Hóa chất công nghiệp độc hại
Ngày 22/5, anh Đỗ Văn Tuấn, ở làng chài Cửa Vạn, TP Hạ Long (Quảng Ninh), mua 2 lạng giò chả ở chợ Hạ Long đem về làm mồi câu. Khoảng 1 giờ sáng, anh Tuấn phát hiện miếng giò phát sáng. Anh đem cắt nhỏ, đi rửa, miếng giò vẫn phát sáng. Ngày 25/5, ông Nguyễn Minh Chung, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm Quảng Ninh cho hay, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đã tiến hành lấy mẫu, thu thập mẫu giò chả tại cửa hàng các chợ gửi đi kiểm tra.
TS Phan Thế Đồng, nguyên Trưởng khoa Khoa Công nghệ Thực phẩm, trường Đại học Nông lâm TPHCM cho hay, trong hóa học có nhiều hóa chất khi kết hợp với các thành phần khác nhau hoặc gặp môi trường không khí nóng hoặc độ ẩm cao thì cũng phát sáng, sinh màu. Hợp chất phát sáng, phát màu khi gặp tác nhân khác thường là hóa chất vô cơ dùng trong công nghiệp, chứ không thuộc hợp chất dùng cho thực phẩm. Trong thực phẩm, khi không pha trộn bất cứ thành phần hóa chất nào thì không bao giờ có hiện tượng như vậy. Nếu chế biến thực phẩm sử dụng các phụ gia an toàn được phép cho vào thực phẩm thì cũng không có những tương tác khiến thực phẩm phát sáng, chuyển màu lạ...
Riêng chế biến giò, để giò được ngon, giòn, dai, màu đẹp lại để lâu không ôi thiu, mất mùi thịt, người ta có thể cho hóa chất dùng trong công nghiệp chỉ cần một ít là thấy tác dụng. Sử dụng những thực phẩm chứa các chất vô cơ hóa chất công nghiệp sẽ gây ngộ độc cho cơ thể dạng ngộ độc kim loại, tổn hại gan, thận, da, tích trong cơ thể theo thời gian dài. Trường hợp ngộ độc triệu chứng nặng thường là nôn ói, người nôn nao, đầu choáng váng, cơ thể mệt mỏi.
Trong thực phẩm có một số thành phần hóa chất cho phép sử dụng với liều lượng thấp đó là nitrit, nitrat... tác dụng tạo cấu trúc thực phẩm ngon hơn và để được lâu hơn, nhưng yêu cầu khi sử dụng làm phụ gia thực phẩm phải được kiểm soát chặt chẽ.
|
Để giò được giòn, dai, màu đẹp người ta cho hóa chất dùng trong công nghiệp. |
Không loại trừ phụ gia mùi thịt
Ở góc độ khác, ThS Nguyễn Văn Thương, Công ty Cổ phần Thực phẩm Hà Nội cho rằng, nguyên nhân giò phát sáng không loại trừ do hóa chất tạo hương, màu sắc được pha trộn trong quá trình chế biến. Theo đó, hiện để làm giò phần nhiều các cơ sở đều cho thêm các chất phụ gia dạng này, trong đó đặc trưng nhất là tinh dầu tạo mùi thịt. Họ có thể mua hóa chất phục vụ "công nghệ" chế biến trên được bán tại các cửa hàng chuyên về tinh dầu, phụ gia.
"Phụ gia có nhiều loại, nhưng cần nhấn mạnh rằng, phụ gia cho phép không bao giờ có những hiện tượng đặc biệt như phát sáng. Còn phụ gia trôi nổi có hàng trăm nguồn khác nhau. Khi đã chế biến được loại này để đưa vào thực phẩm thì họ không loại trừ các chất độc hại. Nguy hiểm hơn nếu là chất hữu cơ thì khả năng chứa kim loại nặng, chất tinopal... cũng khó tránh. Vì thế, đối với trường hợp giò chả phát sáng cần làm rõ cả thành phần thịt, phụ gia...", ThS Nguyễn Văn Thương cho hay.
Đồng quan điểm, TS Phạm Văn Thành, nguyên Giám đốc Trung tâm Phân tích và Giám định Thực phẩm Quốc gia cho hay, trong quá trình công tác ông chưa bao giờ thấy giò chả phát sáng. Nhưng nghi ngờ rằng chất phát sáng có thể là chất độn tương tự như đối với bún mà cơ quan chức năng đã phát hiện ra. Màu giò chả nguyên bản có thể không hấp dẫn vì thế chất độn này nhằm mục đích tẩy trắng, làm sáng.
Theo các chuyên gia, hiện tình trạng sử dụng thịt bẩn để làm giò chả cũng gây khó khăn khi kiểm tra chất lượng sản phẩm. Vì thế, người dân cần tìm hiểu về sản phẩm khi mua ăn là điều cần thiết. Chỉ nên mua ở những cơ sở được xác định đảm bảo an toàn thực phẩm.
"Giò lụa được cho là ngon khi có màu trắng ngà hơi ngả sang màu hồng nhạt, bề mặt nhiều lỗ rỗ. Mùi thịt thơm thoang thoảng hòa quyện với mùi của lá gói. Khi ăn cảm thấy mềm, không khô hay bã, bở. Còn giò trộn hương liệu thường có mùi thịt đậm đặc, không lẫn mùi lá", kinh nghiệm của chị Trần Lê An, Minh Khai, Hà Nội.