PCB có trong sữa mẹ, dù hàm lượng chưa vượt ngưỡng. Điều đáng nói, PCB khi đã ngấm dần trong cơ thể con người sẽ tồn tại và tích lũy, khi mức độ phơi nhiễm PCB đủ lớn sẽ gây bệnh. Khi nhiễm độc cấp tính, người bị nhiễm PCB có thể nổi mụn, cháy da, bỏng mắt... Ở mức độ mạn tính, PCB có thể gây ung thư, rối loại sinh sản, gây biến đổi gen, quái thai dị dạng.
|
Khu vực lưu trữ thiết bị có chứa PCB tại Điện lực Quảng Ninh. |
Lo rò rỉ ra môi trường
TS Phạm Mạnh Hoài, Ban Quản lý dự án Quản lý PCB tại Việt Nam cho hay, không chỉ có PCB đã bị thải ra môi trường đáng báo động, mà hiện nay một lượng không nhỏ PCB vẫn còn đang lưu trữ trong và ngoài ngành điện. Nhiều người cho rằng, lượng PCB này đã được lưu giữ thì không đáng lo ngại.
Tuy nhiên, việc lưu giữ này vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn đến việc có thể bị rò rỉ, chảy tràn, cháy nổ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ cộng đồng. Vụ nhiễm độc thức ăn ở Bỉ vào năm 1995 khi 25 lít dầu máy biến thế bị rò rỉ rồi chảy ra một khu thu gom chất thải tái chế làm thức ăn cho gia súc đã tiêu tốn khoảng hơn 1 tỷ USD để khắc phục hậu quả là một minh chứng.
Các chuyên gia cho biết, do dư lượng PCB trong môi trường đã ở mức đáng báo động dẫn đến khả năng tích tụ hàm lượng cao của PCB trong thực phẩm (đặc biệt là trong cá), trong sữa mẹ. Vì thế, trong sinh hoạt cần hạn chế phơi nhiễm PCB qua thức ăn và sử dụng các thiết bị, vật liệu điện cũ.
Để phòng tránh PCB nên hạn chế ăn cá, trứng, sữa, gia cầm, thịt mỡ không rõ nguồn gốc; loại bỏ da, chất béo khi chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc; thận trọng khi tiếp xúc với các vật liệu cũ như chấn lưu điện tử, bóng đèn huỳnh quang, giấy than không cacbon, sơn chống cháy...
Việc xử lý, tiêu hủy PCB vô cùng tốn kém và phức tạp. Hiện nay, các nhà khoa học ở Việt Nam mới đang tiến hành kiểm kê lượng PCB có mặt và tiếp cận các phương án, công nghệ xử lý. Tiêu hủy lượng PCB đang tồn tại đã khó, xử lý PCB đã chảy tràn ra môi trường còn phức tạp hơn rất nhiều.
TS Nguyễn Anh Tuấn